“Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia hợp tác đoàn kết trong khối Pháp ngữ, phù hợp với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...”.
>>Cơ hội kết nối từ Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Pháp Ngữ, ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thách thức, biến động hết sức to lớn, nhanh chóng và khó lường. Tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hiện hữu trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia, gây ra sự gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh đầu tư và chuỗi cung ứng
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây tổn thất nặng nề, việc bảo đảm an ninh lương thực cũng trở thành một thách thức lớn với các nước. Dù vậy, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp thế giới và của người dân đã và đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới. Đồng thời, sự phục hồi này không phải với bất cứ giá nào, mà trong quá trình đó, các quốc gia cũng đã đánh giá lại, đề ra và triển khai các chính sách, biện pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế, chuyển đổi số,... nhằm phục hồi một cách bao trùm và bền vững hơn. Đây là xu thế khách quan và tất yếu với tất cả các quốc gia
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng chia sẻ, thời gian qua, với mong muốn tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở, thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam đã thúc đẩy đồng bộ các nỗ lực cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việt Nam trở thành một trong những tâm điểm mạng lưới liên kết kinh tế, là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, là điểm đến đầu tư kinh doanh hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021 đã xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động đối ngoại là công tác ngoại giao kinh tế phát triển, lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài, để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao đã xác định trọng tâm công tác hiện nay là tập trung vào mục tiêu thu hút nguồn lực và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, xuất khẩu, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt là thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vừa được Chính phủ thông qua ngày 30/1/2022 vừa qua.
>>Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với thế giới
“Sự tham gia đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát huy các kết quả đạt được, kết nối hai chiều giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua, với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các ban bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi, để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ, tìm hiểu cơ hội thiết lập đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh ở nước ngoà,i trong đó có các nước Pháp ngữ, nhất là trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạom sản phẩm và dịch vụ số,...
Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia hợp tác đoàn kết trong khối Pháp ngữ, phù hợp với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Kể từ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 vào năm 1997, Việt Nam đã luôn chủ trương thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ, đóng góp vào các nỗ lực chung của Pháp ngữ, để không gian kinh tế không những trở thành một không gian của sự trao đổi, hợp tác, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, một không gian thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm, phát huy tốt hơn các tiềm năng sẵn có, phục vụ lợi ích của tất cả các quốc gia”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Diễn đàn hôm nay sẽ là bước khởi đầu cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Pháp ngữ với các doanh nghiệp của Việt Nam, tạo cơ sở cho hoạt động hợp tác sâu hơn nữa sau này. Qua đó có thể đóng góp cụ thể, thực chất vào quá trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội bền vững và bao trùm của các nước Pháp ngữ và trên thế giới.
Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) sẽ lần đầu tiên tổ chức Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ mang tính đa phương từ ngày 21 đến ngày 30/3/2022 tại Việt Nam và Campuchia.
Tại Việt Nam, OIF đồng tổ chức với Bộ Ngoại giao và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đoàn sẽ tạo cơ hội để 102 doanh nhân và chủ thể kinh tế quố tế đến từ 24 quốc gia, và chính phủ thành viên của OIF và hơn 420 doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, thảo luận về các dự án kinh doanh, đầu tư, tập trung trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hoá và dịch vụ kỹ thuật số.
Thông qua Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ, OIF muốn hỗ trợ các quốc gia và Chính phủ thành viên, nhất là nước chủ nhà, mạnh và cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác phục hồi chắc chắn và bền vững các nền kinh tế Pháp nhữ, vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
09:35, 16/10/2021
17:48, 27/11/2020
04:11, 03/09/2019
11:43, 01/08/2019