Chứng khoán

VN-Index vượt 1.300 điểm, "sóng" tăng có thể kéo tới đâu?

An Định 25/02/2025 04:46

Chốt phiên giao dịch 24/2, VN-Index tăng gần 8 điểm và vượt mốc 1.300 điểm thành công. Trong ngắn hạn, "sóng" tăng này sẽ kéo tới đâu?

Cụ thể, khép lại phiên giao dịch ngày 24/2, cả 2 chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều thể hiện tín hiệu tích cực, đồng loạt tăng điểm trong nửa cuối phiên chiều. VN-Index ghi dấu ấn khi tăng 7,8 điểm, đạt mức 1.304,56 điểm, chính thức vượt ngưỡng 1.300 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 13/6/2024.

VN-Index năm 2025 được kỳ vọng tăng vượt đỉnh năm 2024 và thực tế đã có đợt sóng tăng qua ngưỡng 1.300 cuối tháng 2. Ảnh minh họa
VN-Index năm 2025 được kỳ vọng tăng vượt đỉnh năm 2024 và thực tế đã có đợt sóng tăng qua ngưỡng 1.300 cuối tháng 2. Ảnh minh họa

Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể với tâm điểm thị trường thuộc về nhóm "Bank - Chứng - Thép"; trong đó Bank - Ngân hàng có HDB tăng 1,7%, STB tăng 1,4%, VIB tăng gần 1%, SHB tăng 1,36%, CTG tăng 0,96%...; Chứng khoán có sự đóng góp kéo tăng mức giá trần của BSI, FTS tăng 6,6%, APG tăng 4,4%, BVS tăng 3,9%, MBS tăng 2,8%, HCM tăng 2,34%, SSI tăng 1,97%...; Nhóm Thép có sự "quật khởi" vững vàng của HPG, HSG, NKG... bởi hiệu ứng công bố áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc + chính sách thuế ngang hàng 25% cho tôn, thép vào Mỹ từ mọi quốc gia.

Tuy nhiên, "điểm trừ" của phiên giao dịch vẫn là khối ngoại xả ròng hơn 400 tỷ đồng, bán mạnh tại FPT (-250 tỷ), HPG (-153 tỷ), FRT (-71 tỷ), CTG (-54 tỷ), CII (-52 tỷ) và mua vào SHB, HBB, GEX, trong đó mua mạnh nhất VNM (xấp xỉ 200 tỷ) cùng MWG.

Chia sẻ về xu hướng vượt sóng 1.300, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, theo ông, sóng tăng đợt này sẽ không dừng lại ở 1.300 điểm.

"Theo mô hình của tôi, VN-Index có thể lên được 1.310 đến 1.315 điểm trước khi có điều chỉnh tương đối lớn. Tôi nghĩ những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu không cần quá lo ngại.

Phiên thứ 6 tuần trước (21/2), chứng khoán Mỹ đã giảm rất mạnh, chứng khoán châu Á phiên 24/2 cũng giảm tương đối. Việc chứng khoán Việt Nam neo giữ được vùng 1.300 điểm một mặt nhờ HPG, mặt khác cũng cho thấy nhà đầu tư khá tích cực trước xu hướng của thị trường từ nay đến hết quý I", ông Đức cho biết.

Nhận định về yếu tố bán ròng của khối ngoại, ông Nguyễn Việt Đức cho hay việc khối ngoại bán ròng năm nay sẽ không xấu như năm 2024 bởi một số lý do:

Đầu tiên, trên thế giới, đồng USD đã giảm, kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhưng định giá chứng khoán lại đang rất cao. Nhiều nhà đầu tư, chẳng hạn như huyền thoại Steve Cohen cũng đã chuyển sang đầu tư tại Trung Quốc.

Khi Trung Quốc hồi phục lại, dòng tiền cũng có cơ hội đến các nước khác ở châu Á. Hiện nay, một số nước ở châu Á đã hút lại tiền nhà đầu tư lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia. Vì là thị trường cận biên nên Việt Nam sẽ chậm chân hơn trong việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế.

"Tôi cho rằng nhà đầu tư ngoại sẽ chờ xem liệu thuế quan toàn cầu mà ông Donald Trump sẽ công bố vào tháng 4 là bao nhiêu % và từ đó đưa ra quyết định đầu tư", ông nói.

Nguyễn Việt Đức VPBankS 01
Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Vị chuyên gia cũng chia sẻ chiến lược đầu tư "thay vì đuổi theo hình bóng" theo sự thay đổi của các loại tài sản có biến động "lúc này lúc kia", nhà đầu tư nên phân bổ lại tài sản dựa trên một số kênh nhất định.

Theo đó, ông cho rằng ở Việt Nam, nhà đầu tư vẫn nên theo chiến lược 60/40 và phải thêm vàng vào danh mục để đa dạng hóa, chống lại lạm phát. Nhà đầu tư cũng nên chia ra 10% để đầu tư vào vàng. 30% cho lãi suất cố định, 30% cho cổ phiếu đầu cơ, 30% cho cổ phiếu dài hạn.

"Vàng cũng có những năm giảm rất sâu, khi tâm lý đầu cơ lên cao, chẳng hạn như 2010 – 2011. Còn những năm khác, vàng chỉ giảm rất ít. Ngoài ra, khi vàng giảm, cổ phiếu cũng sẽ tăng lên và bù đắp lại.

Với kênh đầu tư lãi suất cố định (30% danh mục), nhà đầu tư có thể lựa chọn bất động sản (trong trường hợp có vốn lớn, khoảng 1 triệu USD). Nếu vốn nhỏ, nhà đầu tư có thể lựa chọn kênh trái phiếu.

Với cổ phiếu, nhà đầu tư nên chia 30% tài sản vào danh mục dài hạn và không bán ra cho đến khi các yếu tố cơ bản yếu đi trong hai quý liên tiếp. Còn nếu không tìm ra cổ phiếu dài hạn tốt, nhà đầu tư có thể sử dụng danh mục ePortfolio của VPBankS đã thiết kế sẵn. Ưu điểm của ePortfolio là các chuyên gia sẽ tự tái cơ cấu cho nhà đầu tư", ông Đức khuyến nghị.

Ông cũng lưu ý về "nghệ thuật" mua bán theo "sóng", nhà đầu tư vẫn phải dành ra 30% danh mục để đầu tư cổ phiếu ngắn hạn, chỉ quan tâm từng "cơn sóng" kéo dài 1 – 2 tháng. Ví dụ hiện nay, khi thị trường lên 1.300 điểm thì nhà đầu tư bán ra, đến khi tụt xuống 1.268 – 1.270 lại mua vào, nếu sai thì cắt lỗ ngay. Với một số người, phần 30% danh mục này có thể sử dụng đòn bẩy gấp đôi.

"Hiện nay, tôi đang có một căn nhà (chiếm 30% tài sản). Trái phiếu và vàng (10%), trong đó vàng chiếm tỷ trọng ít hơn. 60% đầu tư cổ phiếu, trong đó một nửa đầu tư dài hạn và một nửa ngắn hạn. Có nhiều nhà đầu tư than phiền rằng thị trường tăng nhưng vẫn bị âm. Với phương pháp phân bổ này, tôi có thể tăng tương tự với thị trường.

Cụ thể hơn, về danh mục dài hạn, tôi chỉ theo dõi và đảo danh mục 1 tháng hoặc 1 quý/lần. Tuy nhiên, khi danh mục giảm 15% mà thị trường giảm ít hơn, tôi sẽ theo dõi rất kỹ và xem xét có nên cắt lỗ một nửa danh mục hay không. Cũng có nhiều trường hợp tôi đã cắt lỗ sai, do vậy khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên cắt lỗ tối đa một nửa danh mục cổ phiếu dài hạn.

Còn với đầu tư cổ phiếu ngắn hạn, tôi sẽ bán và mua theo các ngưỡng đã đặt ra và chỉ quan tâm đến sóng tăng theo nhịp từ 1 – 2 tháng", ông Nguyễn Việt Đức "bật mí" chiến lược phân bổ của danh mục cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VN-Index vượt 1.300 điểm, "sóng" tăng có thể kéo tới đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO