Vì sao xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khó?

THU HOÀI 14/09/2019 00:00

Trung Quốc - một trong những thị trường lớn và truyền thống, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất (XK) nông thủy sản Việt Nam giờ không còn là thị trường dễ tính. Yêu cầu về chất lượng ngày càng chặt.

Đánh giá tình hình xuất khẩu (XK) nông thủy sản, thực phẩm sang Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay, năm 2018, XK nông sản, thủy sản sang Trung Quốc đạt 8,65 tỷ USD, giảm  4,26% tương đương 384 triệu USD so với năm 2017 (9,033 tỷ USD).

Tiêu chuẩn ngày càng siết chặt

7 tháng đầu năm 2019, XK nông thủy sản sang Trung Quốc đạt 3,83 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các mặt hàng chủ lực như rau quả, gạo, sắn, cà phê đều giảm.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc

Một trong những nguyên nhân khiến XK nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc giảm, theo ông Trần Thanh Hải là do nông thủy sản Việt Nam chưa đáp ứng tốt các yêu cầu như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác… Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn thiếu thông tin, chưa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu chính sách, thị hiếu, nhu cầu thị trường; vẫn duy trì tập quán làm ăn nhỏ lẻ, XK qua tiểu ngạch chứ chưa qua chính ngạch một cách bài bản, chính quy.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc quay đầu giảm mạnh

    Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc quay đầu giảm mạnh

    00:42, 27/08/2019

  • Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc (tiếp theo): 8 giải pháp bền vững

    Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc (tiếp theo): 8 giải pháp bền vững

    09:44, 30/05/2016

  • Cách nào hóa giải khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc?

    Cách nào hóa giải khó khăn khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc?

    01:18, 06/11/2018

Đơn cử, tại Lào Cai, trước đây các loại nông sản như hạt tiêu, thảo quả... được cư dân biên giới phía bạn nhập khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi cư dân biên giới không cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Nhưng hiện tại, các mặt hàng này đã được yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bao bì, hàng hóa phải được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ phía Việt Nam thì mới được phép nhập khẩu, gây khó khăn cho nông sản XK.

Do đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn trong nhập khẩu các mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai, tuy nhiên, do các DN tại Lào Cai chưa đáp ứng đủ điều kiện như: phải là cơ sở chế biến nằm trong danh sách đã được phía Trung Quốc đồng ý cho XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc; phải có chứng thư an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấpnên trong thời gian qua, mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện XK qua cửa khẩu Lào Cai.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động XK nông thủy sản của nước ta sang Trung Quốc vấn tồn tại nhiều vấn đề. “XK nông thủy sản sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp. Đó là vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững…” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thêm, hiện Trung Quốc đã có những bước chuyển hình thức thương mại. Cụ thể, từ 1/6/2019, Trung Quốc nhất thế hóa hoạt động xuất nhập khẩu theo chính ngạch. Cơ quan quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc cũng chuyển từ nhiều đầu mối sang một đầu mối duy nhất là Hải quan Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào nông nghiệp để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Như vậy, nông thủy sản Việt không thể mãi “một mình một chợ”.

Về phía DN, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), nguyên nhân lớn nhất có sự sụt giảm XK gạo sang Trung Quốc là do họ tăng cường siết chặt về kiểm dịch và tăng cường yêu cầu an toàn thực phẩm. Thứ hai, Trung Quốc hiện có lượng dư tồn kho rất lớn. Nếu trước đây họ là nước nhập khẩu lớn thì hiện nay họ là nhà XK.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm nhấn mạnh: “Với tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ trở thành nhà XK gạo lớn thứ 5 thế giới. Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như triển khai đầu tư nông nghiệp sang Campuchia và Myanmar nên giảm nhu cầu nhập khẩu gạo”.

Thay đổi tư duy khi làm ăn với thị trường Trung Quốc

Câu chuyện thành công từ vải thiều Bắc Giang cho thấy, xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng và không còn là thị trường dễ tính như cách hiểu truyền thống, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng chiến lược phát triển cây vải thiều một cách đồng bộ từ quy hoạch sản xuất, triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, cải thiện các điều kiện phục vụ XK như: chất lượng, thương hiệu, đóng úi, tem nhãn... nhằm gia tăng giá trị kinh tế từ vải thiều. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm hiểu thông tin thị trường, thay đổi cách thức sản xuất, XK. Nhờ đó, năm nay, dù Trung Quốc thay đổi mạnh về chính sách xuất nhập khẩu nông sản nhưng kim ngạch XK vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Từ bài học của quả vải thiều, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc liên tục thay đổi, bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – cho rằng, cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bỏ tư duy đem lên biên giới bán những gì mình có, đưa hàng lên biên giới rồi tìm người mua; không quan tâm đến nhu cầu, thị hiếu người mua, không quan tâm về tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng… chuyển sang sản xuất theo quy hoạch căn cứ nhu cầu, dung lượng thị trường, mùa vụ.

Bên cạnh đó, đầu tư cho xây dựng kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa tại Trung Quốc; nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch…. “Tư duy ỷ lại theo thói quen thương mại biên giới tiểu ngạch cần được loại bỏ. Bên cạnh đó, cần nắm chắc và tuân thủ quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc, nắm chắc vận dụng ưu đãi thuế quan, hạn ngạch thuế quan của Trung Quốc”, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Khẳng định Trung Quốc là thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông thủy sản Việt Nam, để khai thác được lợi thế, vượt qua thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nhận diện cho đúng các thách thức và có giải pháp quyết liệt đồng bộ nếu muốn XK bền vững sang thị trường này. Trong đó, cần sự vào cuộc của cả 3 trục: Chính phủ, địa phương; DN và người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, phía Trung Quốc có nhu cầu lớn với các mặt hàng chủ lực của ta như gạo, cao su, thủy sản, nông sản chế biến… đặc biệt là trong giao thương chính ngạch. “Do đó, các Bộ, ngành địa phương cần phối hợp để định vị lại thị trường sao cho đúng với thực tiễn thương mại quốc tế, từ đó đi đến các giải pháp cụ thể để tăng trưởng XK, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện được mùa mất giá của nông sản như đã chứng kiến lâu này” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO