Việc hỗ trợ nguồn vốn tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân khôi phục hoạt động kinh doanh và đời sống là cấp thiết.
Các chính sách hỗ vượt bão số 3 (Yagi) không còn là “vượt bão” theo nghĩa bóng như thường sử dụng.
Do đó, vốn hỗ trợ phải hoàn toàn đúng nghĩa, đúng chỗ, thiết thực và kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng..., và Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Để đạt được hiệu quả hỗ trợ rõ ràng, trước hết cần tách bạch các chương trình hỗ trợ. Chẳng hạn về tài khóa, Chính phủ đang thực hiện chương trình hỗ trợ kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế VAT, tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tiếp tục giảm các khoản thu phí, lệ phí…
Nên chăng cần có chủ trương hỗ trợ thuế, phí, lệ phí riêng phù hợp với kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại các địa phương vùng bão một cách cụ thể. Qua đó, tránh trùng lắp 2 chương trình dẫn đến triển khai đại trà, giảm hiệu quả.
Cập nhật theo thông tin của Tổng cục Thuế 26 cục thuế địa phương hướng dẫn miễn, giảm gia hạn tiền thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho người dân, doanh nghiệp sau bão lũ... có thể xem là phù hợp và đã tách bạch khỏi các chương trình đang triển khai.
Tương tự như vậy, gói hỗ trợ lãi suất 0% cần sự vào cuộc của ngành ngân hàng, nó nên là một gói cụ thể có tổng giá trị chương trình riêng, khác với các gói ưu đãi hỗ trợ đang triển khai, như gói hỗ trợ lãi suất 2% (không hiệu quả và sẽ kết thúc trong năm nay); chương trình 140.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội hay gói 30 nghìn tỷ đồng cho ngành lâm, thủy sản.
Theo đó, rút kinh nghiệm của gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói hỗ trợ lãi suất 0% nên được tính toán để thông qua các ngân hàng có vốn Nhà nước, đặc biệt như Agribank có điều kiện đi sâu đến các vùng sâu, xa…, có thể hỗ trợ khắc phục các thiệt hại trong các lĩnh vực chịu tác động bão lũ lớn như nông nghiệp.
Đối với thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN (được sửa đổi tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ giảm lãi…), rất cần được hỗ trợ kéo dài thêm và điều chỉnh tiêu chí vay nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa vì trong lúc này, doanh nghiệp vẫn cần trợ lực từ phía Nhà nước lâu hơn để nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, tách bạch khỏi câu chuyện của Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tin rằng đối với đồng bào, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại do bão lũ vừa qua, rất cần ngành ngân hàng nhanh chóng đánh giá thiệt hại đầy đủ như yêu cầu của NHNN trước 20/9/2024, trên cơ sở đó cần xây dựng thông tư riêng về cơ cấu lại nợ, khoanh giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trong 26 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Việc cần có thông tư riêng là tránh chồng chéo đối tượng thụ hưởng; cũng như tránh hỗ trợ tự phát và không có lộ trình, thời hạn, không đi kèm các quy định về trích lập dự phòng rủi ro cụ thể… Khi có thông tư mới, các TCTD sẽ dễ dàng triển khai thực hiện, song song mục tiêu đảm an toàn “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng.
Đối với các địa phương, quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương khá gần gũi, nhưng không được ghi nhận hỗ trợ cao trong những năm qua. Trong khi đó, theo đánh giá ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vào giữa 2024, doanh nghiệp vẫn đối mặt với ba vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để. Một số bộ ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát doanh nghiệp, chưa coi khó khăn của doanh nghiệp là của mình để đồng hành.
Những khó khăn có thể thấy được này lại chịu thêm khó khăn bởi bão lũ, nên đây chính là thời điểm thấu hiểu và cần sự đồng hành vượt bão của các cấp lãnh đạo chính quyền. Theo Chính phủ giao, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang là đơn vị quản lý Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF). Từ tháng 4/2024, hoạt động của Quỹ này được thực hiện theo Nghị định 45/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2019/NĐ-CP với các mục tiêu, nhiệm vụ mở rộng hơn nhưng chung quy, hướng đến hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và SMEs. Quỹ có vốn lớn, mạng lưới giải ngân rộng, song còn dư nợ thấp.
Trong bối cảnh nguồn tài chính công không thể dàn trải, cào bằng, việc hỗ trợ tái thiết và thúc đẩy SMEs cần sự linh hoạt lớn. Do đó, SMEDF là phù hợp để trở thành “địa chỉ đỏ” trong công cuộc hỗ trợ tổng thể, với “sợi chỉ” xuyên suốt theo nhiệm vụ của Quỹ là SME khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn của Quỹ khi có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Theo đó, các doanh nghiệp gặp thiệt hại có thể được xác định như “khởi nghiệp” để tiếp cận nguồn vốn Quỹ. Hàm lượng yêu cầu về sáng tạo cũng là điều kiện để doanh nghiệp chú trọng trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, không chỉ để vượt bão, còn hướng đến bắt nhịp thời cuộc, phát triển dài hạn và tiến dần đến phát triển bền vững. Đây cũng là điều kỳ vọng sẽ tăng tính hỗ trợ nhưng không làm hạn chế giá trị thời điểm, khi song song cùng gói hỗ trợ lãi suất 0%.