Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Tại con người hay cơ chế?

SÔNG HÀN 27/08/2022 05:00

Các Bệnh viện tư vẫn “sống được” trong 2 năm qua, vậy lý do gì mà 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K lại đề nghị dừng thực hiện tự chủ toàn diện?

>>Tự chủ bệnh viện không dễ

Cơ chế tự chủ được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí thấp là nguyên nhân khó bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế.

f

BV Bạch Mai đề nghị dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ để chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60.

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế gồm: BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV K và BV Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 BV thực hiện thí điểm là BV K và BV Bạch Mai.

Mới đây, BV Bạch Mai đã có đề nghị dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ để chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60 (chỉ tự chủ chi thường xuyên để phù hợp với điều kiện thực tế của bệnh viện). Tương tự, BV K cũng xin được áp dụng như BV Bạch Mai.

Cụ thể, tại buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất dừng thí điểm tự chủ vì văn bản pháp lí chưa rõ ràng, chưa chắc chắn do vậy dễ dẫn đến sai lầm, sai sót trong quá trình thực hiện.

“Trường hợp tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vậy những chi phí này sẽ do Bệnh viện K, bệnh viện tuyến dưới hay Nhà nước chi trả?”, GS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc BV K đặt câu hỏi.

Thông tin về việc các BV đầu ngành nói trên xin dừng triển khai thí điểm mô hình tự chủ toàn diện đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia.  Một số lãnh đạo BV khác cũng cho rằng các quy định về giá, đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất; áp lực cạnh tranh với các cơ sở y tế tư nhân trong việc thu hút bệnh nhân, thu hút nhân lực… đang là khó khăn mà cơ sở gặp phải khi thực hiện tự chủ.

Vấn đề chi đầu tư, tài chính cũng “bất cập chồng bất cập”. Cốt yếu nhất hiện là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ nhưng quy định này đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành. Tức là, khó khăn lớn nhất mà các BV tự chủ toàn diện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. 

Tuy nhiên, những khó khăn nói trên là phân tích khách quan hay mới chỉ là nhận định từ lãnh đạo BV? Chuyên gia phân tích chính sách y tế - TS Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng) nói: “Không thể quy cho cơ chế trói buộc mà cần xem lại việc thực hiện. BV đã xây dựng Đề án tự chủ như thế nào? Đã phối hợp với Bộ Y tế tính khung giá dịch vụ y tế như thế nào? 7.000 bệnh nhân khám mỗi ngày mà vẫn thu không đủ chi là điều hết sức vô lý, cần xem lại cách thực hiện”.

>>“Cởi trói” tự chủ bệnh viện

>>Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Quản giá là tiên quyết

>>Thí điểm tự chủ hoàn toàn bệnh viện Bạch Mai và nỗi lo lạm thu viện phí?

Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật bằng hệ thống hiện đại nhất hiện nay

Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật bằng hệ thống hiện đại nhất hiện nay. Ảnh: BVCC

Có thể nói, Nghị quyết 33/2019/NQ-CP rõ ràng là “phép thử” trao toàn quyền cho ngành y tế, thực hiện giấc mơ vận hành loại hình “BV công”, quản lý “hiệu quả như tư”. Vấn đề ở chỗ: Các BV tư vẫn “sống được” trong 2 năm qua, chấp nhận chung cơ chế cả khám chữa bệnh bảo hiểm và giá dịch vụ tự xây dựng, vậy lý do gì mà 2 BV Bạch Mai và BV K lại đề nghị dừng thực hiện tự chủ toàn diện? Vì sao BV Chợ Rẫy và Việt Đức chưa dám thực hiện cơ chế này?-TS. Trần Tuấn nêu vấn đề.

Điều này cũng có nghĩa, chúng ta cũng cần xem xét mọi khía cạnh của vấn đề. Ngoài yếu tố khách quan như dịch COVID-19 khiến các BV ảnh hưởng nguồn thu. Còn nguyên nhân chủ quan vẫn là cách triển khai cơ chế tự chủ của các BV đã làm hết sức hay chưa? Nói vậy vì BV Bạch Mai được ví như một “siêu” BV mà còn xin dừng tự chủ thì không có một BV nào thực hiện được.

Mặt khác, theo một con số thống kê, hiện nay thiết bị y tế cả nước thiếu 73%, vật tư y tế thiếu 75%. Như vậy, toàn tuyến y tế từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thiếu tới 73 - 75% thiết bị, vật tư y tế. Đây là con số đáng báo động! Ngay cả các BV tự chủ chi thường xuyên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến các BV công tự chủ toàn diện.

Theo đó, cần phải nhìn nhận lại vấn đề tự chủ BV một cách thấu đáo hơn. PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Tự chủ mới có thể thể hiện được năng lực, sự sáng tạo nhưng có lẽ giờ đây chúng ta cần phải nhìn nhận lại câu chuyện tự chủ một cách thấu đáo hơn”.

Một số chuyên gia y tế cho biết, chỉ cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì các loại hình bệnh viện sẽ vận hành trơn tru. Vì thế, từ sự thất bại trong việc thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện lại càng khẳng định là cần mô hình y tế ngoài công lập phi lợi nhuận?

“Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ và phải tăng đầu tư từ ngân sách. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến mà giá lại như nước nghèo nhất. Ngay cả vấn đề tự chủ y tế cũng vậy, cần phải có cơ chế. Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đã đến lúc phải đánh giá độc lập khoa học về triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP trong 2 năm qua để xác định rõ lại mô hình BV “công ra công, tư ra tư”. Nếu thực hiện tự chủ một cách nửa vời thì tất cả chi phí dồn lên vai người bệnh, trong đó đa số có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, y tế đã không làm tròn sứ mệnh phục vụ nhân dân, vì người nghèo!

Có thể bạn quan tâm

  • Tự chủ bệnh viện không dễ

    15:00, 12/05/2021

  • “Cởi trói” tự chủ bệnh viện

    16:00, 26/02/2021

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Quản giá là tiên quyết

    15:15, 02/10/2020

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Khoảng trống pháp lý

    21:00, 01/10/2020

  • Tự chủ bệnh viện và lỗ hổng xã hội hóa dịch vụ công: Hủy hoại kinh tế thị trường?

    06:24, 30/09/2020

  • Tự chủ bệnh viện tác động ra sao tới người bệnh?

    01:23, 01/09/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vỡ mô hình bệnh viện tự chủ: Tại con người hay cơ chế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO