VLA: Kiến tạo phát triển “xương sống” nền kinh tế

Diendandoanhnghiep.vn Chúng ta cần có Chiến lược quốc gia phát triển ngành dịch vụ logistics. Đây là quan điểm của ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).

Bởi theo Chủ tịch VLA, định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics hiện mới chỉ được đề cập trong một số kế hoạch hành động, do đó, cần Chiến lược tổng thể hơn với những mục tiêu cụ thể và nguồn lực cho phát triển.

- Có vai trò như “xương sống” chuỗi cung ứng và là “bánh xe” của “cỗ xe” nền kinh tế, ngành logistics Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới, thưa ông?

Là Hiệp hội quốc gia của lĩnh vực dịch vụ được xem là “mũi nhọn”, thời gian qua VLA đã nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam cải thiện và nâng cao uy tín, vị thế của ngành dịch vụ logistics Việt nam trên trường thế giới.

Theo đó, Chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam được Ngân hàng thế giới xếp thứ 39/160 nước vào năm 2018, tăng 25 bậc so với 2016, thứ 3 trong các nước ASEAN và đứng đầu trong các thị trường mới nổi.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện chưa có thêm những xếp loại từ WB nhưng ngành dịch vụ logistics vẫn tăng trưởng bất chấp đại dịch. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng của ngành trước đại dịch COVID-19 đạt mức cao những năm gần đây khoảng từ 12%-14%/năm, tỷ lệ thuê ngoài khoảng 60%-70%, chi phí logistics tương đương GDP khoảng 16,8%, đóng góp vào GDP khoảng 4%-5%.

Có thể nói, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, nhất là trong thời gian chống đại dịch và công tác khôi phuc và phát triển kinh tế hiện nay.

- Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cho biết gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những “nút thắt” về pháp lý, về thể chế trong quá trình phát triển, thưa ông?

Luôn có những rào cản thể chế đối với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động bởi chính sách luôn đi sau thực tiễn, với doanh nghiệp logistics cũng vậy. Do đó, thời gian qua, bên cạnh những đóng góp xây dựng thể chế vĩ mô, đề xuất nội dung phát triển ngành dịch vụ logistics vào dự thảo văn bản Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Luật Hàng hải Việt Nam 2015; Nghị định số 144/2018 “Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức”;… VLA còn tích cực hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong những trường hợp cụ thể như vụ yêu cầu bồi thường với sự cố mắc cạn của tàu "Ever Given" tại kênh Suez…

Đặc biệt, VLA đã phản biện chính sách, kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kiến nghị giảm giá điện lạnh cao hơn giá điện sản xuất từ 25%-30% nhằm giảm chi phí logistics; Đề nghị Hải Phòng giảm chi phí kết cấu hạ tầng đường biển cho xà lan vận tải container bằng đường thủy nội địa; Đề nghị hủy bỏ thu phí và làm thu tục hai lần cho vận tải container đường thủy Việt Nam-Campuchia… Cùng với đó, Hiệp hội còn phối hợp vói các Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Đại lý, môi giới hàng hải Việt Nam để có tiếng nói chung với các cơ quan Nhà nước về việc hỗ trợ giảm chí phí. VLA cùng các hiệp hội khác ký chung Yêu cầu gửi Đại diện Thương mại Mỹ, tháng 12/2020 về phản đối Mỹ áp dụng Điều tra Việt Nam phá giá tiền tệ theo Section 301. Đến nay, Mỹ đã không còn yêu cầu này nữa.

- Trong bối cảnh hội nhập đầy thách thức, Hiệp hội sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt, thưa ông?

Thời gian tới, Hiệp hội sẽ đồng hàng cùng các các doanh nghiệp thông qua các hoạt động phát triển mang tính đột phá. Cụ thể, thứ nhất, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics, giúp doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt, thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, block chain, in 3D, internet kết nối vạn vật, big data, blockchain… vào ngành dịch vụ logistics giúp cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng và logistics thông qua giảm chi phí, nâng cao chất lượng.

Thứ hai, tiếp tục đóng góp xây dựng chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thương mại xuyên biên giới. Đặc biệt, phản biện chính sách phục vụ thuận lợi hoá thương mại – kiểm tra chuyên ngành, đồng bộ hoá chính sách, đồng bộ kết nối các hạ tầng hiệu quả và hướng đến mục tiêu cắt giảm chi phí logistics...

Thứ ba, hỗ trợ các địa phương, các vùng trọng điểm hình thành các Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics địa phương giúp kết nối doanh nghiệp, đồng thời phát huy tính năng động trong công tác phản biện, tham mưu tư vấn chính sách tại địa phương một cách chủ động và sát thực tế.

Thứ tư, chia sẻ và định hướng với các doanh nghiệp về mô hình đào tạo nghề dựa trên kỹ năng, dựa trên năng lực Chuẩn hoá các vị trí nghề trong ngành dịch vụ logistics (OS) – xác định hệ thống kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho từng vị trí nghề (OSS) đáp ứng thực tiễn và hướng tới sự minh bạch trong phát triển.

Thứ năm, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, chia sẻ thông tin với hội viên chủ động đổi mới sáng tạo và tái cấu trúc doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu tương lai của khách hàng và với tiêu chuẩn quốc tế. VLA sẽ chú ý tăng cường công tác kết nối, xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics phát triển đa ngành giúp tạo chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọn gói. Đặc biệt trong đó tập trung phát triển hệ thống logistics gắn với thương mại điện tử.

Thứ sáu, phối hợp với các viện trường, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt nhu cầu của chuyển đổi số trong ngành.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Ngọc Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tân Cảng CYPRESS:
Gỡ vướng chính sách cho tuyến đường thủy Việt Nam-Campuchia

Tuyến vận tải thuỷ Việt Nam – Campuchia hiện là luồng vận chuyển hấp dẫn đối với hàng hóa từ cảng biển phía Nam đến Phnôm Pênh, với đà tăng trưởng 19 - 20%. Đặc biệt, đây là tuyến vận tải thủy duy nhất tham gia vận tải hàng hóa xuất khẩu, có cửa khẩu đường thủy duy nhất của đất nước và là thị phần gần như “độc quyền” của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều đáng nói, thủ tục rườm rà phức tạp, chi phí phát sinh cao, đặc biệt là vấn đề phương tiện thủy vận tải Việt Nam - Campuchia phải làm thủ tục hai lần, thu phí hai lần, khiến thêm phát sinh nhiều rào cản cho doanh nghiệp. Bên cạnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp chúng tôi phải hoạt động cầm chừng thì việc các doanh nghiệp bị thu phí hai lần làm phát sinh chi phí kép cho doanh nghiệp. Đồng nghĩa với giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp logistics, giảm sự hấp dẫn, gây nguy cơ luồng vận tải lớn này bị dịch chuyển sang nước khác như chuyển tải tại Sigapore đi Shihanoukvile/ Campuchia thay vì tại Việt Nam đi Phnôm Pênh như hiện nay.

Sau khi được sự hỗ trợ của VLA, đề nghị hủy bỏ thu phí và làm thu tục hai lần cho vận tải container đường thủy Việt Nam-Campuchia đã được chấp thuận giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội cạnh tranh hơn và khai thác tuyến Việt nam – Campuchia phát triển tốt hơn.

Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp mong VLA tiếp tục phát huy vai trò phản biện chính sách, đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có môi trường phát triển bình đẳng.

Bà Nguyễn Thị Tú Uyên, Chủ Tịch HĐQT Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics:
Cần có cơ chế ưu tiên về thời gian vận chuyển hàng nông sản

Từ khi trở thành Hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Công ty CMU Logistics nói riêng và các doanh nghiệp Logistics nói chung luôn nhận được những giá trị và lợi ích to lớn. Điển hình, thông qua vai trò cầu nối của Hiệp hội, các Hội viên chúng tôi được liên kết với nhau, từ đó cùng phát triển và sử dụng các thế mạnh của nhau, kết nối thành một mạng lưới. Bên cạnh việc tư vấn pháp luật cho các Hội viên, phản biện chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành liên quan, VLA còn xây dựng, triển khai nhiều chương trình đào tạo bổ trợ, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho các Hội viên. Đặc biệt, các Hội viên của VLA còn có thể sử dụng vận đơn của FIATA vào Mỹ với chi phí thấp hơn các doanh nghiệp không phải là Hội viên.

Là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ Logistics cho hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, EU, Canada..., CMU Logistics nhận thấy rằng cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam còn yếu kém, chi phí đường bộ cao, tình trạng ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên, quy định về giờ cấm, hàng hóa phải bốc xếp nhiều lần… khiến cho doanh nghiệp bị đội chi phí rất lớn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn VLA đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có cơ chế ưu tiên về thời gian vận chuyển hàng nông sản trên các tuyến đường nối vào trung tâm Logistics trong các thành phố hoặc đến sân bay, cảng biển.

Bà Chu Thị Kiều Liên, Trưởng chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH T&M Forwarding:
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế

Là một trong những công ty giao nhận quốc tế đầu tiên của Việt Nam, ngay từ những năm đầu tiên đi vào hoạt động Công ty TNHH T&M Forwarding đã đăng ký trở thành Hội viên của VLA bởi chúng tôi nhận thấy vai trò rất quan trọng của Hiệp hội.

Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã được Hiệp hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, được tham gia vào việc phản biện, xây dựng các văn bản phạm quy pháp luật của Nhà nước liên quan đến ngành Logistics.

Song song với việc được cung cấp những thông tin phục vụ cho việc tổ chức, hoạt động xây dựng và phát triển lĩnh vực giao nhận kho vận, logistics của Việt Nam, chúng tôi cũng được chia sẻ thông tin từ các tổ chức, đơn vị mà VLA là thành viên hoặc liên kết như FIATA/IATA/UNESCAP/AFFA/GMS… qua đó giúp doanh nghiệp tăng cường hội nhập với khu vực và quốc tế. Với việc ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, VLA mang tới cho các Hội viên cơ hội tham dự nhiều sự kiện mang tầm quốc tế.

Chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, VLA tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và gặt hái được nhiều thành công mới. Hy vọng VLA có thể thúc đẩy kết nối giữa Hội viên VLA với Hội viên của các Hiệp hội ngành nghề khác, tiếp tục cập nhật xu hướng mới của ngành Logistics để các Hội viên học tập, xây dựng chiến lược trong tương lai. Từ đó, ngành Logistics Việt sẽ từng bước phát triển và nâng cao năng lực canh tranh để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ trong nước, cạnh tranh sòng phẳng với quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I:
Kết nối doanh nghiệp ra quốc tế

Là doanh nghiệp về mảng kho vận và vận tải, thông qua VLA, doanh nghiệp có cơ hội để giao lưu, kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà quốc tế. Là thành viên của VLA là lợi thế với doanh nghiệp khi tham gia các tổ chức quốc tế như FIATA, WCA… Trước đó, chúng tôi từng có doanh nghiệp thuộc công ty con tham gia vào tổ chức này nhưng do không là thành viên VLA nên bị gặp khó khăn.
Đặc biệt, mẫu vận đơn vận tải đa phương thức (FIATA Multimodal Transport Bill of Lading) của FIATA hiện được uỷ quyền cho VLA quản lý, do đó, khi doanh nghiệp là hội viên của VLA thì doanh nghiệp có được mẫu vận đơn này để sử dụng cho vận chuyển hàng hoá đường biển, đáp ứng yêu cầu của các phòng thương mại quốc tế theo tiêu chuẩn ICT 600.

Với liên kết hợp tác cũng vậy, nếu doanh nghiệp “tự bơi” chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thông qua VLA chúng tôi có cơ hội tham gia nhiều chương trình, hội nghị giao thương quốc tế.

Cùng với đó, được tham gia phản biện chính sách, doanh nghiệp thông qua hiệp hội có thể có tiếng nói hỗ trợ doanh nghiệp kiến nghị chính sách như thuế giá trị gia tăng với hàng hoá kho ngoại quan, thuế nhà thầu,… của U&I kiến nghị đã thông qua tiếng nói của Hiệp hội mà đưa tới các cơ quan xây dựng chính sách, nhờ đó, đã giảm bớt nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng được tiếp cận về cải tiện năng suất lao động, cải thiện phương thức vânj hành kho vận, đào tạo nhân lực… tham gia huấn luyện và đào tạo nghề, chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp hội viên.

* Đại hội Nhiệm kỳ VIII (2021-2024) Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam với chủ đề Chuyển đổi số - Sáng tạo – Đổi mới sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 21/5.

* Với 483 hội viên bao gồm những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu của Việt Nam cũng như doanh nghiệp logistics nước ngoài, VLA ngày càng thể hiện vai trò quan trọng là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết VLA: Kiến tạo phát triển “xương sống” nền kinh tế tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713431054 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713431054 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10