Theo Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và 2025, nhiều cụm cảng cạn với công suất khoảng 5,7 - 8,6 triệu TEU/năm sẽ được hình thành.
Trong đó, sẽ đầu tư nhiều cụm cảng cạn lớn với công suất lớn lến đến khoảng gần chục triệu TEU/năm. Cụ thể, miền Bắc có các cảng cạn, cụm cảng cạn có công suất khoảng 1,3 - 2,2 triệu TEU/năm.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất xấp xỉ 124.000 - 322.000 TEU/năm, giai đoạn năm 2030 khoảng 510.000 - 911.000 TEU/năm.
Đặc biệt, với việc tập trung nhiều cụm cảng biển trọng điểm, khu vực miền Nam sẽ có nhiều cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất chạm ngưỡng 4,2 - 6,1 triệu TEU/năm. Giai đoạn đến năm 2030, khu vực này sẽ có các cảng lên đến khoảng 9,5 - 13 triệu TEU/năm.
Bộ GTVT cũng đề nghị chính quyền các địa phương tổ chức chặt chẽ quỹ đất xây dựng cảng cạn, bố trí quỹ đất theo quy hoạch để phát triển đồng bộ cảng cạn và hạ tầng kết nối với cảng, đảm bảo cảng cạn được kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa quốc gia.
Quy hoạch cũng nêu rõ, việc phát triển hệ thống cảng cạn sẽ ưu tiên, khuyến khích đầu tư trên các hành lang vận tải qua biên giới gắn với cửa khẩu quốc tế, các hành lang vận tải kết nối với cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc là cảng Hải Phòng và khu vực phía Nam là cảng biển TP. Hồ Chí Minh, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải. Trong đó, đặc biệt chú trọng hình thành cảng cạn tại những vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các khu vực gắn liền hoặc nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, trung tâm logistics cấp I.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT giao cho Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch phát triển cảng cạn, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc xử lý các dự án không tuân thủ quy hoạch và hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, quy hoạch cảng, bến thủy nội địa thuộc cảng cạn.