“Voi chui lọt lỗ kim” và chuyện quản lý di sản ông cha

Hoàng Giang 11/03/2018 05:31

Một cây cầu dài 1.115m có tổng cộng 2.324 bậc thang vắt qua những ngọn núi trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) vừa mới bị phát hiện. Công trình đồ sộ này tự nhiên mọc lên trơ gan cùng tuế nguyệt?

Dù đã bị lập nhiều biên bản, suốt mấy tháng nay, cầu vẫn tồn tại thách thức pháp luật. Ảnh: Hải Minh/TN.

Nói tự nhiên mọc lên là bởi các cơ quan ban ngành ở Ninh Bình tỏ ra không biết gì!? Mà nói như ông Nguyễn Văn Son, tác giả công trình, mong các cấp chính quyền “lờ” đi để cho tôi làm! Dù ông Son có làm vì tình yêu với quê hương đất nước hay bởi một lý lẽ cao cả thế nào đi nữa thì đây vẫn là “cú tát” điếng người về vai trò quản lý của cơ quan chức năng.

Một công trình đồ sộ như thế không thể hoàn thành sau một đêm, nên chuyện người ta “lờ” đi là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng “lờ” đi vì mục đích gì? Công trình này ảnh hưởng thế nào đến tổng thể di tích? Đó mới là vấn đề cần làm sáng tỏ!

Nếu ông Son có tấm lòng với quê hương đất nước, đó là điều đáng trân trọng, nhưng bản chất đây là thương vụ đầu tư, có quảng cáo, phát hành băng đĩa không xin phép. Tôi không nghĩ một con người có tầm như ông Son không thể không hiểu mức độ quan trọng của địa danh được UNESCO công nhận là di sản có tầm vóc toàn cầu.

Nhưng đáng trách hơn là các cơ quan trực tiếp quản lý di sản. Họ ở đâu trong hơn một năm cây cầu được xây dựng? Phải chăng những cái “lờ” là có thật? Mặc dù đã có “nỗ lực” cấm hoạt động bến thuyền, dừng mọi hoạt động để thanh tra nhưng người ta vẫn “lờ’ đi! Phải chăng, lời nói của cơ quan chức năng bị vô hiệu hóa vì một thứ gì đó rất uy lực?...

Đáng buồn, có bao nhiêu di sản được công nhận, niềm tự hào ngắn chẳng tày gang, kế hoạch bảo tồn phát huy chưa thấy đâu nhưng ngày càng nhiều sự việc ồn ào xung quanh di tích. Đó là những câu chuyện liên quan đến Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, lăng mộ vua Tự Đức, danh thắng Yên Tử…

Điều gì khiến những di tích huyền ảo nghìn năm cổ kính trầm mặc dưới lớp bụi thời gian bị đem ra xào xáo? Phải chăng mùi tanh của đồng tiền đang đả phá vào những giá trị truyền thống! Thời đại lên ngôi của kim tiền, người ta sẵn sàng buôn bán kinh doanh bất cứ thứ gì?

Di tích lịch sử có tầm vóc, bản thân nó phi lợi nhuận, chắc tổ tiên sẽ buồn lắm nếu con cháu cứ ngày ngày mang bê tông cốt thép đổ vào, đem sơn son thiếp vàng những thứ chỉ giá trị khi còn cũ kỹ. Cứ đà này đến lúc nào đó nước ta sẽ không còn bất cứ di sản nào mang dáng hình tổ tông.

Bảo vệ nguyên bản di tích chính là bảo vệ gốc gác dân tộc, sẽ thế nào nếu nhiều đời sau con cháu không còn biết Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt viên gạch đầu tiên; không còn biết một Tràng An kỳ vĩ mà thơ mộng, đẹp vì hoang sơ, vốn nó không nguy nga, không màu mè như hiện nay.

Dường như chúng ta đang lạc hướng trong khai thác di tích. Một quốc gia có nhiều di sản được thế giới công nhận, nhiều bằng chứng lịch sử vẫn vẹn nguyên cùng năm tháng nhưng học sinh vẫn chán học Lịch sử. Cũng đúng thôi, vì những gì người ta nhòm ngó đến di tích là nguồn lợi bằng tiền.

Xâm hại di sản ông cha để là nhát dao chém vào lịch sử, xóa mờ trang sử hào hùng của dân tộc. Thiết nghĩ, cần lắm sự sốt sắng của toàn xã hội để bảo vệ nguồn gốc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Voi chui lọt lỗ kim” và chuyện quản lý di sản ông cha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO