Vụ đổi 100 USD bị phạt ở Cần Thơ: Cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh

Diendandoanhnghiep.vn Sự việc bất thường từ vụ mua bán 100 USD cần được làm rõ để ngăn ngừa, hạn chế (nếu có) nạn những cán bộ thi hành công vụ lạm quyền chèn ép doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh.

Gần đây, nhiều báo chí đăng tải thông tin sự việc cách đây gần một năm, ngày 24/01/2018, ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký một Quyết định khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với căn nhà của ông Lê Hồng Lực tại địa chỉ số 40 Nguyễn Đức Cảnh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, cũng là tiệm vàng Thảo Lực do ông Lực làm chủ (chưa xác định là tang vật gì).

Việc khám xét nhà được thực hiện vào ngày 30/01/2018, trùng khớp ngày ông Nguyễn Cà Rê (một người thợ điện) mang 100 USD ra tiệm vàng ông Lực đổi ra tiền Việt Nam đồng. Chiểu theo các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì tang vật ở đây là tờ tiền mệnh giá 100USD và số tiền Việt Nam đồng tương đương quy đổi đã bị thu giữ. Tuy nhiên, tài sản bị thu giữ thêm còn bao gồm 20 viên kim cương cùng đá quý trong nhà ông Lực mặc dù chưa biết đó là tài sản cá nhân hay tài sản kinh doanh.

Như vậy việc tịch thu kim cương, đá quý trong tủ gia đình chủ tiệm vàng có đúng luật? Trường hợp nếu ông Cà Rê không đến đổi tiền thì việc thực hiện lệnh khám xét nhà có phải là hành vi vi phạm pháp luật? có vi phạm quyền công dân đối với ông Lực và quyền tự do kinh doanh theo pháp luật đối với tiệm vàng Thảo Lực?

Nhiều câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo Cần Thơ về vụ đổi 100 USD tại cuộc họp giao ban báo chí

Nhiều câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo Cần Thơ về vụ đổi 100 USD tại cuộc họp giao ban báo chí

Theo đó, có ba vấn đề cần xem xét:

Thứ nhất, việc ra Quyết định khám xét nhà là có trước, trong khi tang vật vi phạm lại đến sau là chưa phù hợp với pháp luật. Công an Cần Thơ không thể đi tìm cái chưa có để ra quyết định khám nhà. Căn cứ vào đâu để Chủ tịch quận Ninh Kiều xác định địa điểm cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm? Hành vi vi phạm chỉ là mua bán, trao đổi ngoại tệ 100 USD (hành vi đến sau Quyết định khám nhà 6 ngày).

Đối với trường hợp thứ nhất này, việc khám xét nhà phải dựa trên nội dung lệnh khám xét hành chính với chứng cứ vi phạm, còn tài sản của người dân không liên quan thì không được tịch thu. Theo khoản 6 Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, cũng theo Luật này, tại khoản 1, Điều 125. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây: a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này; b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;…” và tại khoản 8 Điều này “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Và cũng tại khoản 1 Điều 129 quy định “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”

Việc công an khám xét tiệm vàng dựa theo lệnh được ký 06 ngày trước khi bắt quả tang đổi 100 USD là không đúng. Lệnh khám xét phải dựa trên biên bản bắt quả tang khi hai bên giao dịch mua bán ngoại tệ chứ không thể được ký trước đó. Bắt quả tang trao đổi USD thì tịch thu USD sao lại thu kim cương, đá quý? Thời điểm ông Chủ tịch quận Ninh Kiều ký quyết định khám nhà thì tang vật bị công an phát hiện bắt giữ là gì? Đã xảy ra vụ trao đổi 100USD đâu? Chưa có chứng cứ vi phạm cụ thể mà đã ký lệnh khám xét trước mấy ngày?

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng, “Việc khám nhà và tịch thu 20 viên kim cương và gần 2.000 viên đá quý của chủ tiệm vàng Thảo Lực đã tạo nên nhiều lo ngại đối với các doanh nghiệp cũng như người dân về sự “lạm quyền” của các cơ quan chức năng. Với tiền lệ này, nơi ở của người dân, trụ sở các doanh nghiệp có thể bị khám xét bất cứ lúc nào”.

Thứ hai, chiểu theo các quy định của pháp luật thì mọi mệnh giá từ 1USD đến hàng chục nghìn USD đều bị áp dụng một khung hình phạt chính tương đương từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng. Và như vậy việc ông Cà Rê bị phạt 90.000.000 là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật, (điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ phạt 8.000.0000 – 100.000.000 đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ). Tuy nhiên việc áp dụng các hình phạt này đối với ông Cà Rê có phải là quá cứng nhắc, quá nghiêm khắc vì thực tế ở nhiều nơi đều có thể thấy quá trình mua bán trao đổi tương tự.

Do đó, qua sự việc ở đây rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các nhà làm luật, đặc biệt là NHNN cần phải xem xét vấn đề quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng tiền tệ hiện nay có phù hợp với thực tiễn hay không?

Thứ ba, xét dưới góc độ tiệm vàng Thảo Lực, là đơn vị kinh doanh không được phép cung cấp dịch vụ mua bán, trao đổi ngoại tệ nên về nguyên tắc cần xử phạt các cửa hàng thu đổi ngoại tệ không được phép. Và việc tiệm vàng tiến hành nộp phạt tiền do kinh doanh mua bán ngoại tệ khi không được phép là phù hợp với pháp luật.

Tuy nhiên, xét trên góc độ nhà ở ông Lực bị khám xét bất thường nêu ở trường hợp thứ nhất, họ cần có tư vấn pháp luật cụ thể để có thể khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi bị khám xét nhà một cách thiếu hợp lý, và các tài sản không liên quan bị tịch thu và xung công quỹ Nhà nước. Vụ việc cần được làm sáng tỏ theo quy định của pháp luật và thông tin cho người dân được rõ, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân liên quan để đảm bảo có một môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh theo quy định của pháp luật.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vụ đổi 100 USD bị phạt ở Cần Thơ: Cần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713988575 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713988575 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10