Theo thông tin vừa công bố, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch 45,74 triệu cổ phiếu của VTVcab.
Theo đó, mã chứng khoán đăng ký giao dịch của CTCP Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) là CAB, còn ngày giao dịch đầu tiên và giá tham chiếu cổ phiếu CAB chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, giá trị sổ sách tính đến thời điểm 31/3 là 9.987 đồng/cp, cao hơn so với mức 9.858 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2018.
Kinh doanh dự kiến đi ngang đến năm 2020
Kết quả kinh doanh của VTVcab không có nhiều điểm đáng chú ý. Năm 2017, doanh thu thuần của công ty đạt 2.396 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 57,9 tỷ đồng. Kết quả năm 2018, doanh thu của VTVcab sụt giảm nhẹ xuống còn 3.323 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng 8,23% lên 62,6 tỷ đồng. Quý I/2019, VTVCab ghi nhận doanh thu thuần đạt 501,3 tỷ đồng, 11,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 7,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý, tại thời điểm 31/3, VTVcab vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế là 17,5 tỷ đồng. Tại thời điểm chuyển sang mô hình công ty cổ phần ngày 1/7/2018, khoản lỗ lũy kế này của VTVcab gần 49 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
15:49, 04/07/2019
17:01, 08/06/2019
18:19, 18/04/2018
Trong hai năm 2019 – 2020, VTV đặt kế hoạch kinh doanh đi ngang. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu thuần năm 2019 là 2.221 tỷ đồng (tăng 0,2% so với năm 2018) và lợi nhuận sau thuế 63,65 tỷ đồng (tăng 0,3%). Năm 2020, công ty đặt kế hoạch kinh doanh tương tự. Về kế hoạch cổ tức, VTVcab chưa chắc chắn về tỉ lệ chia cổ tức trong năm 2019 – 2020 và chưa thông qua kế hoạch trả cổ tức trong hai năm này. Theo chia sẻ từ phía công ty, việc chia cổ tức của công ty mẹ VTVcab phụ thuộc vào chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất, kế hoạch và thực tế kinh doanh của các công ty con và công ty liên kết.
Ngoài ra, định hướng kinh doanh năm 2019 – 2020 của công ty con, công ty liên kết của VTVcab có thể thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cũng theo kế hoạch kinh doanh đề ra, VTVcab dự kiến thuê bao năm 2020 đạt 1,91 triệu thuê bao và tăng lên 2,1 triệu vào năm 2021.
Sức ép từ lãi vay
Cùng với việc kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc, câu chuyện về dòng tiền tại VTVcab là một điều đáng quan tâm khi công ty luôn phải sử dụng dòng tiền từ đi vay để trả nợ cho các khoản vay. Đơn cử, trong năm 2017, công ty phải chi 858 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi vay, trong khi nhận về 923 tỷ đồng từ vay ngắn và dài hạn. Việc dòng tiền từ hoạt động đầu tư lớn trong năm 2017 dẫn đến việc công ty bị âm dòng tiền trong năm này.
Việc dòng tiền từ hoạt động vay ngắn hạn và dài hạn lớn hơn đáng kể so với trả nợ gốc vay và lãi vay tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2018. Sau khi chuyển đổi sang mô hình CTCP, VTV tiếp tục ghi nhận dòng tiền âm 38,5 tỷ đồng khi chi trả nợ gốc vay và lãi vay trong kì lên đến 459 tỷ đồng trong khi thu về từ vay ngắn hạn và dài hạn là 276 tỷ đồng. Trong quí đầu năm nay, vấn đề dòng tiền của VTVcab có phần cải thiện hơn khi không còn âm dòng tiền. Điều này nhờ vào việc công ty nhận được 138,4 tỷ đồng từ vay ngắn hạn và dài hạn trong khi chỉ phải trả 110,5 tỷ đồng tiền nợ gốc vay.
Một vấn đề đáng lưu tâm nữa lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ tương đương với tiền lãi vay đã trả. Điển hình năm 2017, lợi nhuận trước thuế của VTVcab là 79,2 tỷ đồng nhưng công ty phải chi gần 65,2 tỷ đồng trả lãi vay. Thậm chí, chi phí lãi vay có phần nhỉnh hơn lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2018 và quý I/2019. Sức ép từ lãi vay dường như đang tạo nên sức ép không nhỏ cho VTVcab. Với nội lực hiện tại tại VTVcab, nhà đầu tư cùng chờ đợi về mức giá chào sàn của cổ phiếu CAB.