VRE sáp nhập để mở rộng

ĐÌNH ĐẠI 24/06/2021 05:15

Sáp nhập công ty con, mở rộng mô hình Vincom Mega Mall đang là một chiến lược linh hoạt để giúp Vincom Retail vượt qua những thách thức do đại dịch gây ra và sẵn sàng cho các mục tiêu dài hạn.

Theo đó, Công ty CP Vincom Retail (HoSE: VRE) đã hoàn tất quá trình sáp nhập 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhằm tái cơ cấu sở hữu nội bộ. Sau khi sáp nhập Công ty TNHH Vincom Retail Miền Bắc, với vốn điều lệ 6.160 tỷ đồng, đồng thời kế thừa toàn bộ tài sản cũng như các khoản nợ chưa thanh toán, các nghĩa vụ khác của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hà Thành.

VRE đang tập trung mở rộng mô hình Vincom Mega Mall.

VRE đang tập trung mở rộng mô hình Vincom Mega Mall.

Hiện tại, VRE đang là một doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường bất động sản bán lẻ hiện đại về số lượng, thị phần và chất lượng. Bên cạnh phát triển Vincom Mega Mall Ocean Park đã được vận hành năm 2020, VRE sẽ tiếp tục tập trung mở rộng mô hình Vincom Mega Mall quy mô lớn, kiến trúc hiện đại trong các đại đô thị Vinhomes.

VRE dự kiến sẽ vận hành Vincom Mega Mall Smart City vào quý III năm nay. Đồng thời, VRE cũng sẽ khai trương 2 trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Plaza tại Mỹ Tho và Bạc Liêu trong năm 2021 này.

Tính đến thời điểm cuối năm 2020, nhà phát triển hệ thống trung tâm thương mại của Vingroup này có tổng cộng 80 trung tâm thương mại với hơn 1,7 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ. Sang năm 2021, công ty đặt mục tiêu có thêm gần 100.000 m2 mặt sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2.

Trong giai đoạn 2021 – 2026, VRE đặt mục tiêu mở mới 49 trung tâm thương mại, tương đương tăng thêm 3 triệu m2, nâng tổng số trung tâm thương mại lên 129 và tổng diện tích mặt bằng cho thuê lên 4,8 triệu m2 vào cuối năm 2026. Do VRE tập trung nhiều hơn vào việc phát triển mô hình Vincom Mega Mall quy mô lớn, nên số lượng trung tâm thương mại mở mới ít hơn so với kế hoạch được công bố trước đó vào Q1/2020.

Việc mở rộng mô hình Vincom Mega Mall của VRE trong giai đoạn hiện này được đánh giá là một bước đi có phần mạo hiểm. Bởi thời điểm hiện tại mô hình trung tâm thương mại đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Điều này đã được thể hiện bởi chính VRE, khi cả doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của VRE đều giảm tương ứng 10% và 16% so với năm 2019, khi dịch bệnh COVID-19 chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, nếu xét theo xu thế, mô hình Mega Mall sẽ phát triển và trở thành kênh mua sắm - điểm đến ưa thích của người tiêu dùng, khi tích hợp nhiều không gian và mục đích phục vụ, thu hút, giữ chân người tiêu dùng tại trung tâm thương mại, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm mà điều này họ đã có thể tìm kiếm được qua kênh thương mại điện tử. Dự báo, nếu như dịch COVID-19 được kiểm soát và các thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay, với việc 70% người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, thì đây sẽ cơ hội bùng nổ của các Mega Mall và người tiêu dùng sau một thời gian chỉ mua sắm - giao hàng online, sẽ có nhu cầu "đi và đến, check-in và tụ họp cùng với shopping"...

Lịch sử giao dịch cổ phiếu VRE.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu VRE.

Điều này phần nào đã được chứng minh ngay trong quý I/2021, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, làn sóng COVID-19 thứ 4 chưa xuất hiện, tổng quan ngành bán lẻ đã ghi nhận sự phục hồi tích cực về cả sức mua tiêu dùng và sự phát triển về quy mô cửa hàng của các thương hiệu bán lẻ. Nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế đã khai trương thêm cửa hàng trong hệ thống Trung tâm thương mại Vincom như H&M, Haidilao Hot Pot, Pandora… Ngay trong quý I, tiềm năng phục hồi của thị trường bán lẻ nói chung và sức hút của mặt bằng Trung tâm thương mại Vincom nói riêng thực sự được khẳng định. 

Cụ thể, trong quý I vừa qua, tổng doanh thu thuần hợp nhất của VRE đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư vẫn tiếp tục tăng trưởng với doanh thu đạt 1.712 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 781 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm năm 2020.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra mới đây, HĐQT VRE đã trình cổ đông kế hoạch năm 2021 với doanh thu thuần đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 5% so với thực hiện năm trước. Đồng thời, doanh nghiệp đặt mục tiêu giữ vị trí đứng đầu trên thị trường bất động sản bán lẻ.

Bà Trần Mai Hoa - Tổng Giám đốc VRE cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, Vincom Retail đã hỗ trợ khách thuê phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam. Tháng 1 - 4 vừa qua, một số thị trường phải giãn cách, các gian hàng đóng cửa 100% theo quy định của Nhà nước, công ty hỗ trợ 100% phí dịch vụ. Khách hàng khác sẽ được đánh giá theo từng mức độ. 

Bên cạnh hỗ trợ giá, VRE cũng đã làm việc với Grab, Now để đàm phán phí, bố trí mặt bằng cho lái xe công nghệ. Khi dịch ổn định, các hoạt động hỗ trợ tiếp tục nằm trong kế hoạch marketing, kích cầu mua sắm. 

Trên thị trường, cổ phiếu VRE đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/6 đạt 31.500 đ/cổ phiếu, không tăng so với phiên giao dịch trước đó. Nếu so với hồi đầu năm, cổ phiếu VRE không có nhiều biến động. Giới chuyên gia nhận định, cổ phiểu VRE có thể đạt mức giá 37.000 đ/cổ phiếu vào cuối năm nay. Bởi VRE là công ty bất động sản bán lẻ hàng đầu với thị phần vượt trội, tình hình tài chính lành mạnh và được hỗ trợ từ hệ sinh thái Vingroup. VRE sẽ tiếp tục đứng vững trong đại dịch nhờ nền tảng vững chắc của thị trường bán lẻ Việt Nam và sự mở rộng liên tục của các thương hiệu quốc tế như H&M và Uniqlo.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu VRE?

    Vì sao dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu VRE?

    05:18, 24/07/2020

  • Cổ phiếu VRE tiếp tục bứt phá?

    Cổ phiếu VRE tiếp tục bứt phá?

    04:40, 05/06/2020

  • Vì sao cổ phiếu VRE trần với khối lượng dư mua lớn?

    Vì sao cổ phiếu VRE trần với khối lượng dư mua lớn?

    04:15, 08/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VRE sáp nhập để mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO