Dịch vụ giúp việc tại các gia đình vừa được rót vốn với tổng giá trị đăng ký lên tới 8 triệu USD. Dự báo đây sẽ là lĩnh vực “bùng nổ” thu hút FDI trong thời gian tới.
Mặc dù không tiết lộ giá trị thương vụ đầu tư, tuy nhiên quỹ đầu tư đến từ Mỹ Patamar Capital mới đây đã thông báo hoàn tất thương vụ đầu tư vào JupViec.vn - công ty được ví như Uber trong lĩnh vực giúp việc nhà.
Có thể bạn quan tâm
10:45, 14/06/2018
01:00, 14/06/2018
13:15, 07/06/2018
04:15, 07/06/2018
Giải pháp mới cho dịch vụ cũ
Nếu để so với các lĩnh vực vốn được xem như “địa chỉ đỏ” trong hoạt động đầu tư của dòng vốn FDI vào Việt Nam như công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm thì con số 8 triệu USD sẽ khiêm tốn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, điều đáng nói, đây là lĩnh vực mới và được xem như một trong những ưu tiên đầu tư của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Vậy điều gì khiến cho quỹ đầu tư được xem như năng động nhất khu vực tại Đông Nam Á đến từ Mỹ quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp còn non trẻ Việt Nam?
Để trả lời câu hỏi này, quay trở lại mô hình hoạt động của JupViec.vn, đây là công ty hoạt động dựa trên nền tảng kết nối giữa người giúp việc và khách hàng thông qua ứng dụng di động. Điều này đã tạo ra sự khác biệt với các hoạt động giúp việc truyền thống vẫn thường thấy.
Nếu trước kia mỗi hộ gia đình thường chi trả rất nhiều tiền, kèm một số điều kiện khác như chỗ ở cho người giúp việc, quần áo, tàu xe đi lại, lương thưởng... tuy nhiên chưa chắc đã tìm được người, chứ chưa nói đến một người giúp việc phù hợp. Vì vậy, xuất phát từ thực tế này, JupViec.vn được xem như một giải pháp tối ưu cho hoạt động giúp việc truyền thống bằng việc áp dụng công nghệ trong tuyển dụng, đào tạo, quản lý người lao động.
Ngoài ra, việc sử dụng một ứng dụng di động đã tạo ra mô hình làm việc mới đó là giúp việc theo giờ, với sự sàng lọc và người tham gia lao động trong lĩnh vực này được đào tạo với đủ các tiêu chuẩn trước khi cung ứng tới các gia đình.
Trước đó, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại khu vực đến từ Nhật Bản là CyberAgent Ventures, cũng đã rót vốn vào JupViec.vn. Đại diện quỹ CyberAgent Ventures cho biết, đây thương vụ rót vốn lần đầu tiên của quỹ vào công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kết nối lao động tại gia đình.
Như vậy, ngành dịch vụ giúp việc tại gia đình đang được xem là một ngành mới, có mạo hiểm nhưng cũng đầy tiềm năng và đang thu hút được nhiều quỹ ngoại rót vốn.
Có thể bạn quan tâm
04:26, 10/06/2018
00:00, 25/07/2012
00:00, 05/10/2011
Sức bật cho doanh nghiệp được rót vốn
Được biết, trên thế giới có khoảng 53 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ giúp việc gia đình và 83% trong số đó là nữ giới. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lượng phân bổ lao động giúp việc gia đình lớn nhất và nhu cầu tiếp nhận lao động này vẫn không ngừng gia tăng tại các nước phát triển. Tại Việt Nam, dự báo đến năm 2020 sẽ có khoảng 350.000 lao động giúp việc.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội: “Thị trường lao động giúp việc rất tiềm năng và cần nhận được sự quan tâm xứng đáng hơn so với thực trạng hiện nay”.
Được biết, bên cạnh JupViec.Vn, có nhiều doanh nghiệp khác có thể mạnh về công nghệ như FPT cũng đã tham gia vào lĩnh vực dịch vụ lao động giúp việc này. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp gia nhập sẽ khiến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn tuy nhiên điều này cũng chứng minh rằng, đây là một thị trường đầy tiềm năng.
Theo đánh giá của đại diện quỹ đầu tư Patamar Capital, lý do khiến quỹ này rót vốn vào dịch vụ giúp việc tại gia đình nói chung và Jupviec.vn nói riêng đó là do tiềm năng thị trường và sứ mệnh mong muốn mang đến một cuộc sống tốt hơn người phụ nữ Việt Nam.
Nhận định chi tiết về điều này, bà Đỗ Hồng Yến, đại diện quỹ đầu tư Patamar tin tưởng rằng: “Thương vụ đầu tư này sẽ góp phần mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho phụ nữ làm nghề giúp việc, đồng thời thay đổi cách nhìn của xã hội về một nghề cần thiết cho xã hội nhưng thường bị đánh giá thấp”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Sỹ Lợi thừa nhận: “Giá trị kinh tế - xã hội lao động giúp việc mang lại không nhỏ, tuy nhiên việc cung ứng nhân lực lao động giúp việc trong nước chưa chú trọng khâu đào tạo nghề, nếu có việc đào tạo chỉ được thực hiện ở các đơn vị cung ứng lao động giúp việc ra nước ngoài”.
Vì vậy, việc ngày càng nhiều quỹ ngoại có xu hướng rót dòng vốn của mình vào dịch vụ giúp việc này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được đầu tư có “sức bật” mở rộng thị trường mà còn giúp thay đổi cách nhìn về một nghề một cách nhân văn hơn.