Việc cơ quan cạnh tranh lạm quyền tuyệt đối không thể xảy ra

Nguyễn Việt 20/04/2018 21:40

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngày 20/4 là tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh (UBCT) Quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, việc cơ quan cạnh tranh lạm dụng quyền hạn, đặt ra giấy phép con tuyệt đối không thể xảy ra. Bởi mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra Tòa.p/Ảnh: Nguyễn Việt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, việc cơ quan cạnh tranh lạm dụng quyền hạn, đặt ra giấy phép con tuyệt đối không thể xảy ra, bởi mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra Tòa. Ảnh: Nguyễn Việt

Các ý kiến cho rằng sẽ khó có tính độc lập, bởi theo Dự án Luật, UB này trực thuộc Bộ Công Thương, chưa kể ủy ban vừa quản lý về cạnh tranh lại vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như tính thực chất của ủy ban này.

Không lo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, quan điểm của Bộ Công Thương trong vấn đề này là rất rõ ràng. Bộ mong muốn có một cơ quan cạnh tranh chuyên biệt độc lập hoàn toàn. Tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với việc tinh giảm bộ máy Nhà nước hiện nay nên kết quả cuối cùng như trong dự thảo.

Theo đó, sẽ có một CQCT là UBCT Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh vừa có trách nhiệm là cơ quan quản lý cạnh tranh Nhà nước, vừa xét xử các vụ việc hạn chế cạnh tranh.

“Thiết kế của UBCT sẽ hoàn toàn đảm bảo cho cơ quan này thực hiện cùng lúc 2 chức năng. Đặc biệt, đảm bảo sự sự độc lập cho việc xét xử, UBCT sẽ có 15 ủy viên. Các ủy viên này là do Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm. Trong việc xét xử, 15 ủy viên sẽ hoàn toàn tuân theo các quy định pháp luật chung của Nhà nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Ông Khánh cho biết thêm, tại nhiều nước trên thế giới, các cơ quan cạnh tranh của các nước được tiến hành điều tra xử lý nhiều vụ việc hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới. Tại dự thảo Luật lần này quy định 2 trường hợp các cơ quan cạnh tranh được tiến hành điều tra xử lý đối với phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đó là, các doanh nghiệp nước ngoài có cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có nhận diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.

“Trong cả 2 trường hợp đều có thực thể tại Việt Nam, cơ quan chức năng đều có thể tiếp cận yêu cầu cung cấp thông tin. Trong trường hợp không có hiện diện tại Việt Nam thì khi có hoạt động qua biên giới thì vẫn phải có đối tượng để Việt Nam yêu cầu giải trình điều tra thông qua các Hiệp định thương mại song phương đa phương với các nước và các thỏa thuận Hợp tác giữa các cơ quan điều tra. Vì thế, chúng ta có thể yêu cầu các đối tượng liên quan đến cạnh tranh dù ngoài quốc gia phải cung cấp thông tin”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Luật sửa đổi sẽ có cách làm mới

Thứ trưởng cũng giải thích thêm về việc xem xét xử lý các vụ việc cạnh tranh trong Luật sửa đổi sẽ có cách làm hoàn toàn mới, đó là dựa trên việc đánh giá tác động cạnh tranh tới thị trường trong nước chứ không chỉ trên tỷ lệ thị phần. Cụ thể, cùng với yếu tố thị phần phải xem xét tác động đến môi trường cạnh tranh trong nước.

Nếu có tác động tích cực thì UBCT không cản trở, hoặc tác động tích cực lớn hơn tiêu cực UBCT cũng sẽ đồng ý. Điều này thể hiện việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan cạnh tranh – được quyền đánh giá và chịu trách nhiệm về sự đánh gía của mình đối với các vụ việc cạnh tranh.

Tại hội thảo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại việc quy định doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thông báo cho UBCT Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế là hình thức giấy phép con trá hình, gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Trả lời thẳng thắn về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc cơ quan cạnh tranh lạm dụng quyền hạn, đặt ra giấy phép con tuyệt đối không thể xảy ra. Bởi mọi quyết định của cơ quan cạnh tranh đều có thể bị kiện ra Tòa. Điều này cũng đã được quy định rõ trong Dự thảo Luật Cạnh tranh.

“Chính vì thế, vẫn còn nhiều tiêu chí về tập trung kinh tế cần được cụ thể hóa hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp thu và chỉnh lý cho tới kỳ họp tiếp theo để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành tập trung kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việc cơ quan cạnh tranh lạm quyền tuyệt đối không thể xảy ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO