DĐDN xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục về chủ trương và ứng xử của Việt Nam trước việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Liên quan đến việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ: Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
09:19, 21/08/2019
09:24, 28/07/2019
10:15, 21/08/2019
00:00, 15/08/2019
17:00, 08/08/2019
13:40, 02/08/2019
06:30, 01/08/2019
18:19, 25/07/2019
Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
Các quốc gia khác, có biển và không có biển, có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin lưu ý thêm, theo UNCLOS 1982, các quốc gia ven Biển Đông đều có quyền dựa vào đó để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình, trong đó có vấn đề hiệu lực để xác định phạm vi biển của các quần đảo, đảo, đá, bãi cạn ở trong Biển Đông.
Một lưu ý quan trọng nữa, theo UNCLOS 1982, việc phát hiện và xử lý các sai phạm có khả năng xảy ra hay đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các lực lượng chấp pháp trên biển của quốc gia ven biển cũng phải tuân thủ các thủ tục pháp lý chặt chẽ, không được phép xử lý một cách tùy tiện. Đặc biệt là hạn chế hoặc thậm chí nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp bằng sức mạnh để cưỡng bức, không qua xét xử của các cơ quan tư pháp…
Chẳng hạn, Điều 73, UNCLOS 1982, quy định:
- Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.
- Khi có một sự bảo lãnh hay một bảo đảm đầy đủ khác thì cần thả ngay chiếc tàu bị bắt và trả tự do ngay cho đoàn thủy thủ của chiếc tàu này.
- Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền về kinh tế không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.
- Trong trường hợp bắt hay giữ một tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển thông báo ngay cho quốc gia mà tàu mang cờ biết, bằng các con đường thích hợp, các biện pháp được áp dụng cũng như các chế tài có thể sẽ được tuyên bố sau đó.
Như vậy, có thể thấy rằng, khi áp dụng các biện pháp đấu tranh tại hiện trường xảy ra vụ việc, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng phải hết sức thận trọng và phải cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một biện pháp nào đó, chứ không thể xử lý theo cảm xúc, chủ quan. Chưa kể nếu không cẩn thận, có thể bị mắc bẫy của đối phương khi họ kiếm cớ để gây khủng hoảng dẫn tới đụng độ, nhằm nhanh chóng rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu chiến lược của họ.
Điều này còn là bài học, lời cảnh tỉnh đối với chúng ta, với tư cách là những công dân bình thường, khi tiếp cận với những thông tin không được kiểm chứng hòng kích động dư luận, gây bất ổn về chính trị, vì những động cơ chính trị.
Còn với tư cách là những cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh chính trị, pháp lý, tuyên truyền, giáo dục, trước hết, phải nâng cao kiến thức pháp lý của mình để chỉ đạo hay trực tiếp tham gia quá trình xử lý đúng đắn và thích hợp, đồng thời, có trách nhiệm thông tin kịp thời, chuẩn xác, rõ ràng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, trong bối cảnh có nhiều thông tin thiếu kiểm chứng đang tràn ngập trên các mạng xã hội ở thời đại công nghệ 4.0.