Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Thành An 25/07/2019 18:19

Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc. Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông.

Tại họp báo thường kỳ chiều 25/7, Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối phía Trung Quốc, yêu cầu các tàu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Người phát ngôn - Bộ ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật..

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập trong các phát biểu trước đây. Như đã có nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật.

Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh, sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, bà Hằng nói.

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định: Trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi trao đổi với báo chí ngày 19/7.

... và nỗ lực vì hoà bình, ổn định hợp tác của tất cả các quốc gia

"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", người phát ngôn nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ bản đồ Facebook vi phạm chủ quyền Việt Nam: Bộ Ngoại giao lên tiếng

    20:00, 05/07/2018

  • Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng về Báo cáo tự do tôn giáo 2016 của Mỹ

    16:46, 17/08/2017

  • Hải quân Việt Nam- Tập đoàn Damen: Hợp tác đóng tàu bảo vệ chủ quyền biển đảo

    09:54, 10/06/2018

  • Thủ tướng: Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

    00:00, 16/07/2014

  • Sẽ đóng tàu to cho cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo

    00:00, 03/07/2014

Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị xác nhận về vị trí của lô 06-1 bể Nam Côn Sơn mà tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Rosneft đang phối hợp khai thác có nằm trong Bãi Tư Chính, gần vị trí tàu Hải Dương 8 đang hoạt động không, bà Hằng cho biết, bản thân câu hỏi đã nêu lên vị trí của lô 06-1.

“Vị trí của lô 06-1 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, bà khẳng định.

Trước đó, từ ngày 12/7, báo chí quốc tế đã đưa tin về sự xuất hiện của tàu Hải Dương địa chất bát hào (Hai Yang Di Zhi Ba Hao, tức tàu Hải Dương địa chất 8).

Thông tin xuất phát từ những cập nhật của GS Ryan Martinson của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ trên trang Twitter cá nhân từ ngày 10/7. Vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc khẳng định Hải Dương địa chất 8 đã thực hiện một hoạt động thăm dò địa chất ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thuộc vùng nước ngay phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh bất tuân luật quốc tế, muốn đơn phương thực hiện cái gọi là "quyền lịch sử" với toàn bộ Biển Đông. Và việc điều động tàu Hải Dương 8 đi vào EEZ của Việt Nam có thể do chỉ đạo của người phụ trách của công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hoặc quan chức ở cấp cao hơn nhắm tới mục tiêu chính trị. 

Báo chí quốc tế dẫn lời các chuyên gia về hàng hải và hải quân thế giới cho biết, từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hành vi xâm phạm vào vùng biển, theo sự khẳng định của báo chí quốc tế, là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế. Những hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính - một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý.

Các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Vì thế, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc bãi ngầm Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong khu vực và trên thế giới. 

"Việt Nam kêu gọi các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này". - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO