Đổi mới sáng tạo là chìa khóa đưa Việt Nam trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á.
Thông điệp này được đưa ra ở Hội thảo “Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới”, diễn ra ngày 3/1/2025 tại TP.HCM.
Hội thảo đã mở ra không gian để chia sẻ những chiến lược kinh doanh đột phá và câu chuyện thành công truyền cảm hứng. Từ chuyển đổi số đến tích hợp công nghệ AI, IoT, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, hướng đến sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, nhấn mạnh rằng TP.HCM đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, ông nhận định, đổi mới và sáng tạo không chỉ là nhu cầu thiết yếu của từng doanh nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn diện.
Theo ông Lê Thế Chữ, đổi mới phải bắt đầu từ tư duy và mô hình kinh doanh, sẵn sàng từ bỏ lối mòn cũ để đón nhận các ý tưởng mới. Ông lấy ví dụ từ các doanh nghiệp tại hội thảo, ghi nhận sự chuyển đổi hiệu quả từ mô hình kinh doanh truyền thống sang đa kênh, kết hợp giữa cửa hàng vật lý và bán hàng trực tuyến. Sự kết hợp này không chỉ mang lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi mà còn tạo nên giá trị khác biệt cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ tiên tiến như tự động hóa sản xuất, tối ưu hóa quy trình, và sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Những bước đi này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Ông Chữ cũng nhấn mạnh tiềm năng lớn từ việc tận dụng công nghệ 4.0, bao gồm IoT, AI, và Big Data, trong việc tối ưu hóa sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường, cá nhân hóa sản phẩm, và xây dựng thương hiệu mạnh. Ông khẳng định đây chính là nền tảng để các doanh nghiệp cạnh tranh bền vững trong tương lai.
“Với sự chuyển đổi tư duy và nỗ lực đổi mới, TP.HCM không chỉ hướng tới mục tiêu trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là một trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ quốc tế”. – Nhà báo Lê Thế Chũ nói.
Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng chú ý, với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng và tỉ lệ nghèo đói giảm đáng kể. Thành công này đặt ra câu hỏi lớn: điều gì đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, và liệu quốc gia này có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 25 năm tới?
Ông Sam Korsmoe, tác giả cuốn sách "Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á", đã cùng nhóm nghiên cứu thực hiện một dự án nhằm giải mã các động lực thúc đẩy sự thăng hoa kinh tế của Việt Nam, đồng thời dự đoán tiềm năng trong tương lai. Theo ông, ngay cả nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu hết các yếu tố nền tảng góp phần vào thành công của đất nước.
“Chúng tôi tiếp cận dự án này như những nhà khoa học, đặt ra các giả thuyết và kiểm nghiệm chúng một cách bài bản,” ông Korsmoe chia sẻ. Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích các yếu tố then chốt, từ chiến lược xuất khẩu, công nghiệp hóa đến sự đổi mới trong lãnh đạo, nhằm xác định liệu Việt Nam có thể tái hiện thành công của các "con hổ kinh tế" châu Á như Hàn Quốc hay Đài Loan trong quá khứ.
Với cách tiếp cận khoa học và góc nhìn đa chiều, nghiên cứu của ông Korsmoe không chỉ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về hiện tại mà còn mở ra những hướng đi mới, góp phần vạch lối cho tham vọng đưa Việt Nam trở thành “ngôi sao kinh tế” sáng nhất của khu vực trong tương lai.
Dựa trên nghiên cứu của ông Sam Korsmoe và nhóm của mình, Việt Nam đang trên đà phát triển để trở thành "con hổ kinh tế tiếp theo" của châu Á, theo mô hình thành công của Đài Loan và Hàn Quốc. Để xác định tiềm năng này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng sáu tiêu chí đánh giá quan trọng:
Thứ nhất, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Thứ hai, sự gia tăng sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng. Thứ ba, sự tập trung vào các ngành công nghiệp chủ chốt có lợi thế cạnh tranh. Thứ tư, mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng tiêu dùng nội địa. Thứ năm, vai trò định hướng chiến lược của chính phủ. Thứ sáu, khả năng đổi mới trong tư duy và ứng dụng công nghệ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam hiện đáp ứng tốt hầu hết các tiêu chí trên, tuy nhiên, công nghiệp hóa vẫn cần được cải thiện đáng kể thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách công nghiệp phù hợp. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo được xác định là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Nghiên cứu cũng nêu rõ các động lực chính làm bệ phóng cho sự phát triển của Việt Nam như: Chiến lược "Trung Quốc +1", lực lượng lao động trẻ, vai trò của phụ nữ, sự phát triển của Internet, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tác động của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, vai trò của các thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ.
Ông Korsmoe nhấn mạnh rằng để trở thành một "ngôi sao" kinh tế thực sự, Việt Nam cần "nghĩ lớn" và hành động tương xứng. Các thành phố lớn như TP.HCM nên hướng tới tổ chức các sự kiện toàn cầu, phát triển các ngành như sự kiện, ẩm thực, và điện ảnh, biến chúng thành thương hiệu quốc gia. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Ông Korsmoe cũng khuyến nghị rằng, bên cạnh khát vọng lớn, Việt Nam cần nhận diện các rủi ro và phát triển một cách bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. "Chúng ta cần ước mơ lớn, nhưng cần thực hiện chúng với chiến lược rõ ràng và sự kiên định," ông Korsmoe kết luận.