Thông tin cho rằng Virus Corona khó lây nhiễm qua không khí do một số bác sĩ tại Việt Nam đưa ra đã phần nào trấn an dư luận trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh trên nhiều quốc gia.
Virus Corona lây truyền như thế nào?
Lật lại các bài báo phân tích về nguyên nhân lây nhiễm virus Corona, có thể nhận thấy, các phân tích gen đầu tiên về chủng virus corona Vũ Hán cho thấy loài virus này đã lây từ dơi sang người thông qua chỉ một loài vật được bán ở chợ hải sản Hoa Nam của Vũ Hán.
Trong một bài báo đăng trên Telegraph của Anh mới đây đã cho thấy, quá trình giải trình tự gen khẩn trương các mẫu bệnh phẩm từ 9 người bệnh của các nhà khoa học thuộc Học viện Y khoa Sơn Đông (Trung Quốc) cho thấy chủng virus corona mới rất giống với các chủng virus corona gây bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) giai đoạn 2002-2003 vốn có nguồn gốc từ loài dơi.
Trước đó, một số bài báo cho rằng loài dơi là vật chủ đầu tiên gây ra bệnh dịch, song theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố online trên tạp chí The Lancet ngày 29/1 thì chính một loài vật được bán tại chợ hải sải Hoa Nam ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) mới là nguyên nhân gây ra dịch bệnh mà tới sáng nay 30-1 đã làm 170 người chết và 7.344 người nhiễm.
Có tới 8 trong số 9 người bệnh thuộc nghiên cứu này đã tới chợ hải sản Hoa Nam, 1 người nghỉ tại một khách sạn gần chợ.
Và, trong một nghiên cứu độc lập với 99 người bệnh khác đã được đưa tới bệnh viện Jinyintan, 46 người trong đó đã làm việc tại chợ hải sản ở vị trí là các quản lý nhân viên bán hàng.
Các nhà khoa học cho rằng loài dơi có thể không phải nguồn gây dịch bệnh trực tiếp vì người ta không thấy ai bán loài vật này ở chợ, cũng không tìm thấy con nào ở chợ. Chưa kể vào thời điểm dịch bùng phát, hầu hết các loài dơi đều trong giai đoạn ngủ đông.
"Bất kể vai trò quan trọng của loài dơi, dường như chắc chắn là một vật chủ khác đã đóng vai trò là vật chủ lây bệnh trực tiếp từ dơi sang người. Điều này nhấn mạnh thực tế có những ổ chứa virus ẩn náu trong các loài động vật hoang dã và nguy cơ tiềm ẩn có thể lây lan thành dịch bệnh ở người", Giáo sư Guizhen Wu thuộc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nói.
Cũng theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, vì trong chợ có bán nhiều loại động vật không phải thủy hải sản, trong đó có cả động vật có vú, nên bất cứ loài vật nào cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra dịch corona Vũ Hán.[1]
Có thể bạn quan tâm
08:00, 01/02/2020
06:39, 01/02/2020
05:00, 01/02/2020
04:00, 01/02/2020
00:05, 01/02/2020
16:25, 31/01/2020
Ở một diễn biến khác, bác sĩ Vương Quảng Phát - một chuyên gia hàng đầu về SARS tại Trung Quốc cho biết bản thân đã phục hồi sau khi nhiễm virus corona.
Bác sĩ Phát (Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) phát hiện dương tính với corona vào ngày 21/1. Chỉ chưa đầy 48 giờ sau, ngày 23/1, tình trạng của ông đã ổn định, SCMP cho biết.
Bác sĩ này được phát hiện nhiễm virus corona sau khi đến thăm thành phố Vũ Hán vào 31/12/2019 để điều tra sự bùng phát của căn bệnh bí ẩn. Ngày 10/1, ông Phát cũng khẳng định với báo chí rằng các bệnh nhân đều trong tình trạng "nhẹ" đến "vừa phải" và tình hình vẫn "trong tầm kiểm soát".
Theo bài chia sẻ mới nhất của bác sĩ Phát, ông cho biết bản thân nhiễm chủng virus viêm phổi mới vì không bảo vệ mắt đầy đủ. Tình trạng sức khỏe hiện tại của vị bác sĩ này khá tốt, cơ thể hạ sốt và đang dần phục hồi tích cực.
"Tôi vẫn còn sức để đọc và trả lời tin nhắn WeChat của người thân, bạn bè và xem các thông tin trên Internet. Tôi vô cùng xúc động với những lời chúc phúc và khích lệ mà mọi người dành cho tôi", bác sĩ Phát nói.
Cần phải nói thêm, bác sĩ Vương Quảng Phát được coi là một trong những người hùng trong cuộc chiến của Trung Quốc chống lại hội chứng hô hấp cấp tính SARS năm 2003.[2]
Theo Reuters, các thông điệp mâu thuẫn đã gieo rắc sự nhầm lẫn về cách bảo vệ chống lại dịch bệnh đã cướp đi hơn 200 mạng sống ở Trung Quốc và lan sang hơn 20 quốc gia. Một số chuyên gia cho rằng việc dùng khẩu trang sai cách thậm chí có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Dù mới chỉ có 5 ca nhiễm virus corona ở Mỹ, người Mỹ đã bắt đầu mua sẵn khẩu trang, theo New York Times. Trong ngày 30/1, nhiều tiệm thuốc tại Mỹ đã hết khẩu trang. Một số gian hàng lớn trên Amazon cho biết phải nhiều tuần nữa mới giao được hàng.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết họ không khuyến khích người dân đeo khẩu trang để phòng chống virus corona.
“Virus sẽ không lây lan trong cộng đồng. Chúng tôi cũng thường không khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn không khuyến nghị mọi người nên bắt đầu đeo khẩu trang để đối phó với loại virus mới này”, bác sĩ Nancy Messonnier thuộc CDC khẳng định.
Cũng theo bà Messonnier, thay vì đeo khẩu trang, mọi người nên cảnh giác với các triệu chứng và dấu hiệu của virus Corona. “Nếu bạn có những triệu chứng như sốt và ho, vui lòng hãy gọi cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe”, Messonnier nói.
"Đừng đeo khẩu trang nếu bạn khỏe" - lời cảnh báo được đăng trên trang nhất tờ báo lớn của Singapore hôm 31/1 khi các nhà chức trách trên thế giới tìm cách làm dịu cơn sốt mua khẩu trang để phòng chống sự lây lan virus corona.
Ở nước láng giềng Malaysia, chính phủ kêu gọi người dân luôn sẵn sàng đeo khẩu trang và khử trùng tay, chính quyền ở Thái Lan và Việt Nam đưa ra lời khuyên tương tự.
Còn ở các vùng của châu Á, đeo khẩu trang là phổ biến khi mọi người bị bệnh hoặc chống ô nhiễm đô thị.
Thực tế, hướng dẫn chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh không đề cập đến việc đeo khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa virus - nhưng trang web của họ không tư vấn cụ thể.
Australia và Đài Loan cho biết những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang, nhưng Australia đã phát hành 1 triệu khẩu trang từ kho dự trữ y tế quốc gia và khẩu trang được đeo rộng rãi ở thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan, nơi chính phủ đã áp đặt giới hạn mua và cấm xuất khẩu khẩu trang.[3]
Không khí có phải là môi trường lây virus Corona?
Trước thông tin đa chiều về con đường lây nhiễm virus Corna trong đó có cả thông tin virus Corona có thể lây nhiễm qua không khí, mới đây, các bác sĩ của Việt Nam đã lên tiếng khẳng định.
Theo đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết nguy cơ lây nhiễm tăng cao khi tiếp xúc với người mắc bệnh trong vòng 2 mét trở xuống. Người nào vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với các giọt bắn bám trên các bề mặt, quần áo, tay, chân sẽ bị nhiễm.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy nCoV ủ bệnh trong khoảng 5 ngày, thời gian có thể rộng hơn từ hai đến 14 ngày. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng sốt, ho, hắt hơi.
Khả năng lây lan trong thời gian ủ bệnh của nCoV và virus nói chung thấp, do virus chưa bị cơ thể đào thải thông qua các hoạt động ho, hắt hơi.
Về khả năng lây lan, khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, virus nCoV sẽ lây nhanh và mạnh hơn so với chủng virus Corona gây bệnh SARS và MERS.
"Virus phải thông qua các giọt bắn, dịch tiết từ nguồn bệnh mới có thể xâm nhập vào cơ thể người và không tự lây truyền qua đường không khí", bác sĩ Hà khẳng định.
Vì vậy, theo bác sĩ Hà nên đeo khẩu trang để che chắn đường hô hấp và tránh hít phải các giọt bắn có nCoV. Thay khẩu trang thường xuyên và không tiếp xúc với mặt ngoài của khẩu trang.
Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo nên che miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi để ngăn chặn virus phát tán ra môi trường xung quanh. Người dân cũng cần duy trì rửa tay thường xuyên để giảm tiếp xúc với virus gây bệnh và tránh mút tay, đưa tay lên miệng, mắt.
Những người đi từ vùng dịch về nên tuân thủ việc khai báo y tế và cách ly trong 14 ngày do có thể đã mang mầm bệnh nhưng chưa khởi phát, dễ lây lan cho cộng đồng. Nếu sau 14 ngày không phát bệnh, người đó có thể hoạt động bình thường.[4]
Đồng quan điểm, BS. Lại Thanh Hà – Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng khẳng định, chủng virus Corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp không lây nhiễm qua không khí.
Theo BS. Lại Thanh Hà, nCoV là một chủng virus có kích thước lớn từ 80-150nm, vì thế virus này có cơ chế lây qua các giọt nước bọt có kích thước lớn. Khi bệnh nhân ho, hắt xì hơi,… các giọt nước bọt có thể bám vào các vật dụng như mặt bàn, tay nắm cửa,… Vì thế, nCoV không thể lây nhiễm qua đường không khí.
Để bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của nCoV, BS. Hà cho rằng rửa tay và đeo khẩu trang là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Cùng với đó, người dân nên giữ ấm cơ thể và mang theo nước ấm đầy đủ, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, không để tay chạm lên môi, mắt, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn, ăn chín, uống chín, tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, nghi bị bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Khẩu trang thông thường có 3 lớp: chống nước, chống vi khuẩn, lọc và giữ ẩm. BS. Hà lưu ý, khi đeo khẩu trang, người dân phải đeo lớp chống nước ra bên ngoài để virus không thể xâm nhập vào đường hô hấp, không để tay chạm vào mặt ngoài khẩu trang.
Khi sử dụng khẩu trang xong người dân phải thả ngay vào thùng rác. Nếu chạm vào mặt ngoài khẩu trang, tay có thể tiếp xúc với virus làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, khẩu trang chỉ nên dùng 1 lần.[5]
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính tới ngày 31/1, thế giới ghi nhận 9.807 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV). Trong đó có 213 người chết (toàn bộ đều là người Trung Quốc). Riêng Trung Quốc xác định 9.692 trường hợp nhiễm bệnh tại 30/31 tỉnh/thành phố. Ngoài quốc gia này, thế giới cũng ghi nhận 115 trường hợp nhiễm virus corona tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thái Lan (14 trường hợp), Nhật Bản (11), Hồng Kông (10), Singapore (10), Đài Loan (9), Ma Cao (7), Australia (9), Malaysia (8), Hoa Kỳ (6), Pháp (5), Việt Nam (5), Đức (4), Hàn Quốc (4), Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (4), Canada (3), Campuchia (1), Nepal (1), Sri Lanka (1), Phần Lan (1), Ấn Độ (1), Phillippines (1). |
______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] https://tuoitre.vn/phan-tich-gen-virus-corona-lay-tu-doi-sang-nguoi-thong-qua-vat-chu-bi-an-20200130074404395.htm
[2] https://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/3043248/bac-si-trung-quoc-canh-bao-virus-corona-lay-nhiem-qua-ca-duong-mat
[3] https://news.zing.vn/mau-thuan-thong-tin-viec-deo-khau-trang-doi-pho-virus-corona-post1041476.html
[4] https://vnexpress.net/dich-viem-phoi-corona/virus-ncov-khong-tu-lay-truyen-qua-khong-khi-4048548.html
[5] https://viettimes.vn/chung-virus-corona-moi-co-lay-nhiem-qua-khong-khi-khong-379263.html