Trên thực tế nhiều dự đoán của giới tài chính Mỹ và châu Âu đã sai lầm khi đánh giá sự cô lập của đồng Ruble sẽ gây mất giá mạnh, ngược lại nó đang dẫn đến một trật tự tiền tệ mới trong toàn cầu.
>>>PBoC bật tín hiệu bảo vệ đồng Nhân dân tệ
Chúng ta biết sau khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát hồi đầu năm 2022 thì rất nhanh chóng Nga đã vấp phải sự phản ứng của nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và Nhật. Trong đó có tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada ngày 26/2 cho biết sẽ loại các ngân hàng của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu-The Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication (SWIFT) của hơn 200 quốc gia thành viên đang tham gia hệ thống thanh toán tiện lợi và hiện đại này. Khi các ngân hàng của Nga bị cắt kết nối với hệ thống SWIFT cũng đồng nghĩa với việc các giao dịch bằng đồng USD của Nga với hầu hết các quốc gia có tên trong hệ thống SWIFT đều phải ngưng lại và phải tìm đường khác, sẽ dẫn đến những tổn hại về khả năng hoạt động ngoại thương trong nền kinh tế thị trường của Nga và các nước liên quan trên toàn cầu.
SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, là một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính của hơn 200 quốc gia, là một hệ thống thanh toán hiện đại, an toàn, nhanh chóng và rẻ nhất trong nền kinh tế thị trường toàn cầu. Trước khi bị tách khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu này, Nga có 291 thành viên ngân hàng nằm trong hệ thống SWIFT và bình quân doanh số thanh toán tương đương với tổng trị giá 800 tỷ USD (tương đương 60%GDP) mỗi năm giữa Nga với bạn hàng quốc tế. Vì vậy, tất nhiên khi Nga bị tách ra khỏi SWIFT thì không chỉ riêng Nga mà nhiều quốc gia khác có giao dịch với Nga, gồm cả những nước thuộc Liên minh châu Âu EU và các nước khác đang mua nguồn năng lượng lớn từ Nga, cũng như các doanh nghiệp của các nước có giao dịch ngoại thương với Nga cũng đều bị ảnh hưởng không nhỏ.
Các doanh nghiệp Trung Quốc có truyền thống mua than ở Nga bằng USD, tuy nhiên sau khi các ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống SWIFT, nhiều đối tác Trung Quốc đã tạm ngừng giao dịch với Nga. Nga là nước cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc. Không chỉ Trung Quốc, mà cả Nga, Iran, châu Âu, châu Á và hầu hết các nước khác thường sử dụng đồng USD trong thị trường toàn cầu trước khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine xảy ra từ 23/2/2022. Do nhu cầu lớn nên đến nay một số doanh nghiệp Trung Quốc đã mua than của Nga bằng đồng Nhân dân tệ (CNY) và Nga cũng đã phải chấp nhận thu về bằng đồng tiền này. Mặc dù vậy, các khoản thanh toán 2 chiều Nga-Trung bằng CNY hay bằng đồng Ruble đều chưa có khả năng đe dọa sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu vì đồng USD hiện vẫn đang thống lĩnh hơn 60% tổng giá trị thanh toán quốc tế.
>>>Ukraine xin gia nhập NATO, Nga sẽ trực diện đấu với NATO?
Để đáp trả đòn thanh toán với Nga của Mỹ và châu ÂU, Nga cũng đã có những giải pháp mạnh liên quan đến nguồn cung ứng dầu mỏ, khí đốt lớn nhất đối với châu Âu - Nơi đang nhập bình quân khoảng 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô từ Nga, đấy là con số bình quân, riêng đối với những quốc gia EU láng giềng gần Nga như Rumani, Hungari... thì số khí đốt, dầu thô phụ thuộc Nga lên tới xung quanh 80% tổng nhu cầu hàng năm của các quốc gia này. Bằng lệnh cấm thanh toán các hàng xuất khẩu nói chung và dầu thô, khí đốt nói riêng của châu Âu với Nga bằng đồng USD hay Euro mà phải thanh toán bằng đồng Ruble của Nga đã giáng một đòn rất mạnh vào đồng tiền của các quốc gia EU và đồng USD của Mỹ. Vì nếu Nga lại tiếp tục nhận thanh toán bằng USD hoặc Euro thì 2 đồng tiền “lịch sử” này đã căn bản không còn ý nghĩa gì nữa đối với Nga.
Quyết sách mang tính chiến lược này của Nga chắc chắn sẽ làm giảm vị thế của đồng USD trong thương mại toàn cầu khi cùng lúc cả đồng Ruble, đồng CNY và một số các loại tiền tệ khác cùng tăng giá trong thương mại sẽ gây ra những tác động lâu dài đối với chi phí vay và tài chính không chỉ của các nước EU mà cả với Mỹ cùng đồng minh của Mỹ.
Ngoài ra, không phải sau sự cố Nga-Ukraine quan hệ tiền tệ giữa Nga và Trung Quốc mới phát triển, mà trong những năm gần đây, Nga đã tăng tỷ trọng vàng và đồng CNY của Trung Quốc lên gần một nửa dự trữ ngoại hối. Sở Giao dịch chứng khoán và tiền tệ Belarus cũng đã thông báo bắt đầu giao dịch với đồng CNY của Trung Quốc. Kết quả là đồng Ruble của Nga đã và đang nhanh chóng thoát khỏi cú sốc đã từng “rơi tự do” xuống tới 140Ruble/USD hồi đầu tháng 3/2022 lên ngang mức trước xung đột và đang mạnh hơn lên theo thời gian, hiện tỷ giá này đang ở mức xung quanh 57Ruble/USD và 58 Ruble/Euro tại thời điểm cuối tháng 9/2022.
Trên thực tế nhiều dự đoán của giới tài chính Mỹ và châu Âu đã sai lầm khi đánh giá sự cô lập của đồng Ruble sẽ gây mất giá mạnh, nhưng sự phục hồi của đồng Ruble thậm chí đang dẫn đến một trật tự tiền tệ mới trong thị trường toàn cầu. Trong đó có việc cả châu Âu đang cần đồng Ruble để mua dầu, khí đốt và các hàng hóa xuất ra từ Nga. Muốn có đồng Ruble với số lượng lớn để mua dầu, khí đốt của Nga thì các nước EU và các quốc gia thân Mỹ cũng buộc phải bán hàng tiêu dùng khác cho Nga với giá mà Nga sẵn sàng mua bằng đồng Ruble đang lên giá của mình.
Không chỉ với châu Âu, mới đây nhất Nga và Ấn Độ đã có những hợp đồng mua vũ khí từ Nga không bằng đồng USD như thông lệ, mà là bằng đồng nội tệ của Ấn Độ - đồng Rupee. Theo đó, vào ngày 25/3/2022 Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã đồng ý cho Nga dùng số tiền nội tệ của Ấn Độ thu được từ các hợp đồng bán vũ khí cho Ấn Độ để đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của nước này thay vì Ấn Độ trả tiền mua vũ khí cho Nga bằng USD như trước đây.
Ngoài ra, Nga cũng có thể dùng số tiền xuất siêu sang Ấn Độ để mua vàng của Ấn Độ và thanh toán bằng đồng Rupee từ khoản chênh lệch xuất siêu này, làm giảm vai trò của đồng USD trong quan hệ song phương giữa nước lớn Nga và quốc gia khổng lồ Ấn Độ. Điều này không chỉ có lợi cho cả Nga lẫn Ấn Độ, mà lại giáng thêm một đòn lớn nữa vào vị thế của đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Tương tự như Ấn Độ, Saudi Arabia - Một trong những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu ở vùng Vịnh cũng đã chấp nhận thanh toán bằng đồng CNY thay đồng USD cho các đơn hàng dầu xuất sang Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của nước này. Với số tiền này, Saudi Arabia sẽ duy trì một phần đáng kể dự trữ của mình bằng đồng tiền CNY của Trung Quốc cũng làm giảm vị thế của đồng USD tại quốc gia dầu khí lớn ở vùng Vịnh này. Đây có thể sẽ là một cơ hội cho Trung Quốc đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa đồng CNY mà Trung Quốc từng mơ ước từ hơn 10 năm nay.
Tuy nhiên tại thời điểm này, theo IMF, các NHTW trên thế giới mới chỉ nắm giữ số CNY tương đương 319 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, con số này mới chiếm khoảng 2,5% tổng dự trữ. Trong khi đó dù đã tụt xuống nhưng đồng USD vẫn còn chiếm 60% dự trữ ngoại hối chính thức được công bố trên toàn cầu vào cuối năm 2021. Con số này đã giảm từ 71% vào năm 2000, nay vẫn vượt xa mức sử dụng trong dự trữ ngoại hối của tất cả các đồng tiền khác bao gồm đồng Euro (21%), Yên Nhật (6%), Bảng Anh (5%) và đồng CNY của Trung Quốc (2,5%). Đồng CNY vẫn còn là đồng tiền dự trữ quốc tế thứ 5 trong rổ tiền tệ 5 quốc gia trên thế giới - Quyền rút vốn đặc biệt - SDR.
Tuy nhiên thứ bậc về phương tiện thanh toán quốc tế thì đến nay đồng CNY đang đứng thứ tư trên thế giới so với vị trí thứ 35 vào năm 2010. Vị thế các đồng tiền dùng trong thanh toán quốc tế đến thời điểm này được IMF công bố như sau: Đứng đầu là đồng USD (40,51%), thứ hai: Euro (36,65%), thứ ba: Bảng Anh (5,89%), thứ tư: CNY (2,7%) và thứ năm: Yên Nhật (2,57%).
Trong bối cảnh hiện nay, Nga sẽ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho vai trò và vị thế thanh toán quốc tế của đồng CNY, trước hết là ở khu vực chấu Á rộng lớn. Theo đó, Nga đã đi đầu trong việc mở đường cho con đường kiểm soát trong thanh toán quốc tế của đồng CNY của Trung Quốc. Hiện nay đồng tiền Trung Quốc đang là một trong những đồng tiền sở hữu dự trữ ngoại hối lớn nhất của Nga, chiếm tỷ trọng 13,8%, tương đương hơn 85 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc đang là đối tác thương mại chính của Nga. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã vượt con số 148 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ gia tăng trong tương lai với phương tiện thanh toán song phương phi USD.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay việc Nga buộc các quốc gia không thân thiện phải thanh toán dầu mỏ, khí đốt và hàng nhập về từ Nga bằng đồng Ruble là một quyết định hợp lý khi thế giới đang duy trì một tỷ trọng áp đảo của đồng USD, đồng Euro trong dự trữ ngoại hối, trong thanh toán quốc tế. Đặc biệt đối với dầu mỏ, khí đốt nay không còn chỉ thanh toán bằng USD hay Euro nữa mà thay vào đó, thế giới đã và sẽ sử dụng nhiều đồng tiền khác để thay thế như CNY, Ruble, Rupee… và đồng CNY đang có cơ hội tiến xa hơn nữa cùng với sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, sẽ trở thành một trong những đồng tiền thanh toán quốc tế chủ chốt, sẽ là những áp lực đe dọa sự thay đổi vị thế của các đồng tiền mạnh nói chung và ngôi vị đứng đầu của đồng USD nói riêng trong dự trữ và thanh toán quốc tế.
Đối với Việt Nam, việc hệ thống thanh toán của Nga căn bản bị loại ra khỏi SWIFT không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh toán của quốc gia này mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam bởi Nga và Việt Nam vốn có quan hệ kinh tế lâu đời và không nhỏ từ thời Liên Xô cũ đến nay. Việc bị loại khỏi SWIFT của Nga cũng khiến cho việc thanh toán, mua bán hàng hóa giữa Việt Nam với Nga bao gồm cả tư nhân lẫn doanh nghiệp Nhà nước đều gặp khó khăn. Phải chuyển từ thanh toán gián tiếp qua trung tâm SWIFT sang thanh toán trực tiếp và/hoặc qua nước thứ ba/hoặc bù trừ cuối kỳ phần chênh lệch ngoại thương hai nước qua tài khoản trong khi đồng Ruble của Nga và đồng tiền Việt đều không phải là tiền thanh toán quốc tế.
Giải pháp thay thế mạnh nhất sẽ vẫn là sử dụng dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) sẵn có do các tổ chức tín dụng trong nước đã trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Tất nhiên dịch vụ này sẽ tốn kém hơn, chậm hơn và kém an toàn hơn so với thanh toán nhắn tin chuyển tiền qua SWIFT. Mọi thanh toán hay trao đổi thông tin giữa các NHTM trong giao dịch quốc tế trước đây như thư tín và telex đều không đảm bảo an toàn và rất tốn kém.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga, do đó khối lượng thanh toán giữa hai quốc gia không phải là nhỏ. Vì vậy khi Nga bị tách ra khỏi SWIFT thì việc thanh toán giữa Việt Nam và Nga tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khó khăn cả về phương diện kinh phí lẫn giải pháp an toàn kỹ thuật. Hiện nay chắc chắn hai nước sẽ phải phát huy vai trò của Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) đang có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt - Nga giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước trong nhiều năm qua, đến nay đều cùng phải rời SWIFT để phải sử dụng trực tiếp kênh thanh toán song phương tốn kém này.
Tóm lại, sự kiện Nga-Ukraine không đơn thuần chỉ là sự kiện quân sự giữa hai quốc gia, mà còn là cuộc xung đột mang tính toàn cầu về thương mại và thanh toán quốc tế. Sự thay đổi vị thế các đồng tiền trong thanh toán quốc tế cũng tất yếu kéo theo các dòng dịch chuyển thương mại theo hướng trái với mong đợi của các nước EU, Mỹ và thân Mỹ đồng thời tạo ra cơ hội thay đổi vị thế của nhiều đồng tiền mạnh trong thanh toán quốc tế. Theo đó, vị thế của đồng USD, EU giảm mạnh trong khi đồng CNY, Rupee và cả đồng Ruble đã và đang có cơ hội mạnh trong cơ cấu kinh tế thị trường toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?
12:30, 01/06/2022
Đồng Nhân dân tệ suy yếu trong bối cảnh kinh tế gián đoạn
04:50, 29/04/2022
Trung Quốc khó quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ
04:30, 25/03/2022
Chiến sự Nga - Ukraine làm "mong manh" quan hệ Nga- Ấn Độ
04:30, 01/10/2022
Ngành thuế gặp khó khi thu thuế qua sàn thương mại điện tử
04:00, 01/10/2022
Belarus sẽ "nhúng tay" vào chiến sự Nga - Ukraine?
04:00, 01/10/2022
Cảnh báo doanh nghiệp ngành dệt may giảm tỷ trọng
04:00, 01/10/2022