Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị các địa phương cố gắng thực hiện mục tiêu kép, “phương châm là phòng thủ chặt, tiến công nhanh”, phòng COVID-19, tiến công nhanh là phát triển kinh tế.

Tiến công - với tính chất chiến lược nhằm giành thắng lợi quyết định trong phát triển kinh tế, đang được xúc tiến xây dựng ở các cấp ngành, địa phương và quốc gia.

Hiện tại, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội 2020 và Tổng cục Thống kê cho rằng GDP cả năm 2020 tăng trưởng 5% đã là một thành công.

Đánh giá tăng trưởng của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt 4,8%; lạm phát ở mức 3,3%. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn đang được cải thiện, nhưng cần cải thiện chính sách để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo.

Theo TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.

Tuy nhiên theo ông Thế Anh, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu COVID-19, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài, một khi thế giới chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch.

"Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng dịch chuyển sản xuất trong thời kỳ khó khăn. Sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế là một ví dụ điển hình của ngành dệt may khi trong thời kỳ hậu bệnh dịch các nước nhiều khả năng sẽ tăng cường các kho hàng dự trữ y tế của mình để phòng chống những cú sốc tương tự trong tương lai", TS Phạm Thế Anh nhận định.

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực làm giảm cả tổng cung và tổng cầu của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ kinh tế cần có cho mỗi quốc gia hậu dịch COVID-19 đều sẽ tập trung vào cả hai nhóm giải pháp đồng bộ để tăng liên kết, chống đứt gẫy chuỗi cung ứng, đồng thời tăng cả tổng cung và tăng tổng cầu xã hội.

Đặc biệt, cần nhận diện và làm sâu sắc hơn những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kể cả trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô theo một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”.

Theo đó, cần gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, giảm thiểu sự gián đoạn khi “giãn cách xã hội”.

Tuy nhiên, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cần được hình thành và đòi hỏi năng lực thích nghi mới của cả bộ máy quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từng người dân.

Đó không phải là tiềm lực tài chính mà chính sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới với yêu cầu áp dụng công nghệ một cách nhanh nhạy, tăng cường hoạt động thương mại điện tử, thanh toán kỹ thuật số và làm việc từ xa; sắp xếp lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Thực tiễn cuộc chống dịch COVID – 19 đã chứng minh, “ý Đảng” hợp với “lòng dân”, “lòng doanh nghiệp” sẽ hội tụ sức mạnh, tạo nên cao trào quyết tâm giành toàn thắng - dù trận chiến ấy là mang tên COVID – 19 hay phục hồi và phát triển kinh tế!