Nông nghiệp và và chống biến đổi khí hậu được ví như “đòn bẩy” thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hà Lan. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
>> Doanh nghiệp Hà Lan “khám phá” Việt Nam
Ngày 9/4/2023 sẽ đánh dấu 50 năm ngày Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
- Năm 2023 đánh dấu 50 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hà Lan. Cảm nghĩ của Ngài ra sao trước cột mốc này?
Tôi nghĩ đây là một dấu mốc tuyệt vời. Hà Lan đã đồng hành và chứng kiến quá trình phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt, tiếp tục vun đắp cho mối liên kết song phương đã có từ 400 năm về trước.
Hà Lan và Việt Nam có những điểm tương đồng. Chúng ta là hai quốc gia đồng bằng châu thổ với nông nghiệp là một ngành quan trọng, đều phải đối mặt với nhiều vấn đề về sông ngòi và biển. Và đó là một trong những khía cạnh mà hai nước đang hợp tác nhiều nhất, như Thoả thuận Đối tác Chiến lược (SPA) về Biến đổi Khí hậu và Quản lý Nước 2010; SPA về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực năm 2014, hay Biên bản ghi nhớ về Chương trình chuyển đổi nông nghiệp (ATP) ĐBSCL năm 2019.
Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam, với giá trị 14 tỷ EUR. Nhiều công ty của chúng tôi đang đầu tư và hoạt động thuận lợi tại Việt Nam, như Heineken, Unilever, FrieslandCampina hay DAMEN không chỉ sản xuất tàu cho Việt Nam mà cả khu vực. Hiện nay, nhiều tập đoàn cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất hơn nữa tại đây.
- Lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm trong hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, thưa Ngài?
Nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu vẫn sẽ là trọng tâm hợp tác giữa hai quốc gia. Chúng ta cần thêm những bước tiến để giải quyết vấn đề này. Đó là thay đổi nền kinh tế theo hướng xanh hơn và ứng dụng công nghệ cao hơn. Mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi phương thức sản xuất công nghiệp cũ, bởi chúng ta không thể đạt được mục tiêu phát triển xanh bằng lối phát triển của 50 năm trước.
Xanh hóa nền kinh tế là một cách để chống biến đổi khí hậu. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là tìm cách sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn, chống bệnh tốt hơn, sử dụng ít nước tưới và năng lượng hơn; hoặc phát triển cảng biển bền vững như thành phố Rotterdam đã làm rất tốt.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của VCCI trong việc hỗ trợ, thúc đẩy kết nối thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua? VCCI có thể làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương?
Tôi đánh giá cao vai trò của VCCI trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam thông qua Diễn đàn Phát triển bền vững Doanh nghiệp Việt Nam hàng năm. Đây là nền tảng giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích phát triển bền vững và chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tôi rất tự hào khi thấy các doanh nghiệp Hà Lan nhiều năm liền nằm trong top những doanh nghiệp phát triển bền vững nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp Hà Lan không chỉ mang đến nguồn đầu tư mà còn cả những giải pháp sáng tạo, hoạt động bền vững, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế và chuyển đổi xanh của Việt Nam.
>> Kết nối kinh doanh Hải Phòng – Hà Lan
Tôi mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững để truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong đó, hợp tác với VCCI trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế bền vững giữa Việt Nam và Hà Lan là một hoạt động quan trọng.
- Theo Ngài, Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm đầu tư và tạo điều kiện hơn nữa cho vốn đầu tư Hà Lan?
Theo tôi, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thu hút thêm sự tham gia của nước ngoài và giúp các công ty sản xuất một cách bền vững hơn.
Đơn cử, việc mua bán điện năng lượng mặt trời áp mái chưa được quy định khiến các công ty rơi vào tình thế rất khó xử dù họ rất muốn sản xuất xanh tại Việt Nam. Chưa kể, điều đó có thể khiến sản xuất không đủ mức năng lượng tái tạo.
Tôi hy vọng Quy hoạch điện 8 có thể giúp Việt Nam tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ năng lượng gió và mặt trời. Đồng thời, Việt Nam cũng nên nghiên cứu thêm một giải pháp cung ứng điện riêng cho các công ty, bên cạnh vai trò của EVN.
- Trong tương lai, Hà Lan có kế hoạch gì để hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng biển, cảng hàng không và đổi mới sáng tạo, thưa Ngài?
Hà Lan có rất nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý sân bay, bến cảng, với các chuyên gia tư vấn có tiếng như NACO. Theo tôi, phát triển cảng là một khía cạnh hợp tác thú vị. Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Rotterdam đang hợp tác rất chặt chẽ với nhau để hướng tới xây dựng một cảng hàng không bền vững và thông minh.
Yếu tố bền vững và xanh là quan trọng nhất trong hợp tác song phương. Trước mắt, phía Việt Nam cần hiểu được khái niệm thế nào là cảng bền vững và công dụng của nó là gì. Bạn không thể xây dựng một cảng xanh với cách làm của 50 năm qua.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, hai nước đã có cơ sở trong hợp tác về nông nghiệp, khí hậu và quản trị nước. Điều đáng mừng là cấp độ hợp tác đang nhiều hơn và với kỹ thuật cao hơn.
Xanh hóa nền nông nghiệp và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu bằng các công nghệ mới sẽ là ưu tiên để Hà Lan hỗ trợ Việt Nam trong đổi mới sáng tạo. Điển hình như khử mặn Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển đổi trồng lúa sang nông nghiệp công nghệ cao hay phát triển các giống lúa mới ưa mặn.
- Xin cảm ơn ông.
Xanh hóa nền nông nghiệp và khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu bằng các công nghệ mới là ưu tiên hàng đầu để Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong đối mới sáng tạo. Có thể bạn quan tâm |