VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Đổi Mới 2.0

Diendandoanhnghiep.vn Sau gần bốn thập kỷ Đổi Mới (1986), Việt Nam đang tiến vào Đổi Mới 2.0 với khá nhiều dấu ấn thành công.

Bài viết này điểm lại những dấu ấn mà tác giả cho rằng thành công đó thuộc về Đổi mới 2.0 chứ không phải là sự kéo dài của Đổi Mới 1.0, đồng thời đánh giá sơ bộ những thách thức, rủi ro trong 5 năm tới.

sdkf

Đổi mới 2.0 là yêu cầu đổi mới một cách thực tế, chủ động

1. Đổi mới bị động và chủ động

Suốt hai thập niên chiến tranh (1954 -1975), Việt Nam được các cường quốc từ hai phía viện trợ không chỉ vũ khí, mà vải vóc, nhu yếu phẩm. Chiến tranh kết thúc cũng là lúc năng lực kinh tế Liên Xô suy yếu dần, và rơi vào tình trạng không thể tự cứu mình và sụp đổ (1989) thì lấy đâu ra viện trợ cho Việt Nam.

Sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam, sau khi bị cắt nguồn viện trợ, được phơi bày ra một cách đầy đủ. Vào 1985, khi Việt Nam rơi vào khủng hoảng đói nghèo, tâm lý hoảng loạn về nạn đói 1945 tràn qua các làng quê; đạo tặc nổi lên như rươi; công chức xin nghỉ việc đi làm kế hoạch ba; quan hệ quốc tế bị cấm vận; các bạn bè XHCN ở Đông Âu không còn; láng giềng XHCN Trung Quốc thì đang lấn chiếm Trường Sa.

Với việc tái thừa nhận quyền tự do tư hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền sử dụng đất, Đổi Mới (1.0) đã giúp cho dân tộc Việt Nam không chỉ thoát khỏi khủng hoảng đói nghèo, mà trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới trong vòng 6 năm sau đó. Nhưng dẫu sao đó là một “Đổi Mới” bị động, “đổi mới hay là chết”.

Sau ba thập niên tăng trưởng kinh tế ở tốc độ “thần kỳ”, thì bắt đầu từ 2012, chất lượng của tăng trưởng “không bền vững” bắt đầu phát tác: môi trường sống bị ảnh hưởng, điển hình là vụ việc Formosa, tham những vặt diễn ra từ khai sinh cho đến khai tử, tham nhũng lớn phản ánh thông qua số lượng đại án; đặc biệt loại hình tham nhũng mới hình thành rõ nét – tham nhũng chính sách, mà đôi khi báo chí hay gọi nhầm là “lợi ích nhóm”, bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của giấc mơ Trung Hoa cũng tạo nên áp lực điều chỉnh đường lối đối ngoại để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Mặc dầu Đổi Mới 2.0 như bao cuộc canh tân quốc gia trên toàn cầu, chủ yếu xuất phát từ áp lực đổi mới, nhưng vào năm 2016, đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang trong trạng thái tốt hơn rất nhiều so với năm 1986: Kinh tế vẫn tăng trưởng cao, mức xung quanh 6%; không gặp nạn đói; quan hệ quốc tế đa phương hoá, hội nhập quốc tế sâu và tương đối thành công, trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI tương đối lớn. Áp lực chưa thực sự lớn, nhưng Đại hội Đảng lần thứ XII đã tiến hành đổi mới chiều sâu một cách chủ động.

2. Những dấu ấn Đổi Mới 2.0
2.1. CPTPP và sắp tới là EVFTA, EVIPA
Từ chỗ tuyên bố trong Hiến Pháp 1980 “chỉ làm bạn với các nước CNXH anh em”, đến việc chúng ta gia nhập WTO sau Trung Quốc, thì đặc trưng của Đổi Mới 2.0, chúng ta chủ động, tích cực trong đàm phán TPP, và CPTPP sau đó. Việc gia nhập tổ chức này, không chỉ dừng lại ở lợi ích thương mại kinh tế thuần tuý như gia nhập WTO, mà nó sẽ giúp cho người lao động Việt Nam được bảo vệ bởi các tổ chức công đoàn hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh, thay vì trông chờ duy nhất vào công đoàn độc quyền như suốt 50 năm qua.

Các tổ chức công đoàn cạnh tranh này, sẽ dần dần hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách thực chất, đặc biệt trong đàm phán tập thể về điều kiện làm việc ở các nhà xưởng … Và sẽ dần dần loại bỏ “sức người, mạng người rẻ” ra khỏi “lợi thế hấp dẫn” nhà đầu tư nước ngoài; tiến tới “di cư” các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp ô nhiễm ra khỏi Việt Nam và đón các công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường.

Đằng sau điều khoản nhỏ về công đoàn trong CPTPP và Luật Lao Động là một sự dũng cảm trong thay đổi tư duy. Đây chính là nội dung đặc trưng cho Đổi Mới 2.0: Sâu, rộng, bền vững.

Bởi trước đó, đâu đó nhiều bộ ngành theo đuổi mô hình nhà nước cai trị thay vì mô hình nhà nước phục vụ và bởi vì muốn cai trị, nên họ muốn áp đặt sự thống trị toàn diện về kinh tế bằng kinh tế nhà nước chủ đạo; thống trị về chính trị bằng công đoàn độc quyền; thống trị về tư tưởng bằng chế độ kiểm duyệt.

Việc từ bỏ độc quyền về công đoàn, quay trở về truyền thống “công hội đỏ” của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một quyết định dũng cảm, thể hiện tinh thần từ bỏ bảo thủ, giáo điều.

2.2. Kinh tế tư nhân
Trải qua hơn 30 năm Đổi Mới 1.0, các chính trị gia ngộ ra rằng những lo sợ của các chính trị gia bảo thủ trong thảo luận năm 1986 là không có cơ sở: kinh tế tư nhân sẽ chống lại Đảng. Mà ngược lại, họ đồng hành cùng dân tộc, tạo ra của cải, công ăn việc làm. Và khi dân được “cơm no, áo ấm” thay vì đói rét trên những cánh đồng của hợp tác xã bậc cao thì họ càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Trải qua hơn 30 năm Đổi Mới 1.0, kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước không phát huy được sức mạnh về lợi thế quy mô như lý luận của triết gia thành Trier chỉ ra, mà ngược lại nó teo tóp, tự diệt mặc cho Nhà nước hà hơi tiếp sức. Không chỉ vậy, đây là thành phần gây ra hàng loạt đại án, nguồn cơn của tham nhũng, lãng phí, tiêu hao nhân tài của Đảng vào con đường lao lý.

Trải qua hơn 30 năm Đổi Mới 1.0, các doanh nghiệp dân doanh cũng khôn khéo bằng nhiều cách khác nhau, lớn dần qua năm tháng và sẵn sàng đảm nhận lấp khoảng trống về năng lực sản xuất kinh doanh mà của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể để lại khi co ngót.

Trải qua hơn 30 năm Đổi Mới 1.0, toàn xã hội cũng nhận ra rằng Tổng công ty 91, Tổng công ty 90 không đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế toàn cầu, mà “quả đấm thép” hoá là là “quả đấm bông” với vô vàn đại án đi cùng các “quả đấm bông” này.

Vì vậy, ngày 30/6/2017 là một ngày đi vào lịch sử khi Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW (2017) trong đó Mục II.1 ghi nhận: ““Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế… Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng”.

Nghị quyết này sẽ có vai trò đột phá tương ứng với Nghị quyết Khoán 10 (Nghị quyết 10-NQ/TW NĂM 1988) và mang đặc trưng của Đổi Mới 2.0, bởi nó thể hiện sự thay đổi nhận thức liên quan từ bỏ tư duy “duy ý chí”, từ bỏ tham vọng dùng kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước để duy trì sự thống trị về kinh tế của giai cấp thống trị lên toàn bộ xã hội; mà đi đến một xã hội bình đẳng, mang tính dung hợp (inclusive); duy trì đặc điểm “xã hội chủ nghĩa” ở việc nâng cao hiệu quả thu thuế, hình thành nên cơ sở kinh tế cho các loại phúc lợi xã hội, thay vì trông chờ phúc lợi từ các cánh đồng hợp tác xã bậc cao, công ăn việc làm từ các doanh nghiệp nhà nước; đi đến công nhận sự vận hành của nền kinh tế thị trường theo quy luật cung – cầu; nhà nước không còn nổ lực làm thay “bàn tay vô hình” nữa.

2.3. Sắp xếp bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị theo tin thần phục vụ thay cho tư duy “cai trị”

Để cắt giảm bội chi ngân sách, cắt giảm cấp hành chính trung gian, tránh trùng lắp hoặc thiếu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Khoá 12 đã ban hành nghị quyết 18-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Nghị quyết này cùng với các văn bản triển khai đã dẫn đến những tác động sâu rộng, điển hình là mở đầu là Bộ Công An đã cắt bỏ cấp trung gian 06 tổng cục, giảm 60 đơn vị cấp cục, 300 đơn vị cấp phòng . Việc sáp nhập các sở ngành, bộ máy điều hành của các cơ quan đoàn thể, sáp nhập các đơn vị hành chính đã, đang và sẽ được tiến hành trên quy mô lớn .
Đây là động thái cải cách đặc trưng cho Đổi Mới 2.0, bởi Đổi Mới 1.0 chỉ lấy trọng tâm là đổi mới các quy định pháp luật về tư hữu, tự do kinh doanh, mô hình kinh doanh.

3. Cơ hội, thách thức và lực cản

Đổi Mới 2.0 gắn liền với nỗ lực ngoại giao, đa phương hoá quan hệ quốc tế để tránh rơi vào bẫy “giải quyết song phương” để rồi bị Trung Quốc chơi trò “cá lớn nuốt cá bé” trên biển Đông và gắn liền với “chiến dịch đốt lò” để có thể loại bỏ các lực cản, các nhóm lợi ích đang được hưởng lợi dựa trên trật tự độc quyền, đặc quyền hiện hữu.

Đổi Mới 2.0 diễn ra trong bối cảnh Thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và sự cố ở Hồng Koong cũng làm cho Trung Quốc tạm thời bớt hung hăng trên biển Đông, bị phân tâm, phân tán nguồn lực trong nỗ lực biến các quốc gia ASEAN thành chư hầu, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thô trong chiến lược Nhất Đới Nhất Lộ (OBOR).

Đối với Mỹ, xét về “địa chính trị”, thì Việt Nam có giá trị hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines, Đài Loan trong nỗ lực kiềm toả ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ra toàn cầu.

Thiên thời, địa lợi đang đặt vào bàn tay của một Tổng bí thư có khả năng khéo léo và kiên định trong nhiều công việc có tầm ảnh hưởng quốc gia.

Hội tụ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà ấy, kết quả Đổi Mới 2.0 là khá rõ ràng, nhưng liệu nó có bền vững, viết lại theo hướng khác? Điều đó phụ thuộc vào khả năng nhận diện, đánh giá các thách thức và lộ trình dỡ bỏ vật cản, tạo lập nền tảng cho sự phát triển bền vững:

Thứ nhất, sau các đại án hàng loạt quan chức bị khởi tố theo tôi danh “làm trái quy định Nhà nước” (trong BHLHS 1999) hay nhóm 9 tội danh “Vi phảm quy định về quản lý…” (Điều 218 -Điều 230 BLHS 2015) sẽ rút kinh nghiệm, tiến hoá và hình thành nên một thế hệ tham nhũng có khả năng kháng thể với 9 tội danh này, bằng cách trước khi thực hiện hành vi bất chính họ sẽ sửa đổi, bổ sung thông tư, nghị định, thậm chí luật; thực hiện hành vi bất chính xong, họ lại sửa đổi nghị định, thông tư trở về như cũ; cũng như dùng quyên lực của mình để đặt ra vô vàn loại giấy phép con, điều kiện, quy hoạch, chứng chỉ vô lý để kiếm lời.

Thế nhưng, Luật Tố Tụng Hành Chính hiện hành (2015) không cho phép người dân, doanh nghiệp được khởi kiện chống lại các hành vi trái pháp luật này, mà trăm sự vẫn dựa vào cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dùng các cơ quan hành pháp để kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp. Điều đó có nghĩa nhân dân vẫn bị đặt ra ngoài cuộc chiến chống tham nhũng trong tương lai. Việc từ chối vận dụng “chiến tranh nhân dân” vào cuộc chiến chống tham nhũng thì mọi thành công chỉ là tạm thời; việc tái chiếm của kẻ thù nhân dân sẽ diễn ra.

Thứ hai, từ Đổi Mới đến nay Việt Nam đã trải qua nhiều chiến dịch tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế; nhưng sau khi chiến dịch lắng xuống, bộ máy biên chế lại phình ra to hơn trước. Bởi việc tinh giản này chỉ chạy theo con số, mà không thay đổi nguyên lý hay nói cách khác vẫn sử dụng cách tiếp cận cũ cho căn bệnh cũ.

Cần phải thay đổi cách tiếp cận từ cắt giảm số lượng biên chế thì phải tiếp cận theo tổng ngân sách được cấp cho mỗi đơn vị tương ứng với khối lượng dịch vụ công mà họ đã phục vụ nhân dân. Từ đó khuyến khích lãnh đạo đơn vị áp dụng công nghệ thông tin, tuyển người tài, chủ động cắt giảm biên chế để nâng thu nhập của chính mình và nhân viên; mỗi lãnh đạo lúc đó sẽ ra sức làm cho dịch vụ công của đơn vị mình trở nên hấp dẫn so với đơn vị bên cạnh và xoá bỏ ràng buộc về địa hạt để người dân có thể lựa chọn nơi nào cung cấp dịch vụ công thuận tiện nhất cho họ. Muốn vậy, phải liên thông dữ liệu toàn quốc – điều mà tất cả các ngân hàng đã làm được, không có lý do gì nhà nước không làm được, trừ lý do lợi ích nhóm.

Thứ ba, đất đai từ khi Đổi Mới là nguồn cơn của bao nhiêu đại án tham nhũng, tranh chấp, biểu tình, bạo lực đổ máu. Trải qua hai lần sửa đổi hiến pháp (2001, 2013) và nhiều thế hệ luật đất đai (1993, 1998, 2003, 2013) nhưng vấn đề dường như vẫn còn nguyên đó. Chưa tách bạch được các vấn đề: chế độ sở hữu đất đai, hình thức sở hữu, chủ quyền quốc gia, quyền lực nhà nước trên thửa đất, quyền tài sản của chủ đất…

Vì vậy, đổi mới pháp luật đất đai theo cách mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Rõ ràng, nếu chúng ta không giải quyết bốn vấn đề căn bản nêu trên thì thành công vẫn thiếu bền vững.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Đổi Mới 2.0 tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713242630 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713242630 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10