[VỐN XÃ HỘI] Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân

Đại Dương 14/02/2019 16:45

LTS: Vốn xã hội là nguồn lực, là niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh. Vốn xã hội chỉ có thể nảy nở, duy trì và tạo đà cho “bứt phá” khi hệ thống thực sự liêm chính, minh bạch và vì dân.

DĐDN rất mong nhận được quan điểm của các bạn đọc, doanh nhân, chuyên gia xung quanh chủ đề: VỐN XÃ HỘI. Mọi đóng góp xin gửi về: toasoan@dddn.com.vn.

“Những thành tựu toàn diện đạt được trong năm 2018 đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước” - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như vậy trong lời chúc tết đêm giao thừa.

Cũng chính vì vậy mà cuối năm 2018, trong Hội nghị trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm giải quyết những vấn đề của đất nước, từ quyết tâm phòng chống tham nhũng đến những vấn đề môi trường, nông nghiệp, nông dân… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu toàn diện trong năm 2018 .

Dễ thấy cả Chủ tịch nước và Thủ tướng đều nhấn mạnh đến “niềm tin”. Bởi đó có thể là “bệ đỡ” của mọi chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào thể chế tồn tại thì dĩ nhiên những quyết sách cho phát triển và thăng tiến xã hội mới có thể triển khai trên thực tế.

Những chỉ số phát triển hay những thành tựu mới đảm bảo được tính trung thực và trở thành nền tảng cho thịnh vượng quốc gia. Niềm tin mà cả Chủ tịch nước và Thủ tướng đề cập thực ra là một dạng “vốn xã hội”. Các nhà kinh tế học đã đề cập và phân tích sâu sắc “vốn xã hội” từ khá lâu. Nhưng tựu chung lại, “niềm tin” của người dân và doanh nghiệp mới là cốt lõi của vốn xã hội. Như một trạng thái tâm lý, niềm tin có tính “mong manh” của nó.

Bởi chỉ một hành vi sử dụng xe công không đúng cũng đủ đánh đổ niềm tin vào một chính khách cũng như những chính sách mà một bộ trưởng đang tiến hành. Một phiên tòa không nghiêm minh cũng đủ để hạ bệ niềm tin của công chúng vào tính biểu tượng của nền tư pháp. Một hành vi tham nhũng của quan chức cấp cao cũng có thể xô đổ niềm tin vào sự liêm chính của công quyền.

Mấy năm gần đây, nhiều lãnh đạo đều khá trăn trở về việc làm sao để “huy động” được 500 tấn vàng trong dân. Điều ấy cũng có nghĩa là, nguồn vốn trong dân còn rất nhiều và đang nằm im, không sinh lợi cho cả xã hội. Điều trăn trở này của các lãnh đạo cũng hàm ý rằng: dường như có một nguồn vốn nào đó chưa được khơi thông khiến nguồn vốn hữu hình chưa được “ném” vào nền kinh tế.

Dễ thấy, đó là do vốn xã hội, mà cụ thể là niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được nâng cao. Người dân và doanh nghiệp khó có thể yên tâm để đầu tư, kinh doanh khi mà thể chế kinh doanh chưa đảm bảo được tính minh bạch, công khai và an toàn. Quyền sở hữu của người dân và doanh nghiệp, nhất là đối với đất đai, chưa được tôn trọng và thực thi nghiêm minh.

TS Phạm Duy Nghĩa trong một hội thảo tại VCCI đã nói rằng: “Bây giờ cải cách thế nào? Nếu mà đất nước nói rõ cái gì của ai thì đã khác. Chỉ đơn giản thế thôi chứ có gì đâu mà phải nghĩ ngợi cho nhiều”. Tuy vậy, cái điều TS Nghĩa nói là “đơn giản” lại đang rất khó khăn trong một thể chế dần dần tiến tới minh bạch, công khai. Nếu làm được điều “đơn giản” ấy thì chắc chắn “vốn xã hội”, mà ở đây cụ thể là niềm tin, sẽ trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi rõ ràng, khi một thể chế chưa thể công khai, minh bạch, ở đâu đó vẫn còn kiểu “hành là chính”, các chính sách không đồng nhất giữa văn bản và thực tế, thì niềm tin, biểu hiện rõ ràng nhất của “vốn xã hội” sẽ khó có thể nảy nở. Vả lại, giả sử niềm tin có trở lại, mà những chủ trương, chính sách không được thực hành một cách chính xác, công tâm cũng sẽ khó duy trì một “vốn xã hội” đủ lớn để tạo động lực cho phát triển, tiến tới thịnh vượng quốc gia.

Khả dĩ nhất trong lúc này chính là những phương châm hành động rất hay của Chính phủ không được dừng lại ở mức “tuyên bố chính trị” hay khẩu hiệu nửa vời. Bởi chỉ một phút lơ là, thì sự “bứt phá” mà cả hệ thống chính trị mong muốn sẽ gặp một lực cản rất lớn

Phải nói thẳng với nhau rằng: vốn xã hội chỉ có thể nảy nở, duy trì và tạo đà cho “bứt phá” khi hệ thống thực sự liêm chính, công khai, minh bạch và vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[VỐN XÃ HỘI] Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO