Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) đã mở màn năm Canh Tý với nhiều điều không suôn sẻ, trái ngược với xu thế thăng hoa trong suốt năm qua.
Dịch Corona đã và đang tác động tiêu cực đến ngành hàng không, du lịch và Vietravel cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Đầu năm “gặp hạn”
Sau một vài ngày dốc lực cho mùa Tết nguyên đán, Vietravel lại trực tiếp hứng hạn virus Corona. Trên website của Công ty này hiện vẫn đang bán tiếp các tour du lịch như thông thường. Nhưng trước đó từ ngày 24/1, Vietravel đã thông báo hủy hết các tour du lịch đến Trung Quốc cho đến hết ngày 15/2. Các tour từ Trung Quốc vào Việt Nam, một trong những nguồn thu du lịch rất lớn (chiếm 1/3 lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019) theo chính sách ngưng cấp visa cho những người đến từ vùng dịch ở nhiều tỉnh thành, địa phương… hiện cũng đang “rớt khách”. Tour trong nước đi quốc tế cũng chững lại với khuyến nghị hạn chế du lịch, đặc biệt ở quốc gia đã có dịch.
Có thể nói cả 2 nguồn thu inbound (người nước ngoài, Việt kiều du lịch tại Việt Nam) và outbound (người Việt Nam du lịch nước ngoài) hay cả mảng domestic tour (du lịch nội địa) của Vietravel nói riêng, doanh nghiệp lữ hành nói chung đều đang thiệt hại lớn.
Cổ phiếu thăng trầm
Trước khi dịch Corona bùng phát, cổ phiếu VTR của Vietravel được đánh giá vô cùng hấp dẫn, bởi: Thứ nhất, Vietravel là quán quân lợi nhuận trong ngành du lịch lữ hành (vượt qua các hãng du lịch lớn top đầu gồm cả SaigonTourist, Fiditour và Bến Thành Tourist). Thứ hai, tiềm năng của việc đầu tư hãng bay charter hứa hẹn cải thiện biên lợi nhuận của Công ty. Theo đó, Công ty có thể tối ưu hóa nguồn lực khách hàng đang có bằng đầu tư hàng không để chủ động vận tải, thay vì phải chi ra khoảng 3.000 tỷ đồng/ năm cho vé máy bay.
Song so với giá tham chiếu chào sàn ở mức 40.000đ/cp, được đẩy bật lên tới trên 90.000đ/ cp trong thời gian rất ngắn, cổ phiếu VTR cũng đã có thời gian “lao dốc” mạnh về 42.000đ/ cp ở thời điểm hiện nay. Giới chuyên môn dự báo trong ngắn hạn tính bằng quý, với tốc độ “bốc hơi” khủng của thị trường chứng khoán trong cơn lốc Corona, thì việc nhà đầu tư giữ được niềm tin với cổ phiếu VTR là vô cùng khó khăn, nhất là khi Vietravel chịu tác động kép bởi Corona từ cả du lịch lẫn hàng không.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 09/10/2019
11:31, 27/09/2019
16:11, 23/08/2019
07:00, 27/07/2019
Tác động khó lường
Một chuyên gia ngành du lịch lưu ý rằng, do năm nay Tết âm cận ngày với Tết dương, do đó tác động của dịch Corona ngay từ bây giờ ảnh hưởng tới sức đặt tour cho các tuyến du lịch rơi vào cao điểm ở nhiều quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… với mong muốn “đi ngắm hoa đào mùa Xuân” của nhiều khách hàng trong nước. Theo đó, sự sụt giảm doanh thu của Vietravel nói riêng và các doanh nghiệp lữ hành nói chung còn có thể kéo dài tới quý II/2020, ngay cả khi dự báo ở kịch bản tích cực hơn là dịch Corona sẽ sớm chấm dứt hoặc bị cô lập ở mọi quốc gia trong vòng 1 tháng tới.
Đặc biệt, tác động tiêu cực của dịch Corona và kết quả có thể không khởi sắc, sẽ “lây lan” khó khăn sang cả kế hoạch cất cánh hãng charter flight vào tháng 10 năm nay. Trước đó, chiến lược chọn lối đi riêng với mô hình bay charter, để phù hợp với lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Vietravel đã khiến cả thị trường nhìn doanh nghiệp lữ hành bằng con mắt khác. Nếu thời tiết thuận lợi và dịch bệnh Corona được đẩy lùi, một khi cất cánh bay, thì Vietravel Airlines có thể làm các hãng bay hiện tại trong nước, đang khai thác các chuyến nội địa lẫn quốc tế lẫn nội địa như VietnamAirlines, Vietjet Air hay cả Bamboo Airway và Jestar Pacific chịu cạnh tranh và san sẻ thị phần.
Có thể nói với dịch Corona, Vietravel Airlines và Vietravel đang hứng chịu những ngày nhiều mây đen. Song thử thách này cũng là cơ hội chứng minh năng lực chèo lái của ông Nguyễn Quốc Kỳ, CEO sáng giá của ngành du lịch Việt.
Đa dạng hóa thị trường Từ 28/1/2020, Trung Quốc đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch trong nước và nước ngoài. Theo đó, các quốc gia có nguồn khách phụ thuộc phần nào khách du lịch Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại, đặc biệt là các quốc gia châu Á với Thái Lan (10,5 triệu du khách năm 2018), Nhật Bản (8,4 triệu), Hàn Quốc (5 triệu), Singapore (3,4 triệu), Malaysia (2,9 triệu) và Việt Nam (5 triệu khách)… Cùng du lịch, các dịch vụ liên quan phục vụ nhu cầu chi tiêu của du khách như khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng đồ xa xỉ phẩm… cũng sẽ bị sụt giảm doanh thu. Theo đó, trong dịch họa, chắc chắn không chỉ doanh nghiệp du lịch Việt Nam mới nghĩ đến chiến lược đa dạng hóa thị trường, nhằm giảm rủi ro, thiệt hại. Một cuộc cạnh tranh xúc tiến thị trường du lịch của các quốc gia cùng khu vực sẽ càng nóng hơn sau dịch Corona. Đó cũng là cuộc cạnh tranh với mục tiêu 1 triệu khách của chính Vietravel. Song khó có thể đa dạng hóa thị trường bởi ngoài Trung Quốc, thế giới còn những thị trường nguồn khách tiềm năng. Đó là Ấn Độ (1,2 tỷ dân và đứng thứ 2 trên thế giới về dân số), Mỹ (330 triệu người, có mức chi dùng cao), hay Indonesia (đứng đầu Đông Nam Á với 274 triệu người, quốc gia đến ngày 2/2 chưa ghi nhận dịch Corona nào với các biện pháp phòng hộ, cách ly khá triệt để)… Trở lại với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, dĩ nhiên đa dạng hóa nếu được xúc tiến triển khai, cũng cần thời gian và các chính sách hỗ trợ của ngành du lịch mới có hiệu quả. Chung tay chống dịch Corona và tích lũy nguồn lực để giữ vững sức khỏe doanh nghiệp chính là điều mà họ phải ưu tiên lúc này. |