“Visa” cho nông sản Việt

Cẩm Anh 23/06/2019 03:36

Lâm San là hợp tác xã (HTX) đầu tiên ở Việt Nam có sản phẩm hạt tiêu được Tổ chức Chứng nhận quốc tế ở Đức công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Đây cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước xuất khẩu được hạt tiêu vào các nước châu Âu.

Bằng việc đảm bảo đầy đủ yêu cầu của đối tác châu Âu như không sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu hoá học, tiêu của Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ từ Tổ chức Chứng nhận quốc tế CERES-Cert (Đức).

br class=

Tiêu của HTX Tiêu Lâm San đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của đối tác châu Âu.

Từ hạt giống đầu tiên

Được biết, đây là hợp tác xã đầu tiên ứng dụng chuẩn hữu cơ từ Liên minh châu Âu từ rất sớm. Theo quy định 834/2007 về sản xuất hữu cơ, chuẩn hữu cơ theo cách nhìn nhận của các nước châu Âu là sản phẩm nông nghiệp không sử dụng hóa chất độc hại, họ cho phép sử dụng phân, thuốc hóa học nhưng với liều lượng thích hợp, vào từng thời điểm nhất định.

Ngoài ra, sản phẩm phải được canh tác trong điều kiện phù hợp với môi trường sinh thái, không phá hoại tự nhiên, tác động xấu đến môi trường. Quy định này còn bao gồm cả việc kiểm soát và dán logo hữu cơ của tiêu chuẩn EU.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, cho thấy sự thay đổi lớn trong tư duy của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do được ký từ cấp song phương đến châu lục, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã tạo ra những cơ hội và cả thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Viêt khi nhiều rào cản kỹ thuật đang được các quốc gia sử dụng triệt để.

Mặc dù vậy, các trường hợp giống như hợp tác xã Lâm San vẫn còn tương đối nhỏ lẻ. Chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản Ino Mayu đã đưa ra số liệu rất đáng lo ngại: chỉ có 5 -10% số nông dân quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch, cũng chỉ có 5% trong số đó tuân thủ quy tắc và thành công.

Lí giải về điều này, bà Ino Mayu cho biết, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn trồng đại trà, chưa theo quy hoạch, không tìm hiểu thị trường tiêu thụ, cũng không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa hay các thông số tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, trong khi yêu cầu về chất lượng và tính an toàn sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ khó doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

    07:21, 19/06/2019

  • Cơ hội mới của nông sản Việt

    05:00, 27/05/2019

  • Nông sản vẫn “nông cạn” với tiêu chuẩn quốc tế

    05:00, 25/05/2019

  • Xuất khẩu nông sản Việt (Kỳ II): Tháo gỡ "nút thắt" về tính liên kết

    01:36, 23/05/2019

  • Xuất khẩu nông sản Việt (Kỳ I): Vì sao tiếp diễn tình trạng bị trả về?

    00:01, 22/05/2019

Ươm mầm hạt giống mới

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc CTCP sản xuất Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm hoa hồi và quế sang thị trường EU, nhưng để làm được điều này, Vinasamex đã phải bỏ ra khoản chi phí gần 4 tỷ đồng để xin chứng nhận hữu cơ quốc tế Organic do Việt Nam chưa có đơn vị nào chứng nhận.

Bên cạnh đó, bà cho rằng, việc thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn, chi phí bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài quá cao nên doanh nghiệp nhỏ muốn thực hiện cũng sẽ khó gánh nổi. Do đó, mặc dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trên thế giới là rất lớn, nhưng chính doanh nghiệp Việt lại khó nắm bắt.

Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt kiến nghị, cần đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về mức giới hạn của các đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà nông nghiệp hữu cơ phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như động thực vật, môi trường.

Cuối năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi tham khảo các tổ chức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ của Mỹ, EU đã công bố 4 tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ nhưng Bộ NN&PTNT chưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đăng ký chứng nhận tại thị trường nội địa.
“Quy chuẩn là yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứ không phải tự nguyện tham gia như Tiêu chuẩn quốc gia” – ông Nam nhấn mạnh.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ việc sản xuất xoài hữu cơ do người Aeta bản địa thuộc miền Bắc Philippines. Cho đến nay, các sản phẩm xoài đều được niêm phong trong túi vô trùng và xuất khẩu sang châu Âu thành các sản phẩm hữu cơ để bán cho các cửa hàng trên khắp Đức, Áo và Thụy Sĩ qua sự trợ giúp của Tổ chức thương mại công bằng Freda.

Để có được điều này, người Aeta đã luôn duy trì quan điểm theo dõi khí hậu kịp thời để điều tiết sự phát triển của cây trồng. Họ biết và cảm nhận được tác động của sự nóng lên toàn cầu để có sự điều chỉnh thích hợp trong chế độ chăm sóc hợp lý mà không cần sử dụng bất kỳ hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu hóa học nào.

Có thể thấy, trong giai đoạn mới, các doanh nghiệp Việt đã và đang dần chuyển đổi sang các hình thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch… Tuy nhiên, thay đổi từ ý thức đến hành động, phải tiếp tục có những bước đi, lộ trình phù hợp; trong đó rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Visa” cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO