Mọi triết lý giáo dục phải trả lời một câu hỏi: “Chúng ta muốn đào tạo những con người như thế nào?”, và tiếp đó là câu hỏi: “Làm thế nào để đào tạo được những con người chúng ta mong muốn?”.
Để trả lời hai câu hỏi này, cần xuất phát từ một nền tảng triết học về con người, tức là phải trả lời một câu hỏi khác: “Bản chất con người là gì?”.
Các nền triết lý giáo dục khác nhau có quan điểm khác nhau. Hai quan điểm thường gặp nhất là quan điểm nhân tính và quan điểm tri thức luận.
Quan điểm nhân tính xuất phát từ câu hỏi: bản chất con người là tốt hay xấu. Nếu quan niệm như Tuân Tử rằng “nhân chi sơ tính bản ác”, hoặc như Thánh Paul rằng “Cả loài người đều phạm tội và bị án phạt” (Tân ước, “Thơ của Phao-lô gởi cho người Rô-ma”, 1:18.), thì mục đích của giáo dục là xóa bỏ những cái xấu có sẵn trong bản chất con người.
Đó là nền giáo dục rửa tội và thanh lọc tâm hồn. Ngược lại, nếu quan niệm như Plato hay Mạnh Tử, rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, rằng con người trở nên xấu xa là do ảnh hưởng của xã hội, thì mục đích của giáo dục là chống lại ảnh hưởng tiêu cực của xã hội. Trường phái thứ ba, quan niệm như Aristote và John Lock rằng con người sinh ra không tốt mà cũng không xấu, giống như một tấm bảng trắng (tabula rasa), thì giáo dục là quá trình tạo ra nhận thức và tính cách.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 29/11/2019
05:00, 28/11/2019
05:00, 21/11/2019
05:05, 20/11/2019
05:00, 19/11/2019
05:00, 18/11/2019
11:28, 17/11/2019
11:00, 17/11/2019
05:05, 01/11/2019
Quan điểm nhận thức luận xuất phát từ câu hỏi: Con người có khả năng hiểu được thế giới hay không? Thuyết khả tri khẳng định là “có”.
Thuyết khả tri nhân văn, đại diện là Immanuel Kant, cho rằng con người sinh ra ai cũng có một khả năng siêu việt gọi là “lý trí” để phân biệt chân-thiện-mỹ, nhưng phần lớn hèn nhát không dám sử dụng và vì thế vẫn là những kẻ “vị thành niên về mặt trí tuệ”. Kant chủ trương rằng giáo dục phải giúp con người dũng cảm để sử dụng lý trí một cách tự do, đó là nền giáo dục “Khai sáng”.
Thuyết khả tri tôn giáo (của một số tôn giáo) đồng nhất chân lý với Chúa Trời. Với họ, giáo dục là quá trình tiếp cận chân lý thông qua việc học kinh sách, vốn là ý Trời được truyền tải qua các nhà tiên tri. Nền giáo dục tôn giáo có đặc điểm là không cho phép người học nghi ngờ kinh sách.
Thuyết bất khả tri cho rằng, con người không thể hiểu được thế giới, rằng chân lý chỉ là những giả định tương đối mang tính tình huống. Giáo dục, do đó, là quá trình tiếp nhận các hiểu biết mang tính công cụ và hình thành các kỹ năng thích ứng, chứ không phải là đi tìm chân lý. Quan điểm này có thể thấy, trong chừng mực nhất định, ở triết lý giáo dục thực dụng luận.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhiệm vụ cốt lõi của mọi nền giáo dục là đào tạo ra những con người với ba chiều kích, đó là: 1, Con người lao động; 2, Con người yêu nước; và 3, Con người tự do. Nó cách khác, giáo dục đồng thời có Tính hướng nghiệp, Tính dân tộc và Tính nhân loại.
Con người lao động là chiều kích căn bản nhất. Con người là động vật, nhưng trở thành người nhờ các quan hệ xã hội và những sản phẩm do chính nó tạo ra bằng lao động. Tính sáng tạo và trình độ tổ chức xã hội trong lao động là yếu tố quyết định sự phát triển của con người. Vì thế, dạy nghề là mục đích đầu tiên của giáo dục.
Con người dân tộc là chiều kích thứ hai. Con người không tồn tại chung chung mà luôn gắn liền với một cộng đồng cụ thể, từ gia đình đến dân tộc. Sự phát triển của cá nhân dựa trên, và được quy định bởi, các quan hệ cộng đồng. Ngược lại, mỗi cá nhân là một sự thể hiện cụ thể của cộng đồng. Vì thế, mục đích thứ hai của giáo dục là bồi đắp nhân cách văn hóa dân tộc.
Mục đích cao nhất của giáo dục là đào tạo những thành viên tự do và bình đẳng của thế giới. Hai phạm trù tự do và bình đẳng liên quan chặt chẽ với nhau: chỉ những người tự do mới bình đẳng, và chỉ bình đẳng mới có thể có tự do. Thế nào là tự do? Tự do, đó là ý chí và năng lực của một cá nhân để đạt đến giới hạn phát triển về tinh thần và vật chất trong tương quan với tự nhiên, xã hội và bản thân. Tự do bao gồm tự do vật chất và tự do tinh thần. Tự do không phải là vô điều kiện, mà luôn dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng các giới hạn trong mối tương quan giữa bản thân mình với xã hội và tự nhiên. Vì thế, mục đích thứ ba, mang tính nhân đạo và giải phóng.
Nhận thức được ba mục đích chủ yếu của giáo dục là xuất phát điểm để chúng ta cải cách giáo dục. Một trong những vấn đề đầu tiên là nhìn nhận lại nội dung chương trình.
Trước hết là đào tạo con người tự do. Một cá nhân muốn tự do thì phải hiểu mình, hiểu người và hiểu vật, vì thế chúng ta phải chú trọng các môn học về thế giới quan và nhân sinh quan, đặc biệt là triết học, có nhiệm vụ trang bị cho học sinh hiểu biết về thế giới cũng như về vị trí của con người trong thế giới. Cách giảng dạy triết học cũng cần thay đổi: cách dạy của chúng ta hiện nay mang nặng tính tuyên truyền và áp đặt, hoàn toàn đi ngược lại mục đích giải phóng. Chúng ta cũng phải nhận thức lại về một số môn bị coi là “phụ”, như thể dục hay sinh lý người. Sự thiếu hiểu biết về chính cơ thể mình dẫn đến nhiều vấn đề nhức nhối của thanh thiếu niên hiện nay.
Để đào tạo con người dân tộc, chúng ta cần phải đặt lên hàng đầu các môn Văn chương, Lịch sử và Địa lý Việt Nam. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay ở Việt Nam, các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh vật được đề cao quá mức, dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc của học sinh, đồng thời gây quá tải cho chương trình. Trong khi đó, đãng lẽ chúng ta phải làm chủ tiếng Việt để tư duy, để viết, nói và làm việc. Hơn nữa, chúng ta cần phải sống và ưu tư cùng với những vấn đề tồn vong của đất nước. Với môn Địa lý Việt Nam, theo chúng tôi, ta nên có phần địa lý văn hóa các dân tộc thiểu số anh em.
Để đào tạo con người lao động, chúng ta cần xem xét lại chương trình và thời lượng của các môn học liên quan đến vấn đề dạy nghề, bao gồm dạy kiến thức và kỹ năng làm việc (các môn chuyên ngành và ngoại ngữ) và dạy qui tắc làm việc (Luật, Đạo đức). Có một thực tế mà rất nhiều tác giả đã nói: học sinh của chúng ta học quá nhiều mà lại biết rất ít, khả năng làm việc là càng ít hơn hơn nữa. Ngoài ra, các em rất ít được học về pháp luật. Nhiều người Việt Nam rất kém về kiến thức pháp luật, thậm chí ngay cả luật giao thông.