Vòng quanh Châu Á xem Tết cổ truyền

Đào Minh 06/02/2019 06:00

Không chỉ riêng Việt Nam, Tết Nguyên Đán cũng là dịp lễ vô cùng quan trọng của nhiều nước châu Á khác. Mỗi đất nước lại có những phong tục khác nhau.

Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc coi Tết Âm lịch là dịp lễ lớn nhất trong năm. Vào dịp này, người Trung Quốc thường có những phong tục đặc biệt để đón chào một năm mới bình an.

Tết truyền thống của Trung Quốc còn được gọi là Lễ hội mùa Xuân. Bắt đầu từ ngày 8/12 Âm lịch, người dân Trung Quốc trên khắp thế giới về quê ăn Tết, đoàn tụ gia đình, thờ cúng tổ tiên.

Trước ngày 30 Tết hằng năm, người Trung Quốc có truyền thống dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tinh tươm để đón tết. Những món đồ cũ được bỏ đi, bụi bẩn được lau dọn tỉ mẩn với mong muốn rũ bỏ những điều xui xẻo trong năm cũ, đón chào những điều mới mẻ, tốt lành.

Từ phố phường cho đến nhà ở, người dân thường trang trí đèn lồng và câu đối đỏ nhằm mang đến sự may mắn cho năm mới.p/Người Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho dịp Tết từ ngày 8/12 âm lịch. Lúc này, khắp phố phường đỏ rực những đồ vật trang trí trông vô cùng sặc sỡ và bắt mắt.

Từ phố phường cho đến nhà ở, người dân thường trang trí đèn lồng và câu đối đỏ nhằm mang đến sự may mắn cho năm mới. 

Trước dịp Tết, hầu hết mọi gia đình ở Trung Quốc đều có hai câu đối được viết trên giấy màu đỏ dán trước cửa nhà. Phong tục này xuất phát từ trước thời nhà Tống (960 - 1279) và được lưu truyền tới thời điểm này.

Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ để đón chào một cái Tết ấm áp, năm mới an lành.

Giống như món bánh chưng, bánh tét tại Việt Nam, người Trung Quốc có truyền thống ăn sủi cảo vào dịp đầu năm mới.

Điều này mang ý nghĩa tạm biệt năm cũ qua, chào mùa xuân mới. Nhân sủi cảo làm từ hỗn hợp thịt lợn băm và rau củ, được gói trong vỏ bánh làm bằng bột mỳ.

Đôi khi, người ta sẽ bỏ một đồng tiền xu vào chiếc bánh ngẫu nhiên. Ai lấy trúng chiếc bánh có tiền xu thì người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Đối với người Trung Hoa, màu đỏ luôn là màu sắc của sự may mắn bởi vậy, vào dịp Tết, người lớn sẽ tặng trẻ nhỏ tiền may mắn trong phong bao màu đỏ, còn được gọi là "tiền mừng tuổi". Ý nghĩa của phong tục này là mong muốn người nhận quà sẽ có nhiều sức khỏe, hạnh phúc trong năm tới.

Hàn Quốc

Seollal (Tết truyền thống theo Âm lịch của Hàn Quốc) là một trong những dịp lễ quan trọng nhất ở xứ sở kimchi. Trong khi nhiều nơi mong chờ Sinjeong (Tết Dương lịch) thì người Hàn Quốc đợi để tổ chức Seollal, dịp lễ kéo dài ba ngày đầu tiên của năm Âm lịch.

Được coi trọng hơn cả một dịp lễ đánh dấu một năm mới đang tới, Seollal thực sự là thời gian đặc biệt đối với người Hàn Quốc. Đây không chỉ là lúc để bày tỏ sự tôn kính tới tổ tiên, Seollal còn là dịp để sum họp gia đình.

Các thành viên trong một gia đình đang hành lễ ngày mùng 1 tết âm lịch

Các thành viên trong một gia đình Hàn Quốc đang hành lễ ngày mùng 1 tết Âm lịch

Theo quan niệm của người Hàn Quốc, nếu ngủ trong đêm giao thừa thì ngày hôm sau, lông mi sẽ bị bạc trắng và đầu óc thiếu sáng suốt. Vì thế cho nên không ai ngủ vào thời điểm này.

Người dân Hàn Quốc thường đốt các thanh tre trong nhà nhằm xua đuổi tà ma quấy rối. 

Không chỉ vậy, họ còn cho rằng, năm mới là dịp những hồn ma xuất hiện trên trần gian để đánh cắp giày và dẫn đến nhiều chuyện xui xẻo cho chủ nhân đôi giày trong cả năm.

Do đó, người Hàn Quốc sẽ cất giày vào một nơi an toàn trong những ngày Tết để đảm bảo may mắn cho mình.

Buổi sáng ngày đầu tiên của Seollal sẽ được bắt đầu với nghi lễ thờ cúng tổ tiên, được gọi là Charye. Rất nhiều thức ăn được chuẩn bị và bày trí chỉn chu trên mặt bàn giữa nhà. 

Người Hàn Quốc có quy định rõ ràng về mâm cỗ cúng ngày đầu năm. Theo phong tục, mâm lễ phải chia làm 5 hàng, với khoảng hơn 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả.

Những mâm lễ này được đặt dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Ở Hàn Quốc, thay vì hỏi tuổi họ sẽ hỏi "bạn đã ăn Tteokguk được bao nhiêu lần rồi?".

Bởi vì theo quan niệm của người Hàn, nếu ăn một bát canh bánh gạo Tteokguk thì có nghĩa là đã lớn thêm một tuổi.

Người Hàn Quốc đặt "xẻng lộc" bằng rơm trước cổng nhà để đón lộc. Theo họ, làm như vậy là để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, cũng có nghĩa là sẽ nhận được phúc lộc quanh năm.

Xẻng lộc được gọi là Bok-jo-ri. Nếu sáng mùng 1 mà gọi được 1 người bán hàng rong Bok-jo-ri càng sớm thì sẽ càng nhận được nhiều tài lộc.

Singapore.

Chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Trung Quốc, Tết Nguyên đán, hay còn được coi là Lễ hội mùa xuân tại Singapore, là ngày lễ được trông đợi nhất đối với không chỉ cộng đồng người Trung Quốc tại đây, mà còn cả những người dân Singapore.

Ngày Tết của người dân nơi đây kéo dài tới 15 ngày, từ đêm Giao thừa đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trong thời gian này, khắp nơi đều diễn ra các hoạt động vui xuân.

Cũng tương tự như một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Tết cổ truyền tại Singapore là dịp để gia đình quây quần bên nhau đón năm mới và bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên.

Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để quét đi mọi điều tồi tệ của năm cũ và đón những điều may mắn của năm mới vào nhà.

Người người diện quần áo mới đi thăm hỏi họ hàng và trẻ em sẽ được phát những phong bao lì xì đỏ đựng tiền tượng trưng cho sự may mắn.

Điều thú vị trong dịp Tết âm lịch của người Singapore đó là họ rất thích ăn quýt và cá. Nguyên do là bởi chữ “quýt” đọc gần với chữ “cát” trong “đại cát đại lợi”.

Do đó, ăn quýt có thể mang lại hạnh phúc, may mắn. Còn “cá” gần với chữ “dư” trong tiếng Trung thể hiện sự dồi dào, dư dả.

Người dân Trung Quốc rất coi trọng truyền thống và văn hoá dân gian, và điều này được thể hiện rất rõ trong Tết cổ truyền tại Singapore.

Rồng và sư tử là hai con vật linh thiêng trong thần thoại Trung Quốc, nên những màn múa lân, múa rồng được diễn ra trên khắp các con phố Singapore, tạo nên không khí tưng bừng rộn ràng.

Một buổi biểu diễn xiếc diễn ra tại Vịnh Marina, Singapore. Singapore tổ chức nhiều hoạt động giải trí, lễ hội để chào đón Tết Âm lịch.

Singapore tổ chức nhiều hoạt động giải trí, lễ hội để chào đón Tết Âm lịch.

Một điểm nhấn trong dịp Tết Nguyên đán của người dân đảo quốc Sư tử là khu Phố Tàu với lễ hội hoa đăng nổi tiếng.

Trong suốt lễ hội, mọi người được thưởng thức những màn trình diễn đặc sắc của những nghệ sĩ múa lân, múa rồng, nghệ sĩ biểu diễn nuốt lửa và nữ vũ công tại quảng trường Kreta Ayer.

Cũng vào dịp này, mọi người đến thăm các đền chùa để lễ thần phật và xin lộc cho cả năm hay du xuân tại các di tích, danh lam thắng cảnh hay khu vui chơi trong cả nước.

Ngoài lễ hội hoa đăng, hai sự kiện quan trọng khác là lễ hội bên sông River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay.

Tại quốc đảo sư tử, văn hoá Trung Hoa cũng được thể hiện thông qua khu trưng bày những bức tượng khổng lồ các vị thần như Thần tài hay 12 con giáp cùng khu ẩm thực truyền thống và viết thư pháp.

Ngày Tết cổ truyền và những hoạt động vui xuân đã dần trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về của người dân đảo quốc Sư tử.

Đó là dịp không chỉ để gia đình sum vầy bên nhau mà còn là lúc mọi người hoà mình vào không khí lễ hội vui tươi trên khắp cả nước cùng đón chào một năm mới may mắn, tốt lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vòng quanh Châu Á xem Tết cổ truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO