Vinalines lên kế hoạch đẩy nhanh tinh gọn đầu mối nhằm giảm thua lỗ tại các doanh nghiệp.
Cụ thể, Vinalines dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành cổ phần hoá công ty mẹ, trong đó Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống mức 65%. Hiện tại, đã thành lập được ban chỉ đạo và công bố giá trị doanh nghiệp.
Hiện tại, Vinalines đã hoàn thành giải thể một loạt công ty con gồm: Công ty Thương mại Xăng dầu đường biển Vinalines, Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc; Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ, Công ty CP Phát triển cảng Bến Đình – Sao Mai; Trung tâm Nhân lực Hàng hải Đông Nam Á…
Đồng thời, Vinalines đã hoàn tất việc sáp nhập Cảng Cần Thơ, thoái vốn khỏi Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh, Cảng Nha Trang, Cảng Quy Nhơn…
Năm nay, Vinalines cũng sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Hàng hải Vinalines Nha Trang; thoái vốn tại Cảng Cái Cui xuống 51%; thoái vốn khỏi Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Container Vinalines xuống hơn 50%....
Đáng chú ý, Vinalines sẽ thực hiện phá sản Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin, Công ty TNHH MTV CNTT Cà Mau, Công ty XNK Vật tư đường biển; Công ty CP Vận tải dầu khí Việt Nam và giải thể Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines – Đông Đô.
Báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho thấy, tình hình ảm đạm, sụt giảm mạnh ở các chỉ số kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận dù sản lượng vận tải biển và hàng thông qua cảng tăng.
Theo đó, tổng doanh thu công ty mẹ năm qua đạt 3.106 tỷ đồng, bằng 50,5% so với năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 306 tỷ đồng - chỉ bằng 12,2% so với năm ngoái. Doanh thu hợp nhất tổng công ty đạt 15.796 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 682 tỷ đồng, tăng gần gấp ba lần năm 2016.
Lý giải doanh thu công ty mẹ giảm mạnh so với doanh thu thực hiện năm 2016, Vinalines cho rằng do giảm trọng tải đội tàu, giảm doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác dẫn đến doanh thu của Tổng công ty cũng giảm. Lợi nhuận của công ty mẹ - Tổng công ty năm 2017 đạt 306 tỷ đồng do không còn nhiều khoản tái cơ cấu nợ vay, thu nhập từ hoạt động tài chính và khác giảm mạnh.
Năm 2018, lãnh đạo công ty xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm 2017 như: doanh thu hợp nhất đạt 13.638 tỷ đồng, giảm 13,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 668 tỷ đồng, giảm 3%.
Tìm “bài thuốc” cho “căn bệnh” của Vinalines, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển từng chia sẻ, tốc độ phát triển nhanh nhưng lại không có các kịch bản cho sự rủi ro. Chúng ta thường lấy lý do là do khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng bản thân khi quy mô nhỏ thì bài toán gặp sự cố rủi ro không quan trọng. Nhưng quy mô lớn thì bài toán gặp rủi ro lại rất quan trọng, nhất là ở mức độ tập đoàn. Rõ ràng những chuyện như vậy làm cho chúng ta gặp thất bại.
Và khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì thường thay đổi nhân sự bằng việc đưa nhân sự từ những cơ quan trong ngành hoặc từ bên cơ quan chủ quản chuyển sang hoặc từ dưới cấp dưới đi lên. Chúng ta không có chuyện chuyển những người có thành tích xuất sắc từ nơi khác về.
Ở nước ngoài, khi một công ty lớn bị thua lỗ thì họ thay bằng một người có phẩm chất tốt, có thành tích tốt ở một nơi khác về mà không bắt buộc phải cùng ngành. Nhưng cách thức của chúng ta thì khác. Giải quyết bằng tài chính của nhà nước như giảm nợ, tạo vốn… thậm chí là tạo thị phần mà chúng ta không giải quyết vấn đề đầu tiên là phải có một nhân lực thành tích cao ở nơi khác đã được thực chứng chuyển về tái cấu trúc.
“Đó là một sự khác biệt rất lớn về cách thức thay đổi khi gặp khó khăn. Điều này dẫn đến việc là khi gặp khó khăn thì vấn đề khắc phục sẽ chậm, mất nhiều thời gian và công sức hơn”, ông Hiển phân tích.
Quả thực, con tàu Vinalines chìm không phải do hàng hóa bên trong hay sóng to gió lớn mà do chính người điều khiểu nó không biết phải đi theo hướng nào.