[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 2)

Trương Khắc Trà 17/10/2019 05:02

Để đất nước thịnh vượng kinh tế phải phát triển, nhưng tìm cách "giữ" lại những đồng tiền khỏi thất thoát cũng quan trọng không kém.

Cách phòng chống tham nhũng triệt để nhất là phải kiểm soát được quyền lực, bằng hai công cụ, thể chế và thay đổi phẩm chất con người. Thể chế có thể sửa đổi ngay lập tức nhưng con người phải mất một quá trình dài.

Năm 2013, chính phủ Liên bang Mỹ đóng cửa do mâu thuẫn của lưỡng viện, ngay lập tức hàng trăm ngàn viên chức nhà nước trả lại lương cho ngân sách vì… họ không làm việc.     

Điều đó cho thấy tâm lý công chức Mỹ rất tiến bộ, họ giàu lòng tự trọng, họ không nhận thù lao từ tiền thuế của người dân khi không phục vụ. Ngược lại ở Việt Nam có quá nhiều trường hợp khai man thành tích, tuổi tác, bằng cấp để được “ở lại” lâu hơn nhằm thực hiện mục đích cá nhân.

Rất nhiều người “tâm tư” khi bước vào giai đoạn “tuổi 59”, họ trăn trở vì sắp bàn giao quyền lực, họ tìm mọi cách như bổ nhiệm hàng loạt, cài cắm nhân sự thân hữu, cái mà cựu Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến từng nói gãy gọn “chuyến tàu vét ở cuối nhiệm kỳ”…

Góc tối này không phải do thể chế, mà có gốc gác sâu xa nơi văn hóa phương Đông nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Vì sao nguyên tắc phê bình và tự phê bình không mấy phát huy tác dụng?

Tâm lý tiểu nông là rào cản không nhỏ trên con đường hội nhập (Hình minh họa - nguồn:daidoanket)

Tâm lý tiểu nông là rào cản không nhỏ trên con đường hội nhập (Hình minh họa - nguồn:daidoanket)

Đó là do người Việt mang nặng tính cả nể, ngại đối diện, sợ mếch lòng, kiêng nể trước quyền lực, an phận thủ thường. Đặc tính này như một “gen” di truyền rất khó cải tạo.

Xuất phát từ nền văn minh lúa nước, vì yêu cầu trị thủy nên người Việt xưa sống cố kết thành cộng đồng, hình thành làng, xã, trong đó các mối quan hệ xã hội, huyết thống đan xen vào nhau và chi phối tất cả.

“Một người làm quan, cả họ được nhờ” hay “cua có vọ mừng” là những mối quan hệ đậm đặc văn hóa làng xã. Khi đối diện với công việc cần lý tính thì nhiều người không thể gạt bỏ được cái cảm tính sẵn có.

Ví dụ, việc phải chọn lựa người có tài năng và người có huyết thống là bài toán rất khó mà không ít trường hợp “cả họ làm quan”.

Ảnh hưởng tính cộng đồng quá lâu khiến người Việt cũng mất đi óc phản biện, thể hiện cái tôi cá tính cần có của một người quản lý, lãnh đạo. Việc gì cũng phải thiết lập ban bệ, tập thể.

Điều đó tuy thể hiện tính dân chủ nhưng khi có sai phạm rất khó xác định ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng. Chính tập thể ấy đôi lúc cũng “đoàn kết” lại bao che cho nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 1)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 1)

    07:00, 16/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Ứng xử với kinh tế số

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Ứng xử với kinh tế số

    05:00, 01/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng!

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng!

    05:00, 26/09/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đầu tư mạo hiểm – Động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo (Bài 3)

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đầu tư mạo hiểm – Động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo (Bài 3)

    05:00, 25/09/2019

Rất nhiều vụ việc tham nhũng động trời nhưng nhờ báo chí, dư luận và cơ quan hữu quan vào cuộc làm rõ chứ chưa thấy nội bộ tự phát hiện và đưa ra ánh sáng. Đó là sự thất bại của nguyên tắc phê bình và tự phê bình.

Giá như vụ mua AVG của Mobifone hay bê bối ở Tập đoàn dầu khí, các công cụ kiểm soát quyền lực nội bộ đủ dũng cảm để hoạt động thì hậu quả không lớn như vậy.

Hay nói cách khác có những con người đủ lương tri, sự can đảm để nói lên sự thật thì tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân đâu bị ném qua cửa sổ và đẩy đồng chí vào vòng lao lý.

Rất nhiều sự việc tương tự không phải do lỗi của thể chế mà là do con người thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm, sợ tai vạ, không dám đấu tranh, và cũng cần phải nói chúng ta thiếu môi trường lành mạnh để sự phản biện có cơ hội phát huy mặt tốt của nó.

Thể chế tốt, nhưng không có con người tốt để thực hiện nó thì cũng bằng không. Về lâu dài phải xây dựng con người “khác”, đủ lương tâm, trách nhiệm, đủ trí tuệ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tiêu cực.

Cần thiết kế lại cách

Cần thiết kế lại cách "dạy người" để tạo ra lớp công dân thế hệ mới (Hình minh họa)

Nhiệm vụ đó một lần nữa đặt lên vai ngành giáo dục. Một nền giáo dục “đọc chép” “thọ giáo”, “tầm chương trích cú” là vô cùng tai hại, hậu quả lớn hơn những gì chúng ta nghĩ.

Học sinh được trang bị tư duy xem sách thánh hiền, giáo khoa là chuẩn mực, những bài học cũ mèm cứ dạy đi dạy lại cho hàng chục thế hệ, mà ý nghĩa của nó không có sự bổ sung cho kịp đà tiến bộ của nhân loại.

Đơn cử, hàng trăm công trình nghiên cứu đạt giải Nobel không được cập nhật, khối kiến thức mới đồ sộ nhưng học sinh không được dạy. Ngược lại chúng ta đóng khung vào một “khuôn vàng thước ngọc”.

Rằng, làm văn phải “3 bước” tuần tự theo sách hướng dẫn, vì sao phải nhìn chị Dậu mãi với con mắt như thế, hoặc Chí Phèo cứ phải là “đại diện cho tầng lớp nông dân bị bần cùng hóa”… chúng ta không cho phép nghĩ khác đi!

Rằng tất cả phải học tích phân, vi phân, hình không gian, đề thi phải mặc định như vậy mà không ai nói cho học sinh biết học những kiến thức ấy để dùng vào việc gì, phát huy nó ra sao.

Hệ quả là óc phản biện của người học bị thui chột, chúng ta tạo ra nhiều thế hệ chỉ biết “vâng lời”, làm việc như một cái máy được lập trình sẵn, rằng cứ như thế mà làm cho an toàn! Nghĩ khác, làm khác đôi khi là cái gì đó rất kinh khủng.

Khi bà Theresa May lên làm Thủ tướng Anh, trong bối cảnh dòng người di cư từ châu Phi, tây Á tràn san châu Âu, Mỹ tìm kế sinh nhai tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Đã có một em bé gái 5 tuổi gửi cho tân Thủ tướng mấy lời rất dễ thương: “Cháu nghĩ bà nên quan tâm họ (người nhập cư) nhiều hơn, cháu không muốn thấy cảnh người ăn xin lang thang trong đêm rét buốt…”.

Trẻ 5 tuổi ở Việt Nam biết được những gì ngoài uốn khóc, nhõng nhẽo và được bố mẹ đáp ứng mọi thứ mà không bao giờ được dạy phải có lòng biết ơn.

Giáo dục nhân văn bị lãng quên suốt thời gian rất dài, rất cần những bài học về sự bao dung, lòng vị tha, yêu đồng loại, yêu quê hương, đất nước, thương cảm thân phận người lao khổ…

Có như thế thì những chủ nhân tương lai của đất nước mới dũng cảm tuyên chiến với tiêu cực, cái ác, cái xấu, là nền móng để tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ thật sự, tôn trọng tiếng nói trái chiều.

Từ đó bớt đi những cá nhân gian manh, xảo trá nắm giữ nhiều quyền lực, cộng với gọng kìm từ thể chế thì tham nhũng tự nhiên bị triệt tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO