Xin được gọi ông với cái tên thân mật theo cốt cách Nam Bộ, ngôi sao sáng trên chính trường Việt Nam, đó là Thủ tướng Phan Văn Khải của những năm 1997 – 2006. Ông ra đi vì tuổi già sức yếu, trọn cuộc đời 85 năm cống hiến cho cách mạng, cho nền độc lập dân tộc, đặt những viên gạch đầu tiên xây nền kinh tế hội nhập.
Những năm giao thời giữa hai thiên niên kỷ, phương tiện truyền thông không phổ biến như bây giờ, ấn tượng đầu tiên về ông qua chiếc tivi đen trắng xài bình ắc quy. Nhìn ông có vẻ không toán lên sự quyết đoán như người tiền nhiệm, nhưng thay vào đó là một con người cẩn trọng, khiêm nhường, bình dị, gần gũi, không bao giờ quan cách, câu nệ mà luôn ấm áp tình người và đầy bản lĩnh.
Có lẽ vì thế mà dưới thời ông cũng không có chuyện tiêu xài hoang phí, xây dựng tràn lan mà mọi thứ đều tiết kiệm. Trước Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải sẵn sàng xin lỗi, sẵn sàng nhận trách nhiệm khi trong nước xảy ra những vụ án nổi cộm như Năm Cam, PMU 18. Đây không phải là điều mà ai cũng dám làm và làm được ở thời điểm đó.
Người ta còn biết đến ông, vị lãnh đạo có phong thái giản dị, đậm chất nông dân miệt vườn Nam Bộ. Chín năm trên cương vị Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoảng thời gian đầy nhạy cảm với câu hỏi: Mở cửa hay là tiếp tục tụt hậu? Ông đã giải quyết nan đề này bằng sự thức thời và hợp lý.
Không nhiều người biết, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ sau năm 1975. Thời điểm đó truyền thông quốc tế đánh giá đây là “chuyến thăm lịch sử”. Nếu người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt “phá băng” mối bang giao Việt – Mỹ, thì chính Phan Văn Khải là người nâng tầm quan hệ này lên nấc thang mới.
Có thể bạn quan tâm
10:13, 17/03/2018
10:00, 17/03/2018
09:57, 17/03/2018
10:50, 17/03/2018
Bước ngoặt diễn ra vào ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đến ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Đúng 10 năm sau (2005) khi hai nước bình thường hóa quan hệ, “chuyến thăm lịch sử” được tiến hành. Chuyến thăm thành công mỹ mãn nhiều lĩnh vực, sự thành công ấy được thể hiện rõ nhất những năm 2006 - 2009, thời kỳ tăng trưởng rực rỡ của nền kinh tế Việt Nam. Cũng không nhiều người còn nhớ năm ông nhậm chức Thủ tướng cũng là thời điểm cơn khủng hoảng tài chính Châu Á đang đỉnh điểm, khó chồng chất khó.
Trong chuyến thăm Mỹ, phóng viên tờ Washington Post từ ngày 15/6/2005 đã xin gặp Thủ tướng. Và bây giờ cuộc phỏng vấn đúng hơn là một cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa Thủ tướng và cây viết thời sự bình luận quốc tế Nakashima của tờ Washington Post đã được truyền tải đi khắp thế giới sau cuộc phỏng dài 90 phút.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch mậu dịch Việt- Mỹ năm 1994 đạt trên 222 triệu USD (năm 1993 chỉ đạt 62 triệu USD). Trong các năm tiếp theo kim ngạch hai chiều liên tiếp tăng trưởng ngoạn mục, với 452 triệu USD năm 1995, 924 triệu USD năm 1996…
Sau 23 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1994), kim ngạch hai chiều đã tăng tới 187 lần. Nếu so sánh với năm 1993 – một năm trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam thì thương mại tăng tới 668 lần. Đây thực sự là con số vô cùng ấn tượng với hai nước từng là cựu thù. Dự kiến thương mại Việt Mỹ sẽ tăng lên đến 57 tỷ USD vào năm 2020.
Ông ra đi để lại nhiều di sản mang đậm dấu ấn cá nhân, chắc chắn không thể kể hết bằng một vài trang giấy. Nhưng có lẽ, điều mà ông để lại còn quan trọng và trường tồn hơn cả đó là NHÂN CÁCH.