Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ cùng với 3 nước khác vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đến tháng 6/2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp rất nhiều vào thị trường tiền tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Hành động này diễn ra khi đại dịch COVID-19 trên toàn cầu làm lệch dòng chảy thương mại và làm gia tăng thâm hụt của Mỹ với các đối tác thương mại, một điều khiến Tổng thống Trump không hài lòng, bởi ông Trump đã từng cam kết thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ khi tranh cử.
Theo quy định của Mỹ, những quốc gia bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ khi có thặng dư thương mại song phương với Mỹ hơn 20 tỷ USD, can thiệp bằng ngoại tệ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP. Trong khi đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt kỷ lục 50,7 tỷ USD, vượt qua mức thặng dư 47 tỷ USD của cả năm 2019.
Ngoài Trung Quốc, có 9 quốc gia khác đã bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, gồm Nhật, Nam Hàn, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết Ấn Độ và Singapore đã can thiệp vào thị trường ngoại hối theo cách “bền vững, bất đối xứng” nhưng không đáp ứng các yêu cầu khác để đảm bảo được chỉ định là quốc gia thao túng tiền tệ.
Đáp lại cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết họ không thao túng tiền tệ của mình và cách tiếp cận chính sách tiền tệ của họ sẽ không thay đổi, đồng thời nói thêm rằng họ “vẫn sẵn sàng can thiệp mạnh hơn vào thị trường ngoại hối”.
Về phía Việt Nam, NHNN khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
"Thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam", NHNN nhấn mạnh.
Theo NHNN, việc mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
NHNN nhấn mạnh rằng Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Mỹ. Theo đó, Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.
Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Có thể bạn quan tâm
[NGÂN HÀNG- CHỨNG KHOÁN TUẦN TỪ 13-18/1/2020]: Ngân hàng “bung” tín dụng xanh; tránh "bẫy thao túng tiền tệ"
05:01, 19/01/2020
Điều hành tỷ giá linh hoạt để tránh "bẫy thao túng tiền tệ"
05:30, 16/01/2020
Tránh bị “gắn mác” thao túng tiền tệ
11:00, 13/08/2019
Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì?
15:44, 06/08/2019
Nóng! Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ
14:15, 06/08/2019