Cả 3 công ty sản xuất săm lốp mà Vinnachem đang sở hữu chi phối là CSM, DRC và SRC sẽ được giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vốn điều lệ (định hướng trước mắt là giảm về 36%).
Ðối với nhóm phân bón, hóa chất, danh sách các công ty mà Vinachem sẽ giảm tỷ lệ sở hữu là LAS, VAF, NFC, Hóa chất cơ bản Miền Nam (CAV), Thuốc sát trùng Việt Nam, Bột giặt NET, Bột giặt LIX, Pin Ắc quy Miền Nam (PAC)…
Doanh thu đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2018 vừa được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố, năm 2018, Công ty mẹ Vinachem ghi nhận tổng doanh thu 1.132 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là doanh thu hoạt động tài chính với 1.128 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính của Công ty mẹ Vinachem chủ yếu đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia (từ các công ty con, công ty liên kết) với 1.012 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái. Còn lại 115 tỷ đồng là lãi tiền gửi, tiền cho vay, giảm nhẹ 6%. Về chi phí, trong năm, Công ty mẹ Vinachem ghi nhận 309 tỷ đồng chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư), chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp 2,2 lần lên 661 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 15/05/2019
17:08, 27/03/2019
06:00, 19/02/2019
Sở dĩ dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư của Vinachem giảm mạnh là do nhiều công ty con của tập đoàn này đã bớt lỗ trong năm 2018. Chẳng hạn, năm 2018, Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng, giảm 44% so với năm ngoái; DAP số 2-Vinachem lỗ 246 tỷ đồng, giảm 60%. Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ Vinachem đạt 161 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 287 tỷ đồng của năm ngoái. Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Công ty mẹ Vinachem đạt 20.565 tỷ đồng, tương đương hồi đầu năm.
Đáng chú ý, tập đoàn này đầu tư 12.468 tỷ đồng vào các công ty con nhưng phải trích lập dự phòng tổng cộng tới 5.319 tỷ đồng. Trong đó, Đạm Ninh Bình phải dự phòng toàn bộ 2.313 tỷ đồng vốn góp, Đạm Hà Bắc phải dự phòng 2.029 tỷ đồng trong tổng số 2.658 tỷ đồng vốn góp, DAP số 2 - Vinachem phải dự phòng toàn bộ 802 tỷ đồng vốn góp. Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ Vinachem đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 13.715 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 6.850 tỷ đồng, giảm 5,3%.
Bán vốn theo thị giá cổ phiếu hay giá trị doanh nghiệp?
Trước đó, ngày 5/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020. Theo đó, với mục tiêu bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh, một loạt đơn vị thành viên đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được Vinachem thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu.
Trong đó, cả 3 công ty sản xuất săm lốp mà Vinnachem đang sở hữu chi phối là CSM, DRC và SRC sẽ được giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% vốn điều lệ (định hướng trước mắt là giảm về 36%). Ðối với nhóm phân bón, hóa chất, danh sách các công ty mà Vinachem sẽ giảm tỷ lệ sở hữu là LAS, VAF, NFC, Hóa chất cơ bản Miền Nam (CAV), Thuốc sát trùng Việt Nam, Bột giặt NET, Bột giặt LIX, Pin Ắc quy Miền Nam (PAC)…
Tiến độ thoái vốn của Vinachem tại các doanh nghiệp diễn ra khá chậm, một mặt do có những khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, mặt khác là thị trường chứng khoán có diễn biến kém thuận lợi.
Tại Ðại hội đồng cổ đông 2019 của các doanh nghiệp trên, thông tin về tiến trình Vinachem thoái vốn được cổ đông rất quan tâm. Trả lời về vấn đề này, Ban chủ tọa đại hội DRC cho biết, Vinachem dự kiến hoàn thành thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019.
Còn Ðoàn chủ tịch đại hội CSM chia sẻ, CSM đã thực hiện xong phần kiểm toán tại doanh nghiệp và trình hồ sơ lên Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương. Ðối với tiến độ chung của Vinachem, đã có 3 trong số 15 đơn vị được xét. CSM sẽ là một trong những đơn vị tiếp theo. Thời điểm đấu giá thoái vốn dự kiến vào đầu quý III/2019.
Theo quy định của pháp luật hiện nay cũng như thực tế các thương vụ bán vốn nhà nước thời gian qua, khi thoái vốn, sẽ có 2 mức giá làm cơ sở tham chiếu. Một là thị giá cổ phiếu, vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường và hai là giá trị doanh nghiệp được xác định để thoái vốn, bám sát hơn giá trị tài sản. Trong 2 mức giá này, mức giá nào cao hơn sẽ được chọn làm giá khởi điểm.
Với xu hướng kết quả kinh doanh suy giảm trong 3 năm trở lại đây của nhiều doanh nghiệp thuộc Vinachem, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này có diễn biến giảm mạnh, thậm chí thị giá thấp hơn đáng kể so với giá trị sổ sách. Trong bối cảnh này, mức giá khởi điểm bán vốn theo giá trị doanh nghiệp được xác định nhiều khả năng sẽ cao hơn giá cổ phiếu trên sàn.
Thông thường, những thương vụ như vậy sẽ chỉ hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức muốn sở hữu tỷ lệ lớn để tham gia quản trị, điều hành, thay đổi hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Ở góc độ nhà đầu tư tài chính, tính hấp dẫn không cao, bởi họ có thể mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn với giá thấp hơn.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh đang trên đà suy giảm, khả năng thành công của các đợt thoái vốn do Vinachem thực hiện trong thời gian tới được dự báo sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia. Với trường hợp này, nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến doanh nghiệp có tỷ lệ bán vốn lớn, có những tài sản giá trị nhưng chưa khai thác tốt như đất đai, hoặc doanh nghiệp sản xuất mà đối tác có thể kết hợp hoàn thiện chuỗi giá trị của họ.