Vốn và lãi suất vẫn là áp lực với doanh nghiệp

TUẤN VỸ 28/02/2023 14:00

Theo các doanh nghiệp, việc tiếp cận được nguồn vốn vay tại các ngân hàng vẫn là vấn đề nan giải trong bối cảnh cần kinh phí để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần công khai, minh bạch về định giá đất

Ngày 28/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2023”. Tại hội nghị các đại diện ngân hàng, doanh nghiệp nỗ lực tìm tiếng nói chung trong việc triển khai các ngồn vốn vay, thủ tục, lãi suất,... để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hậu Covid-19.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam, đại dịch, tình hình bất ổn chính trị trên thế giới,... đã có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay.

Hội nghị “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2023” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức ngày 28/2.

Đối với vấn đề tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay các ngân hàng trên địa bàn đã hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, miễn, giảm phí,... với tổng 4652 tỷ đồng với  1784 khách hàng. Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp,...

Trao đổi về tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam cho hay trong năm 2022 tỉnh Quảng Nam có 1.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên hơn 9.200 đơn vị. Đồng thời, có 217 doanh nghiệp giải thể, 919 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Theo ông Văn, những con số này đều tăng so với năm 2021. Trong năm 2022, ông Văn đánh giá tình hình sản xuất của doanh nghiệp dần được cải thiện, do đó doanh nghiệp đã có doanh thu trở lại, giải quyết việc làm nhiều hơn, đóng góp ngân sách nhiều hơn,...

“Nhìn chung, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đang dần ổn định trở lại. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của các đơn vị liên quan cũng đang dần phát huy, có hiệu quả”, ông Văn nói.

Ông Phạm Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam cho hay để các ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp cần phải xem xét đến vấn đề đảm bảo của từng dự án.

Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam cho biết có 02 nhóm ngành nghề cần được hỗ trợ về nguồn vốn đó là du lịch và bất động sản. Bởi lẽ, ngành du lịch từ lâu nay được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam và bất động sản cũng là một ngành có nhiều nguy cơ.

“Tuy nhiên, theo các Thông tư 03, 14,... liên quan đến việc cơ cấu nợ đã hết hiệu lực nhưng phân loại và trích lập theo nhóm nợ vẫn là rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Vì vậy, các địa phương cần đề xuất với Ngân hàng Nhà nước có những phương án cụ thể nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhóm ngành nghề phát triển đô thị cũng đang có nguy cơ bùng nổ, các ngân hàng cần có sự lưu tâm về hỗ trợ”, ông Bảo nhìn nhận.

Theo vị này, nhóm bất động sản đang có 2 vấn đề. Đầu tiên đó là nợ quá hạn, có thể xử lý như thế nào để khắc phục? Thứ hai đó là lãi suất của ngành bất động sản đang khá cao. Các ngân hàng nên có sự chung tay, đồng lòng để hạ nhiệt lãi suất để tránh tình trạng vỡ “bong bóng” bất động sản.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Thị xã Điện Bàn cũng cho rằng vấn đề về vốn, lãi suất đang tạo nhiều áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ ở du lịch và bất động sản, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất cũng rất cần nguồn vốn để xoay sở. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn vay lại là vấn đề nan giải.

Vì vậy, các doanh nghiệp thể hiện mong muốn có sự thay đổi trong cơ chế, chính sách để doanh nghiệp dễ “với” được nguồn vốn vay hơn. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên xem xét về việc rút gọn thời gian giải ngân để sớm có kinh phí cho doanh nghiệp trang trải.

Các doanh nghiệp cho rằng tiếp cận vốn vay và lãi suất đang tạo nên áp lực trong quá trình phục hồi sau Covid-19.

“Các doanh nghiệp mảng xây dựng cơ bản cũng cần được quan tâm nhiều hơn, trong đó, với phần diện tích dự án đã được cơ quan chức năng nghiệm thu nên cho doanh nghiệp tín chấp để được vay vốn. Đồng thời, cần xem xét đến việc cho doanh nghiệp vay để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại dự án”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Thị xã Điện Bàn kiến nghị.

Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Phạm Trọng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam cho hay đối với vấn đề giải quyết tín dụng bất động sản, du lịch liên quan đến nhiều cơ chế. Theo đó, vướng mắc của bất động sản có đến 70% liên quan đến pháp lý, 30% còn lại liên quan đến việc giải ngân giữa các ngân hàng và doanh nghiệp.

“Ngành ngân hàng rất cần cho vay, tuy nhiên cần phải xem xét đến dự án có đảm bảo, đầy đủ pháp lý hay không? Đồng thời, Ngân hàng cũng không siết bất động sản, mà chỉ là quản lý chặt chẽ. Với việc cho vay bất động sản tại Quảng Nam, hiện chiếm đến gần 19% trên tổng dư nợ 98.000 tỷ”, ông Trọng thông tin.

Theo đó, ông Trọng cho biết đối với dư nợ cho vay bất động sản, các ngân hàng đã phân nhóm rủi ro của bất động sản, phát triển đô thị,... Ngoài ra, với vấn đề gói vay lãi suất 2%, cũng sẽ được kiến nghị thay đổi để phù hợp hơn với cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Đổi mới sản phẩm để hút khách du lịch

    Hải Phòng: Đổi mới sản phẩm để hút khách du lịch

    13:33, 28/02/2023

  • Thanh Hóa: Dành nguồn vốn

    Thanh Hóa: Dành nguồn vốn "mồi" hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số

    12:24, 28/02/2023

  • Giá vàng hôm nay 28/2: Quan sát và chờ đợi

    Giá vàng hôm nay 28/2: Quan sát và chờ đợi

    12:00, 28/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vốn và lãi suất vẫn là áp lực với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO