Hai "ông lớn" cho biết sẽ khai thác siêu cảng ICD Vĩnh Phúc như một trung tâm trung chuyển để tăng cường vận chuyển hàng hóa đa phương thức.
>>>Đầu tư cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ: Tránh thêm “một giấc mơ dang dở"
Ngày 26/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (Liên danh giữa Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH - Singapore) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm khai thác lợi thế của siêu cảng ICD Vĩnh Phúc để thúc đẩy vận tải đa phương thức, góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và giảm bớt các thách thức cho ngành logistics Việt Nam...
Theo đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty Cổ phần T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (T&Y) sẽ hợp tác phát triển các sản phẩm và dịch vụ tổng hợp cho cảng cạn (ICD) và kho thu gom hàng lẻ (CFS) để đáp ứng lượng hàng hóa đường biển ngày càng tăng trong các khu công nghiệp lân cận Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc cũng như giảm bớt các thách thức logistics hiện có.
Hai bên cũng sẽ phát triển các cơ hội kinh doanh mới nhằm khai thác siêu cảng ICD Vĩnh Phúc như một trung tâm trung chuyển để tăng cường vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong phạm vi Việt Nam cũng như trong khu vực. Việc hơp tác này cũng nhằm hỗ trợ VIMC phục vụ lượng hàng hóa đáng kể đến từ mạng lưới khách hàng rộng khắp của Tập đoàn YCH tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác mà YCH đang triển khai hoạt động.
>>>Đề xuất 7 giải pháp phát triển ngành logistics trong bối cảnh mới
Theo bà Chan Yoke Ping, Tổng giám đốc T&Y, trong bối cảnh ngành logistics Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức, để đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ xây dựng hệ sinh thái với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực kết nối đa phương thức với hệ thống sân bay, cảng biển, đường sắt và đường bộ để cung cấp quá trình chuyển đổi liền mạch cho tất cả các cửa khẩu ở Việt Nam và xa hơn nữa là cho các nhà cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng.
Với cách tiếp cận tích hợp nhằm nâng cao kỹ năng, công nghệ, hệ thống và tự động hóa cho hệ sinh thái, các giải pháp chuỗi cung ứng sẽ trở nên phù hợp và hiệu quả, từ đó từng bước kéo giảm chi phí logistics.
“Việc hợp tác với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới cho siêu cảng ICD Vĩnh Phúc. Với vị trí chiến lược nằm gần 20 khu công nghiệp, khả năng vận tải hàng hóa đa phương thức bao gồm đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam, mở ra cánh cửa để đạt được những đột phá trong lĩnh vực logistics”, bà Chan Yoke Ping nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 8/2022, để kết nối siêu cảng ICD Vĩnh Phúc tới những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, liên danh T&Y đã bắt tay hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Như vậy, với việc hợp tác cùng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc đã bổ sung thêm một mảnh ghép quan trọng trong chuỗi vận tải đa phương thức gồm đường bộ - đường hàng không - đường sắt và đường biển.
Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc được xây dựng tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm do liên danh T&T Group và YCH (Singapore) làm chủ đầu tư. Siêu cảng ICD Vĩnh Phúc có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu là xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là dự án đầu tiên của Mạng lưới logistics thông minh ASEAN.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ vận hành vào cuối năm 2022. Đến tháng 9 vừa qua, tòa nhà đầu tiên của siêu cảng đã được hoàn thành. Đây là nhà ga hàng hóa hàng không phục vụ cho các khu công nghiệp xung quanh với mục tiêu giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay vào mùa cao điểm.
Có thể bạn quan tâm
09:30, 25/03/2022
16:06, 20/12/2021
00:44, 11/11/2022
04:00, 02/04/2022
15:20, 01/04/2022