Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine COVID-19 đầu tiên trong số 80 triệu liều cam kết, Việt Nam trong danh sách các quốc gia nhận vaccine.
/
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định, ưu tiên phân phối vaccine cho các nước Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ Latinh, Caribbean và châu Phi.
Theo tuyên bố đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng, 75% trong số 25 triệu liều vaccine (tức gần 19 triệu liều) sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX. Trong số đó, 7 triệu liều vaccine cho châu Á sẽ được phân bổ đến các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, và các đảo Thái Bình Dương.
Khoảng 5 triệu liều vaccine được gửi cho châu Phi, phân bổ dựa trên phối hợp với Liên minh châu Phi và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, và 6 triệu liều sẽ được gửi đến châu Mỹ Latin và Caribbean.
Số còn lại trong 25 triệu liều vaccine, khoảng hơn 6 triệu, sẽ được chia sẻ trực tiếp các khu vực ưu tiên và đối tác, cũng như nhân viên tuyến đầu của Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi chia sẻ những liều vaccine này không phải để đổi lấy đặc ân hay nhượng bộ. Chúng tôi chia sẻ vaccine để cứu người và dẫn đầu thế giới trong nỗ lực chấm dứt đại dịch, bằng sức mạnh nêu gương cũng như các giá trị của chúng tôi", Tổng thống Biden cho biết.
Có thể thấy, Mỹ đang nỗ lực thực hiện vai trò hỗ trợ vaccine toàn cầu sau khi số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại quốc gia này tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, tình trạng số vaccine Covid-19 chưa sử dụng đang dần chất đống trong kho của các bang Mỹ, bao gồm hàng chục nghìn liều vaccine Johnson & Johnson (J&J) - sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 đang đặt ra thách thức cho chính quyền Tổng thống Biden khi nhiều quốc gia khác đang trong tình trạng “khát” vaccine.
Theo chuyên gia Prashant Yadav, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận định, dự kiến, việc gửi vaccine dư thừa tới những quốc gia khác cũng sẽ mất nhiều thời gian khi, quốc gia tiếp nhận phải có cơ chế phân phối linh hoạt cùng năng lực tiêm chủng trước khi vaccine hết hạn sử dụng.
Chính phủ ông Biden cũng sẽ phải làm việc với các quốc gia nhận vaccine để soạn thảo hợp đồng bao gồm điều khoản miễn trách nhiệm. Điều này nhằm bảo vệ nhà sản xuất vaccine Covid-19 không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những thứ như tác dụng phụ sau khi tiêm.
Đặc biệt, việc dây chuyền sản xuất vaccine của hãng Emergent BioSolutions, đối tác của hãng dược Johnson & Johnson ở Mỹ xảy ra vấn đề nhiễm bẩn phải tạm đóng cửa đang làm tăng khả chính quyền liên bang thu hồi các liều vaccine thừa của hãng này sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch phân phối vaccine cho các nước.
Tuy nhiên, khoảng cách từ lời hứa và thời điểm vaccine đến tay những nước có thu nhập thấp và vừa còn rất dài. Tiêm vaccine cũng cần nhiều thời gian để đạt mức khống chế lây nhiễm. Việc xuất hiện các biến chủng khác nhau trong quá trình lây lan của virus sẽ ngày càng trở nên thách thức hơn cho Mỹ và các nước phát triển khác trên thế giới phải tăng tốc phân phối vaccine công bằng hơn.
Nếu tình trạng này tiếp tục trong dài hạn, nhiều quốc gia có khả năng sẽ ký thỏa thuận vaccine Covid-19 với Trung Quốc và Nga khi hai nước đang tích cực thúc đẩy mua bán vaccine do các công ty trong nước sản xuất.
“Khi tiêm vaccine Covid-19, phần lớn người nhiễm biến chủng nCoV, dù là đột biến mới, cũng chỉ gặp phải triệu chứng không quá nghiêm trọng. Mặc dù nước nào cũng có những nhóm dân số rủi ro cao, nhưng về cơ bản, việc phần lớn người dân được tiêm vaccine kết hợp với các biện pháp phòng chống Covid-19 khác sẽ giúp các nước kiểm soát được dịch song song với việc phục hồi kinh tế trước khi đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng”, Devi Sridhar, chủ tịch phụ trách y tế cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, Scotland nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
"Việt Nam tiếp cận mua vaccine sớm nhưng không được ưu tiên"
22:45, 03/06/2021
Kiểm soát chất lượng vaccine COVID19 như thế nào trong điều kiện hiện nay?
22:39, 03/06/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất vaccine
19:44, 03/06/2021
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất
19:19, 03/06/2021