Việt Nam là điểm “dừng chân” lý tưởng của các doanh nghiệp đồng thời cũng là điểm đầu tư nước ngoài tập trung nhất của Chiết Giang (Trung Quốc).
>>Thắt chặt quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Trung
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trong khu vực RCEP. Năm 2022, xuất khẩu lũy kế của Chiết Giang sang Việt Nam là 14,491 tỷ USD, tăng 17,99%, nhập khẩu lũy kế là 6,078 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,21%. Chiết Giang đứng thứ 4 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2023 - Hội chợ Hàng hóa Xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11 sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30 tháng 9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Để thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế thương mại hai bên, Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang đã phối hợp cùng Công ty TNHH Triển lãm Quốc tế Yuanda Chiết Giang và VINEXAD tổ chức Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2023 - Hội chợ Hàng hóa Xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11 từ ngày 28 đến 30 tháng 9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Quy mô trưng bày triển lãm trên 4.000 mét vuông với tổng số hơn 120 gian hàng cùng các ngành hàng chính, như nội ngoại thất, vật liệu trang trí, máy móc, sản phẩm điện tử, dệt may và sản phẩm tiêu dùng.
Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… Năm 2022, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 16,3 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,9 tỷ USD, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD, tăng 28,2%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 3,7 tỷ USD…
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua và thị trường này là điểm đến quan trọng của nhiều loại hàng hóa của Việt Nam”.
Thời gian qua, nhờ nỗ lực đàm phán của các bộ, ngành, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho một số loại hoa quả, nông sản của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang.
Các loại nông sản, hoa quả vừa được mở cửa là những sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước nâng cao thị phần và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.
>>Giao lưu hợp tác kết nối giao thương Việt - Trung
>>Thắt chặt hơn nữa hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
Thời gian tới Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho dừa tươi của Việt Nam. Khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái dừa, với định hướng phát triển chuỗi giá trị bền vững từ vùng trồng, đóng gói, đầu tư công nghệ chế biến sâu, thì giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ dừa hoàn toàn có thể vượt con số 1 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.
Tín hiệu thuận lợi khi Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho nông sản Việt, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc. Dự báo, 4 tháng cuối năm, xuất khẩu sang thị trường tỷ dân với nhiều loại hàng hóa sẽ được cải thiện, như rau quả, thủy sản, gạo, điện thoại, linh kiện…
Ở tầm vĩ mô, các cấp, các ngành, địa phương Việt Nam và Trung Quốc đang tích cực trao đổi, đàm phán để khơi thông các điểm nghẽn cho hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt. Ông Cao Hưng Phu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân tỉnh Chiết Giang đánh giá, hợp tác kinh tế thương mại hai bên đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt sau khi Việt Nam thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Chiết Giang) năm 2018.
Mặc dù là thị trường tỷ dân có nhu cầu tiêu dùng lớn, nhất là hàng nông - thủy sản, nhưng để hàng Việt có thể bám chắc thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhập khẩu, vì Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia/vùng lãnh thổ có số lượng hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất, tập trung vào thủy sản, nước trái cây các loại.
Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng Việt để không còn bị “nhận diện” là “hàng giá rẻ”. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực.
Có thể bạn quan tâm
15:26, 24/07/2023
06:00, 23/06/2021