Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) vừa gửi văn bản đến các cơ quan chức năng của TP.HCM đề xuất xin tạm ngưng sản xuất 3-4 tuần để đưa F0 đi cách ly tập trung.
Theo lãnh đạo Vissan, sau khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" từ 28/6 và liên tục xét nghiệm cho nhân viên, đến ngày 17/7, công ty phát hiện có 4 ca F0 và đã đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 20/7, có thêm 20 ca nhưng các ca này đều cách ly tại công ty. Từ ngày phát hiện ca nhiễm đến nay, có nhiều ca F1 đã thành F0 và F2 chuyển lên F1. Đến ngày 23/7, công ty đã có 43 ca nhiễm COVID-19.
“Là doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng cho hệ thống siêu thị, kênh truyền thống và 600 điểm bán trên địa bàn TP.HCM, số lượng nhân viên của Vissan lớn, lên tới 1.500 người. Do đó, khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” dù đã rất cố gắng nhưng khó đạt yêu cầu. Với 43 ca F0, công ty đã truy vết và phát hiện 357 F1 và 351 F2. Với tình hình này, công ty gần như tê liệt hoàn toàn", lãnh đạo Vissan cho biết.
Do đó, trong tình hình doanh nghiệp đang có nhiều ca nhiễm COVID-19, lãnh đạo Vissan đưa ra 2 phương án và đang mong chờ có sự hướng dẫn từ các cơ quan chức năng của TP.HCM. Cụ thể:
Phương án thứ nhất, đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định. Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc và sau đó kết quả kết quả âm tính công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào các khu vực riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất. Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ ba ngày một lần. Tiếp tục bóc tách phân lập những nhân sự có kết quả âm tính tập trung lại với nhau thành các khu riêng biệt độc lập để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Công ty đang cố gắng khắc phục tối đa những khó khăn trong đảm bảo việc thực hiện giảm các khu nhà vệ sinh, tắm giặt dùng chung trong công tác phòng, chống dịch với phương án trên. Nếu thuận lợi, công ty sẽ tiếp tục duy trì sản xuất dù có thể giảm sản lượng do thiếu hụt một số nhân sự. Phương án này cần có sự thống nhất của toàn bộ người lao động cũng ở lại công ty tiếp tục thực hiện phương châm “3 tại chỗ” và được hỗ trợ từ trung tâm Y tế Bình Thạnh trong việc xét nghiệm sàng lọc khi họ ở lại công ty.
Phương án thứ hai, gửi các ca thuộc đối tượng F1 về địa phương khi kết quả xét nghiệm âm tính và tiến hành cách ly F2 không được sản xuất theo quy định. Do đó công ty đề nghị được dừng sản xuất cho đến khi số lượng F1 và F2 hết thời hạn cách ly được quay trở lại làm việc. Nếu thực hiện phương án này công ty có khả năng ngừng hoạt động 3 - 4 tuần.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, hiện Vissan đã giảm hoạt động ở khâu pha lóc và khâu bốc xếp cũng đang gặp khó. Đơn vị này đã thông báo đến khách hàng là ngưng cung cấp mặt hàng thịt heo đóng vỉ, theo đó hiện chủ yếu cung cấp thịt heo mảnh (đã mổ).
Để đảm bảo nguồn cung cho Thành phố trong trường hợp Vissan hoặc các cơ sở giết mổ khác gặp khó, Sở đã làm việc với các đơn vị liên quan và có các phương án.
Nếu trường hợp Vissan tạm ngưng sẽ xem xét các phương án đẩy nhanh phòng chống dịch để đưa Vissan trở lại hoạt động giết mổ trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh; tăng lượng giết mổ từ các cơ sở khác tại TP.HCM để bù đắp vào lượng thiếu hụt; nhờ các tỉnh, thành tăng cường giết mổ heo đưa về TP.HCM. Ngoài ra, lượng thịt heo đông lạnh hiện còn dồi dào tại nhiều đơn vị, có thể bù đắp vào nguồn cung.
"Thực tế, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của TP.HCM từ trên dưới 10.000 con lúc bình thường hiện xuống còn 6.000-7.000 con/ngày. Do đó, với các phương án đưa ra được triển khai thuận lợi, việc thiếu hụt thịt heo từ nhà máy Vissan không đáng lo ngại", đại diện Sở Công thương TP.HCM nhận định.
Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, Vissan có lượng giết mổ chiếm 9,47% của TP.HCM, tương đương khoảng 1.000 con/ngày. Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch, sức tiêu thụ giảm nên lượng heo giết mổ của Vissan chỉ còn 600-700 con một ngày. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 này, Vissan đã tăng công suất giết mổ lên 1.000 - 1.500 con heo một ngày, chiếm 26,55 - 28,6% lượng tiêu thụ ở TP.HCM.
Hiện tại, ngoài 42 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan, công ty này cung cấp thịt heo tươi sống cho hàng ngàn điểm bán thuộc hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Satra Mart, Satra Foods, Aeon Citimart, Aeon, Vinmart, Vinmart+, MM Mega Market... Do đó, các hệ thống bán lẻ này đang nhanh chóng tăng cường nguồn cung từ các nhà cung cấp khác như Anh Hoàng Thy, C.P, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri food) và các nguồn liên kết khác để bù đắp lượng thiếu hụt.
Có thể bạn quan tâm