Với lợi thế về đất đai, VRG phải có tầm nhìn trong kinh doanh và quản trị để tăng quy mô gấp 10 lần hiện nay, đạt mức 10 tỷ USD.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) về việc thực hiện sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh sáng 18/4.
Lợi nhuận 500 tỷ đồng/ năm
Sau nhiều năm chuẩn bị, VRG đã thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ và chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần từ 1/6/2018. Hiện nay, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Tập đoàn sau khi tiếp nhận từ Bộ NN&PTNT. Mặc dù kết quả bán cổ phần lần đầu không đạt yêu cầu (25% vốn nhà nước) nhưng các bộ, ngành cho rằng đã diễn ra đúng các quy định của pháp luật, đồng thời kết quả sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển khá. Cụ thể, doanh thu năm 2018 đạt 4.536 tỷ đồng, tăng 23,53% so với chỉ tiêu bộ NN&PTNT giao và cao hơn chỉ tiêu của Đại hội Hội đồng cổ đông.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp đã mang lại cho Tập đoàn lợi nhuận trên 500 tỷ đồng mỗi năm, sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su là 100 tỷ đồng lợi nhuận/năm, thanh lý, chế biến gỗ cao su trên 1.000 tỷ đồng/năm (riêng sản phẩm gỗ MDF, Tập đoàn đang chiếm tới 50% sản lượng toàn quốc). Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn trong năm 2018 đạt trên khoảng 22.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất không đạt nguyên nhân do giá bán cao su giảm mạnh so với giá bán kế hoạch (khoảng 3- 4 triệu đồng/tấn), ảnh hưởng tới lợi nhuận trong lĩnh vực chế biến mủ cao su dẫn tới lợi nhuận giảm so với kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động thấp, đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo Chủ tịch Tập đoàn VRG – ông Trần Ngọc Thuận, hoạt động trồng cao su ở Tây Bắc bước đầu thành công khi đạt 0,8 tấn mủ/ha, bằng 75% so với năng suất ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, để bảo đảm lợi ích phân chia lợi nhuận cho đồng bào góp đất, ông Thuận đề nghị chuyển các công ty cao su ở khu vực này sang mô hình doanh nghiệp xã hội. Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, hiện nay trồng cao su ở Lào đã có lãi và ở Campuchia thì đang lỗ kế hoạch (trong 5 năm).
Sau khi cổ phần hoá, Tập đoàn cao su đã hoàn thành việc thỏa thuận phương án sử dụng đất, xử lý lao động dôi dư với các địa phương theo quy định của pháp luật. Hiện tại Tập đoàn đang tiếp tục hoàn thành đo đạc, cắm mốc, ký hợp đồng cho thuê đất, cấp sổ đỏ với các địa phương, tiếp tục bàn giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng theo các phương án sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai (hiện mới giao được hơn 1.300 ha trong tổng số hơn 29.000 ha cần phải giao cho các địa phương) và kiểm toán kết quả cổ phần hoá.
Đánh giá cao nỗ lực trong sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Tập đoàn cần đa dạng hoá các sản phẩm từ cao su, đặc biệt là gỗ cao su để tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo ra nguồn thu mới từ xuất khẩu đồ gỗ, bền vững hơn.
“Vừa qua giá dầu thô của thế giới tăng nhưng giá mủ cao su không tăng theo thông lệ đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của Tập đoàn. Trong khi đó các lĩnh vực liên quan như chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su lại có nhiều tiềm năng lại chưa được khai thác hết. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân mua bản quyền mẫu mã 5 USD/bộ bàn ghế để sản xuất, xuất khẩu đi nước ngoài, mang lại giá trị cao thì Tập đoàn cần đẩy mạnh xu hướng này thay vì tập trung vào trồng, chế biến, khai thác mủ cao sau và sản xuất gỗ ván MDF để giúp Tập đoàn không phụ thuộc vào giá cao su trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
VRG phải trở thành doanh nghiệp hàng đầu
Không chỉ vậy, trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng Tập đoàn cao su tính toán thu hút các nhà đầu tư thứ cấp liên quan tới lĩnh vực chế biến gỗ để hỗ trợ cho lĩnh vực hoạt động của mình.
“Với lợi thế hơn 400.000 ha đất nông, lâm nghiệp, VRG phải trở thành 1 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông, nghiệp, làm gương cho các Tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực san xuất nông nghiệp về quy mô, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và hiệu qủa hoạt động, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt Nam không chỉ trong khu vực mà cả thị trường thế giới. Doanh thu phải xác định tới quy mô 10 tỷ USD trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu cho Tập đoàn cao su.
Đặc biệt Phó Thủ tướng lưu ý Tập đoàn cao su đẩy nhanh các công việc sau cổ phần hoá, tập trung vào thực hiện đo đạc, cắm mốc, ký hợp đồng cho thuê đất, cấp sổ đỏ với các địa phương, xác định cụ thể diện tích đất còn đang tranh chấp, đẩy mạnh việc bàn giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng theo các phương án sử dụng đất theo chỉ đạo của Nghị quyết số 30/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải kiểm soát từng mét vuông đất. Phải rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, từ chủ trương, chính sách, tới thẩm quyền, trách nhiệm của từng cá nhân, tình hình tranh chấp đất đai ở các nông, lâm trường, các phương án sử dụng, chuyển nhượng đất sau khi cơ cấu lại doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nêu rõ không chỉ với Tập đoàn cao su mà cả các doanh nghiệp khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn xây dựng Đề án tổng thể cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, quản trị, sắp xếp đất đai sau cổ phần hoá theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ; báo cáo chuyên đề về dự án trồng cao su ở Tây Bắc; tính toán rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch tại Campuchia để sớm có lãi và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.