Theo tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, việc đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XI được coi là điểm mới trong chiến lược phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ tới.
Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa nội dung “chỉ số hạnh phúc” vào chủ đề Đại hội. Đây là vấn đề mới, khi báo cáo Bộ Chính trị cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa số ủng hộ và đánh giá cao. Bộ Chính trị cũng định hướng Yên Bái vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Lý giải ý tưởng đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bô tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, ông Đỗ Đức Duy, Tân Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái chia sẻ: Xuất phát từ nhận định nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách, Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp. Chính vì vậy, địa phương đã chọn hướng đi “làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”. Đây không phải Yên Bái cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình.
Tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết, để tính “chỉ số hạnh phúc”, Yên Bái đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức của nước Anh. Tỉnh đã khảo sát hơn 2.000 phiếu, đánh giá theo các tiêu chí.
“Chỉ số hạnh phúc” bao gồm các tiêu chí: sự hài lòng về cuộc sống, về môi trường sống, chỉ số tuổi thọ. Trong đó, đánh giá sự hài lòng về cuộc sống có 4 yếu tố: sự hài lòng về điều kiện kinh tế vật chất; về mối quan hệ trong gia đình và xã hội; về chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp xúc với cơ quan công quyền.
Sự hài lòng về môi trường sống có các yếu tố: sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng đô thị và làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý rác thải, nước thải; việc bảo vệ rừng và môi trường.
Yên Bái cũng điều tra tuổi thọ trung bình ở 3 độ tuổi: 65, 70 và 75. Từ 3 kết quả điều tra này, sự hài lòng về cuộc sống của Yên Bái cao nhất là 40,71%; sự hài lòng về môi trường sống cảm nhận là 31,8%. Tiêu chí tuổi thọ 65 hơn 30%, 70 chiếm 41,6%, 75 chiếm hơn 10%...
“Chỉ số hạnh phúc” được tính bằng công thức: (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình): Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống. Theo công thức này, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái hiện tại là 53,3% - ở mức “khá hạnh phúc mức 1”. Nhiệm kỳ tới, Yên Bái phấn đấu tăng thêm 10 – 15% chỉ số này để đạt “khá hạnh phúc mức 2”…
Để việc đánh giá mức độ hạnh phúc được cụ thể và chuẩn xác hơn, tỉnh đề nghị chia thành các mức độ hạnh phúc khác nhau, cụ thể: Khá hạnh phúc gồm 2 mức: Mức 1 (từ 50-60%); mức 2 (từ 61-70%). Hạnh phúc gồm 3 mức: Mức 1 (từ 71-80%); mức 2 (từ 81-90%); mức 3 (từ 91-100%). Dưới 50% là xếp vào mức độ Chưa hạnh phúc.
Khái niệm “chỉ số hạnh phúc” với người dân Yên Bái khá đơn giản. Theo tân Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, mỗi người dân ở mỗi vùng có định nghĩa khác nhau về chỉ số hạnh phúc. Với bà con vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhu cầu chi tiêu không lớn, họ chỉ cần cuộc sống an toàn trước thiên tai, bão lũ. Trẻ em được đến trường học, được chăm sóc bán trú, nội trú… Cha mẹ rất hài lòng vì con được đến trường học, được ăn, được vui chơi… đó chính là cuộc sống hạnh phúc.
Hạnh phúc ở góc độ khác, đó là người dân được chăm sóc sức khỏe, có con đường mới để đi xe máy, không phải lặn lội trèo đèo, lội suối… “Yên Bái xác định phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; Không thể để tỉnh có tăng trưởng cao, thu ngân sách nhiều nhưng người dân không hạnh phúc”, ông Duy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
10:33, 12/09/2020
14:49, 11/08/2020
03:02, 03/08/2020
04:08, 01/08/2020
10:59, 31/07/2020