Trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh, Cơ quan điều tra xác định một số cá nhân có vi phạm ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự…
Như đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
Trong số này có bị can Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ; Trần Đức Quận, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh.
Cùng với đó, một số bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ tại Thanh tra Chính phủ cũng bị cáo buộc phạm tội. Trong vụ án này, bị can Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) và bị can Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) cùng một số bị can khác đã tiếp tay cho đại gia Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) hưởng lợi trái pháp luật 2.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ở vụ án này, Cơ quan điều tra cũng xác định, còn một số cá nhân khác có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, do thời gian điều tra vụ án đã hết, các thông tin và tài liệu liên quan đến những hành vi sai phạm của các cá nhân này đã được tách ra để tiếp tục điều tra và xử lý trong thời gian tới.
Cụ thể, theo kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, ngoài 10 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định có dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân liên quan. Song do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của các cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Đối với một số cá nhân tại Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng có hành vi vi phạm ở các mức độ khác nhau, nhưng không thỏa thuận, thông đồng với Nguyễn Cao Trí và Công ty Sài Gòn Đại Ninh; giữ vai trò thứ yếu, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo sự chỉ đạo, áp đặt của lãnh đạo cấp trên…CQĐT cho rằng, hành vi của các cá nhân này chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy cơ quan điều tra kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng, hành chính.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và xử lý hành chính đối với pháp nhân Công ty Kiểm toán DFK và các cá nhân gồm Phạm Đức Thắng, Phó giám đốc, và Trần Mai Hải Đăng, Kiểm toán viên của Công ty DFK trong việc thực hiện báo cáo kiểm toán vốn điều lệ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh trái quy định pháp luật, vi phạm chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Hình thức xử lý có thể là đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá...
CQĐT đề nghị thu hồi số tiền 50 triệu đồng phí dịch vụ kiểm toán mà Công ty DFK hưởng lợi không chính đáng để sung công quỹ nhà nước, phục vụ yêu cầu giải quyết vụ án.
Đồng thời, CQĐT đề nghị Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, và chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kiểm toán và kiểm toán viên, đặc biệt trong các hoạt động kiểm toán liên quan đến vốn góp và giá trị cổ phần của doanh nghiệp, nhằm ngăn ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.