Từ ngày 27 - 29/11/2024 diễn ra Triển lãm Công nghiệp hóa chất Việt Nam lần thứ 20 (VINACHEM EXPO 2024).
Triển lãm quy tụ 700 gian hàng của 500 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Australia, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Đài Loan, Thái Lan... tham dự; sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, tăng cường học hỏi trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, giúp nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được chủ trương, chính sách, nhu cầu, thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam, tối đa hóa hiệu quả hợp tác và các cơ hội kinh doanh.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam có nhu cầu sử dụng trên dưới 10 triệu tấn phân bón và gần 50 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật. Do năng lực sản xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trên, nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón và hơn 100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ USD.
Do đó, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải.
Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đến nay đã có khoảng 15% lượng phân bón sử dụng đã chuyển đổi sang hữu cơ; hơn 13% sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam là thuốc sinh học, đem lại lợi ích to lớn cho môi trường và sức khỏe con người.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp thì việc quản lý buôn bán, xuất nhập khẩu, sản xuất và sử dụng vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những tiêu chí quan trọng để góp phần khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến phản hồi và chia sẻ các quy định trong lĩnh vực quản lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp các bên tuân thủ đúng các quy định, thuận lợi trong hợp tác, kinh doanh, buôn bán vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Về chuyên ngành hóa chất, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Ông Hoàng Quốc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương, mục tiêu cụ thể của chiến lược đặt ra phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10-11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4-5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7-8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4-5%.
Chiến lược cũng đưa ra những giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp mang tính đột phá, như: Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic, có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững; xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi).
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động hoá khá cao.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện sở hữu mạng lưới sản xuất, kinh doanh rộng khắp cả nước, hoạt động đa lĩnh vực trong ngành công nghiệp hóa chất, mang về doanh thu hàng năm hơn 2,5 tỷ USD, chiếm thị phần lớn tại một số lĩnh vực trong nước như phân bón chiếm tới 40% và đã xuất khẩu sản phẩm đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp hóa chất, ông Dũng cho hay, trong thời gian vừa qua, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, chú trọng sản xuất xanh và tăng trưởng xanh đã được Vinachem chủ động triển khai, tiêu biểu như: Đẩy mạnh triển khai Chương trình Quốc gia về tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (CO2), các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên và xử lý, tái chế chất thải; xây dựng chính sách môi trường nội bộ thông qua khuyến khích, sáng kiến cải tiến, ưu tiên nghiên cứu khoa học, đầu tư, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất.
"Chúng tôi sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả chủ trương, chính sách và định hướng quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy các đơn vị thành viên Tập đoàn đảm bảo nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu số; ứng dụng, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh mới gắn liền với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", ông Dũng bày tỏ.
Trong thời gian triển lãm ngoài Lễ ký kết Ghi nhớ hợp tác MOU giữa các Hiệp hội ngành hàng và Đối tác quốc tế, tại triển lãm còn diễn ra các chương trình Hội thảo, tọa đàm, diễn đàn với các chủ đề: Công nghiệp Hóa chất Việt Nam hướng tới phát triển xanh và bền vững; Tình hình thị trường Keo và chất kết dính tại Việt Nam; ứng dụng và tiêu chuẩn Keo - chất kết dính trong ngành công nghiệp điện tử; Tổng quan thị trường cao su Việt Nam; Tổng quan thị trường ngành Sơn mực in Việt Nam; Ứng dụng tiến bộ về máy móc thiết bị và giải pháp tiết kiệm chi phí tăng lợi nhuận trong nhà máy; Ứng dụng Công nghệ Sinh học trong ngành Nhựa - Giải pháp tiến tới Xanh hóa; Ứng dụng Công nghệ Sinh học trong kinh tế tuần hoàn; Tích hợp hệ thống tự động điều khiển quá trình công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm…
Đồng thời, Ban tổ chức còn tổ chức chương trình tham quan, khảo sát chuyên sâu một số nhà máy sản xất và các khu công nghiệp khu chế xuất lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh... nhằm tìm hiểu về chính sách xúc tiến đầu tư của tỉnh, tăng cường trao đổi học hỏi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp quốc tế với các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Sự kiện do Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) và Ủy ban Xúc tiến Mậu dịch Quốc tế Trung Quốc Phân hội Hóa chất (CCPIT CHEM), Hiệp hội Công nghiệp Keo chất kết dính và băng keo Trung Quốc (CATIA), Tập đoàn Cao su Zhonglian Trung Quốc (CURC), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (VINACHEM) phối hợp tổ chức với sự ủng hộ của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn), các ban ngành hữu quan và hơn 10 Hiệp hội ngành hàng liên quan trong nước và quốc tế.