Viettel tạo ra điều kỳ diệu để viết "Việt Nam" lên bản đồ viễn thông thế giới

Trang Huyền 28/05/2019 05:00

Sau mỗi cuộc chinh phục, Viettel viết lên bản đồ viễn thông thế giới bằng những kỳ tích phổ cập dịch vụ viễn thông góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Năm 2019, Viettel đã trở thành doanh nghiệp thuộc Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD - thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới. Riêng Viettel Global – đơn vị phụ trách lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel – đang có giá trị gần 2,4 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam.

“Cảm tử quân” lần đầu tiên đem chuông đi đánh xứ người

Năm 2006, Việt Nam có chưa đầy 5 doanh nghiệp trị giá tỷ đô và không có một doanh nghiệp nào thuộc top 20 trên thế giới. Năm đó, Viettel – một công ty viễn thông với doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận chưa đến 1.500 tỷ đồng, vừa kinh doanh dịch vụ di động tại quê nhà Việt Nam được 2 năm, nhưng đã thực hiện những bước đi đầu tiên trên con đường “go global”.

Tháng 6/2006, công ty Viettel Cambodia được thành lập và 4 tháng sau, hoàn thành tuyến cáp quang đầu tiên từ văn phòng tại Sangkat Chatomuk đến trạm An Giang 18 và 19. Đoàn “cảm tử quân” lần đầu tiên đem chuông đi đánh xứ người chỉ gồm có 6 người Viettel đến từ Việt Nam, vật lộn học hành, tìm hiểu, làm tất cả mọi việc để xử lý các thủ tục giấy tờ, xin giấy phép, triển khai dự án.

Sau 3 năm chuẩn bị, mạng di động của Viettel tại Campuchia chính thức kinh doanh và ngay lập tức đối mặt với một thị trường có tới 7 doanh nghiệp và Metfone – thương hiệu được Viettel lựa chọn cho thị trường Campuchia – là thành viên thứ 8. Trong đó,riêng Mobitel đang chiếm tới 50% thị phần.

Thế nhưng, không có doanh nghiệp nào ngay khi bắt đầu kinh doanh đã sở hữu hệ thống cáp quang bao phủ 70% số huyện, hơn 1.700 trạm phát sóng BTS phủ đến 80% số xã, cung cấp dịch vụ 25/25 tỉnh, thành phố như Metfone. Những nơi xa xôi, hiểm trở và hẻo lánh không có nhà mạng nào muốn đến đặt trạm, đều có dấu chân Metfone.

Ở Việt Nam, Viettel mất 4 năm để từ vị trí thứ 4 vươn lên số 1, và là một kỳ tích chưa từng có của thế giới (2004-2008). Còn ở Campuchia, Metfone chỉ mất 2 năm để từ vị trí thứ 8 vươn lên số 1, với 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng. Vị trí đó vẫn được duy trì cho đến nay. Và câu chuyện thần kỳ này của Viettelkhi đi đầu tư ra nước ngoàilại tiếp tục được kể ở những quốc gia tại các lục địa xa xôi khác.

Những điều kỳ diệu ở Lục địa đen và châu Mỹ La tinh

Năm 2010, chỉ 3 ngày trước khi Viettel sang Haiti ký hợp đồng thành lập liên doanh viễn thông, trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại đã xảy ra. Thảm họa động đất này đã phá hủy hoàn toàn các công trình lớn của quốc gia châu Mỹ, cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người, san phẳng Thủ đô Port-au-Prince và đẩy nơi đây vào nạn dịch tả khủng khiếp.

Không ai nghĩ rằng Viettel sẽ tiếp tục đầu tư, chỉ những người Viettel tin chắc một điều: Họ không bỏ cuộc. Sau hơn 1 năm chính thức đầu tư, ngày 7/9/2011, Natcom khai trương mạng viễn thông với cơ sở hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti.

Vào thời điểm khai trương, Natcom là công ty duy nhất tại Haiti cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, công ty duy nhất cung cấp công nghệ 3G và cũng là nhà mạng sở hữu cổng kết nối Internet quốc tế duy nhất của Haiti qua tuyến cáp quang biển 10Gbps tới Bahamas kết nối đi Mỹ. Sự xuất hiện của Natcom đã trực tiếp đẩy mặt bằng giá cước viễn thông giảm tới 20% so với trước đây.

Gần giống như tại Haiti, vào năm 2014, khi Viettel chính thức kinh doanh tại Burundi – một quốc gia châu Phi – thì đất nước này rơi vào trạng thái bất ổn về chính trị. Các nhà mạng đang kinh doanh tại đây đều tạm ngừng hoạt động và đưa các nhân sự chủ chốt rời đi để đảm bảo an toàn.

Vẫn là quyết định khác người, những người Lumitel – thương hiệu của Viettel tại Burundi đã ở lại để thực hiện một “kỳ tích”. Do là mạng di động duy nhất còn liên lạc thông suốt và còn bán sim thẻ trên khắp đất nước, Lumitel hoàn thành mốc 600.000 khách hàng và có lãi trong vòng 1 tháng. Sau 4 tháng, Lumitel đạt 1 triệu thuê bao, tương đương 10% dân số Burundi.

Đây không những là thị trường mà Viettel vươn lên vị trí số 1 nhanh nhất trong lịch sử, mà còn là doanh nghiệp viễn thông duy nhất trên thế giới bước chân vào một thị trường bị “trấn giữ” bởi 5 mạng di động, mà có thể có lãi trong thời gian chỉ hơn 4 tuần.

Cũng tại lục địa đen, mạng Movitel của Viettel tại Mozambique từng được mệnh danh là “Điều kỳ diệu châu Phi” khi làm bùng nổ một cuộc cách mạng về di động và giành tới 6 giải thưởng quốc tế. Trước khi Movitel xuất hiện, chỉ dân thành phố mới có thể sử dụng Internet và điện thoại di động với mức giá cước “người giàu”. Năm 2012, Movitel bắt đầu kinh doanh và hiện nay, người dân Mozambique có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động 2G với giá 799 Metical (khoảng 250.000 đồng), hay điện thoại 3G với giá 3.199 Metical (chưa tới 1 triệu đồng) với mức cước thấp hơn các nhà mạng khác.

Giữa tháng 3/2019, khi siêu bão Idai đổ bộ vào Mozambique, hủy hoại mọi thứ trên đường đi, bao gồm các mạng di động. Với tác phong của Viettel, Movitel là nhà mạng đầu tiên khắc phục cơ bản các sự cố để đảm bảo liên lạc thông tin trở lại.

Cú nhảy tại xứ sở “tí hon” Đông Timor và thành quả của sự kiên trì tại Myanmar

Đông Timor là một thị trường rất nhỏ với dân số chỉ tương đương 1 thành phố nhỏ ở Việt Nam. 90% địa hình nơi đây là đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới rất gian nan, đẩy chi phí đầu tư lên rất cao. Thị trường kém hấp dẫn khiến cho đảo quốc này chỉ có một mạng di động, cho đến khi Viettel đặt chân đến.

Với kinh nghiệm “làm những việc không ai làm”, Viettel không khó khăn để giải quyết bài toán trồng trạm trên địa hình xấu, và với chi phí thấp.

Sau thời gian siêu tốc là 6 tháng khai trương, Telemor đã có lãi. Doanh nghiệp tí hon được trao giải “Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm tại khu vực châu Á, châu Úc và New Zealand" trong khuôn khổ Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế năm 2015 của tổ chức Stevie Awards (Mỹ).

Thủ tướng Xanana Gusmao của Dong Timor nói rằng, Viettel đã tạo ra sự khác biệt và làm biến đổi nhanh chóng cho đất nước này. Chỉ sau 1 năm xây dựng, hạ tầng mạng lưới của Telemor đã phủ rộng khắp các huyện, xã. Nhiều cột điện, cáp quang viễn thông được triển khai cả ở những nơi điện lưới quốc gia chưa tới. Viễn thông đã đến với người nghèo, kể cả những nơi mà việc tiếp cận thông tin là rất khó khăn.

Myanmar là thị trường quốc tế thứ 10 và mới nhất của Viettel khi chính thức kinh doanh vào tháng 6/2018. Thế nhưng,Myanmar lại là nơi mà những người Viettel đã “nằm vùng” cả thập kỷ, trải qua rất nhiều lần lỡ hẹn mới có thể chinh phục.

Myanmar - “cô gái không còn trẻ nhưng vẫn rất đẹp” đã một lần nữa chứng tỏ những chiến lược của Viettel là đúng đắn. Nhà mạng Mytel (thương hiệu Viettel tại đây) trở thành hiện tượng hiếm có của ngành viễn thông thế giới với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Chỉ sau 8 tháng kinh doanh, đã đạt gần 5,2 triệu thuê bao di động, vươn lên chiếm 14% thị phần viễn thông và đứng thứ 3 trên thị trường. Mytel cũng là công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Viettel trong lịch sử hoạt động, bao gồm cả thị trường Việt Nam.

h

 Mytel đã tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường dữ liệu di động… trong cộng đồng người dân đất nước chùa tháp.

Với lợi thế về hạ tầng 4G tốc độ cao và mạng lưới rộng lớn nhất đất nước Myanmar, đem đến các dịch vụ chất lượng cao nhưng giá rẻ, Mytel đã tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường dữ liệu di động, làm bùng nổ hoạt động truy cập Internet tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, giải trí… trong cộng đồng người dân đất nước chùa tháp. Năm 2019, Mytel đặt mục tiêu tăng gấp đôi số thuê bao lên 10 triệu, tiếp tục phát triển mạng 4G và thực hiện chuyển đổi số ngay trong năm nay.

Mặt trời không bao giờ lặn ở Viettel!

Từ 6 người dũng cảm thực hiện nhiệm vụ là đầu tư sang Campuchia, giờ đây thị trường của Viettel đã là 11 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam). Tại châu Á có 4 nước là: Campuchia, Lào, Đông Timor và Myanmar. Tại Châu Phi có 4 nước là: Mozambique, Cameroon, Burundi và Tanzania. Tại châu Mỹ có 2 nước là: Haiti và Peru. Số thuê bao khách hàng của Viettel tại nước ngoài đã đạt hơn 35 triệu. Thương hiệu viễn thông của Viettel đã đứng vị trí số 1 tại 5 quốc gia, gồm: Campuchia, Lào, Burundi, Đông Timor và Mozambique.

Sau mỗi cuộc chinh phục, Viettel lại để lại trên bản đồ viễn thông thế giới bằng những kỳ tích, những hiện tượng. Nếu như ở Việt Nam, Viettel lập kỷ lục của thế giới là trong vòng 4 năm từ nhà mạng thứ 4 vươn lên thứ nhất thì tại Campuchia, Viettel chỉ mất 2 năm, tại Mozambique chỉ mất 1 năm và tại Burundi chỉ mất 6 tháng…

Quá trình tạo ra điều kỳ diệu của Viettel luôn gắn liền với chiến lược “hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau” và ở nhiều quốc gia là “lấy nông thôn vây thành thị”. Trước khi chính thức cung cấp dịch vụ, mạng lưới hạ tầng phát sóng của Viettel luôn phủ rộng khắp mọi vùng miền, đưa mạng di động và Internet đến với mọi người dân của 11 thị trường.

“Việt Nam mà có viễn thông ư? Bà sẽ thua” - bà Safura, Ủy viên Trung ương Đảng Frelimo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Movitel nhớ lại câu hỏi mà mình luôn phải đối mặt khi quyết định hợp tác với Viettel để mở mạng di động tại Mozambique.

“Trước khi biết đến Việt Nam thông qua Viettel, thông tin của chúng tôi về quốc gia này không có mấy, chủ yếu là Việt Nam là một đất nước xuất khẩu gạo. Và không thể thiếu là ấn tượng về chiến tranh ở Việt Nam, những bộ phim của Việt Nam được chiếu ở đây cũng như thông tin về những cuộc cách mạng trong lịch sử của hai nước”, bà Safura chia sẻ. Nhưng bây giờ, mọi suy nghĩ đã thay đổi và Chủ tịch HĐQT Movitel rất tự hào với quyết định năm xưa của mình.

Việc nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trên thị trường ở nhiều quốc gia đã chứng tỏ được sức mạnh của Viettel trong ngành viễn thông toàn cầu. Với công nghệ mới 5G, Viettel sẽ là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới chính thức kinh doanh.

Và họ không dừng lại ở đó. Hệ thống hạ tầng sâu rộng và hiện đại mà Viettel xây dựng sẽ trở thành nền tảng vững chắc để Viettel triển khai hàng loạt dự án 4.0 tại các trong các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh… với lợi thế vượt trội so với đối thủ.

Những sản phẩm 4.0 của Viettel đã và sẽ giúp cho các dịch vụ công nghệ thông tin kết hợp viễn thông đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Một ví dụ tiêu biểu, ví điện tử Emoney được Metfone cung cấp năm 2015 ở Campuchia đã tạo ra một cuộc cách mạng trong thanh toán trực tuyến tại đất nước chùa tháp.

Ví điện tử Lumicash của Lumitel bắt đầu được cung cấp từ 9/2016 tưởng chừng như khó có thể phát triển ở một đất nước nghèo như Burundi nhưng đến hết năm 2018, số lượng khách hàng mới đã tăng gấp 4 lần so với năm 2017, đưa tổng số khách hàng đạt 320.000, chiếm 47% thị phần ví điện tử tại Burundi, chiếm giữ vị trí số 1. Hiện nay dịch vụ Lumicash đã kinh doanh có lãi.

Hoạt động trên nhiều múi giờ, tại ba châu lục Á, Phi và Mỹ Latinh, người Viettel nói rằng, mặt trời sẽ không bao giờ lặn ở Viettel. 

Nhưng đó không chỉ là vầng mặt trời của tự nhiên, mà nó chính là khát vọng Viettel luôn cháy không ngừng trong suốt 30 năm nay và cả trong tương lai. Nếu không có khát vọng và chủ động bước chân ra khỏi biên giới Việt Nam ngay từ khi còn là một doanh nghiệp viễn thông nhỏ bé thì Viettel đã không có một thị trường toàn cầu với 320 triệu dân và hơn 100 triệu khách hàng như hôm nay..

Và qua Viettel, thế giới hiểu rằng sự kỳ diệu của Việt Nam không chỉ là chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, không chỉ là thiên nhiên tươi đẹp hay thế mạnh về nông nghiệp, mà còn là những điều thần kỳ về viễn thông và công nghệ, đem đến sự “lột xác” cho Việt Nam và 10 quốc gia khác trên địa cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Viettel tạo ra điều kỳ diệu để viết "Việt Nam" lên bản đồ viễn thông thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO