Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn

LAM SONG 16/12/2023 14:36

"Chúng tôi muốn phát triển ngành sản xuất chip đột phá, tức là đi sau nhưng cần đi nhanh chứ không thể bình bình”.

>>Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại buổi làm việc các 10 doanh nghiệp lớn về mi mạch và bán dẫn của Nhật Bản sáng 16/12, nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản.

Chia sẻ tại buổi làm việc, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản cho rằng, Việt Nam đã có những cơ sở lớn nhất ở nước ngoài trong lĩnh vực này, có nhiều nhân lực giỏi người Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang xây dựng, thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Yoshitaka, Tập đoàn SBI Holdings phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Yoshitaka, Tập đoàn SBI Holdings phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, CEO SBI Holdings Yoshitaka Kitao cho biết tập đoàn này đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật và tương lai xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và Trung Đông được xem là những điểm đến hấp dẫn.

"Chúng tôi rất muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như FPT, để xây dựng hệ sinh thái công nghệ sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam", ông Yoshitaka, đại diện SBI Holdings chia sẻ.

SBI Holdings là tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về dịch vụ, quản lý tài chính, công nghệ sinh học và công nghệ mới như chip, bán dẫn.

Theo ông, hiện nhiều nhà sản xuất bán dẫn từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) đang tính xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam sẽ thành địa điểm quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện SBI Holdings muốn biết định hướng chính sách phát triển, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy bán dẫn tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Koji Ajima, đại diện Tập đoàn Denso, cho biết việc củng cố chuỗi cung ứng trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất, sự hợp tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng là vô cùng quan trọng. Mối quan hệ đối tác được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ nhằm tăng cường an ninh và chuỗi cung ứng chất bán dẫn sẽ giúp tăng thêm nhiều nguồn cung về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Đảng và Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng, là mũi nhọn để tạo đột phá, phát triển kinh tế, xã hội, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu châu Á vào năm 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bảnp/NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Ảnh: Nhật Bắc

>>Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến 4 yếu tố nền tảng chứng minh Việt Nam là quốc gia an toàn, đáng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia luôn giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và có sự ổn định về chính trị. Thứ hai, Việt Nam đang phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thứ ba, Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN - của dân, do dân và vì dân. Thứ tư là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - tôn trọng quy luật thị trường khách quan nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định: Việt Nam xác định rõ ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế; thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ông cũng nhấn mạnh, trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam xác định sử dụng nguồn nội lực là cơ bản, lâu dài, còn nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. 

Dẫn lại lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio rằng "quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là không có giới hạn", cũng như việc nâng cấp quan hệ giữa 2 nước gần đây lên "đối tác chiến lược toàn diện", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây chính là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn, vi mạch Nhật Bản hợp tác, đầu tư, phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn từ kiểm thử, xây dựng nhà máy sản xuất chip, và đóng gói. Ngoài ra, phía Nhật Bản có thể xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, tổ chức các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam.

Thủ tướng hứa Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách ưu tiên về thuế, đất đai... phù hợp cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. “Việt Nam mong muốn phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn đột phá theo tinh thần 'đi sau về trước'. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm gì để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng?

    01:12, 14/12/2023

  • Ngành công nghệ bán dẫn, bài học từ Intel

    04:50, 10/12/2023

  • Việt Nam đã sẵn sàng đón dòng vốn bán dẫn?

    03:00, 09/12/2023

  • Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

    03:00, 08/12/2023

  • Khơi dậy tiềm năng ngành bán dẫn

    12:00, 26/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO