Thực sự chỉ còn biết cầu nguyện và chờ đợi sự phi thường từ số mệnh của cháu.
Chưa bao giờ người dân cả nước lại cùng hướng về Đồng Tháp cùng hồi hộp, lo lắng cùng chung lời nguyện cầu một điều thần kỳ đến với cháu bé chẳng may rơi vào miệng cống của cọc bê tông dùng để gia cố móng nền khi xây cầu Rọc Sen.
Đội cứu hộ vẫn miệt mài làm tất cả mọi điều, chạy đua với tử thần để có thể mang cháu bé trở về với gia đình. Triệu người cùng cầu nguyện, mong mỏi có phép màu nào của trời đất, thần phật độ trì cho cháu qua kiếp nạn, dù rằng hy vọng ấy chỉ le lói mong manh, vì hơn 70 giờ trôi qua chưa hề có một tín phản hồi của cháu bé.
Cháu Thái Lý Hạo Nam rơi thẳng vào lòng cống có đường kính 25 cm, rỗng bên trong đã đóng xuống đất sâu 35 mét, khi cùng các bạn đi vào công trình cầu Rọc Sen (Đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Các bậc lãnh đạo cấp cao hết sức chỉ đạo lực lượng cứu hộ của công an, quân đội cùng các lực lượng liên quan khác, nhưng tình huống giải cứu quả là hy hữu, oái ăm với chồng chất khó khăn, do phải điều động lực lượng phương tiện từ xa tới, địa hình cũng như địa chất khu vực cứu hộ phức tạp.
Mới 10 tuổi, thể trạng gầy ốm, chỉ nặng hơn 20 kg, qua gần ba ngày không cơm ăn, nước uống trong tình trạng kẹt cứng trong lòng cống bê tông chật hẹp tối tăm, tinh thần hoảng loạn. Các tiên lượng xấu như suy kiệt, hạ đường huyết, rối loạn tri giác, hôn mê, đa chấn thương, thiếu dưỡng khí đang chống lại nỗ lực của đội cứu hộ, của biết bao nhiều người mong tin cháu bé.
Các biện pháp kỹ thuật, phương án xử lý, cũng như các trang thiết bị tốt hiện đại chuyên dụng, cùng bao nhiêu con người đang chạy đua với thời gian khi đội cứu hộ phải dùng phương án làm ống vách thép đường kính 1,5 m dùng làm lồng chụp lên trụ bê tông, sau đó xử lý phần đất trong ống làm mềm, giảm ma sát để nhấc trụ đưa cháu ra.
Cọc trụ bê tông là loại cọc ly tâm thiết kế để gia cố móng đóng âm xuống đất rất sâu, lại được kết nối từ ba đoạn ống, nếu xử lý không chính xác, cọc bị đứt gãy thì bùn đất sẽ tràn vào lòng ống còn lại, dập tắt mọi hy vọng cuối cùng. Loại cọc này chịu lực ép, nén tốt, nhưng cẩu kéo lên thì muôn phần khó khăn, lực ma sát với chiều dài 35 m là điều các cần cẩu bất khả thi.
Thông thường, nếu bước vào lòng cống sẽ bị thụt một chân, nửa người còn lại sẽ mắc trên mặt đất, việc lọt cả hai chân và rơi thẳng đứng xuống quả thực hết sức hi hữu. Thực sự chỉ còn biết cầu nguyện và chờ đợi sự phi thường từ số mệnh của cháu, chứ khả năng nước bùn loãng đã tràn qua các khớp nối, gây ngập trong lòng ống, cướp đi khả năng sống sót của cháu mất rồi.
Quan sát clip của công trường thì nhận thấy công tác đảm bảo an toàn cho công trình khi đang thi công chưa được triển khai đúng mức. Ở Việt Nam, công tác an toàn chỉ làm tốt trên miệng người với câu “Safety first - An toàn là trên hết”, chứ còn thực tế thì rất cẩu thả và rất nhiều công trình chưa được kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Những vụ tai nạn như sập dàn giáo, sập mái khi đổ bê tông, hay các vụ tai nạn lao động khác diễn ra thường ngày. Phần do ý thức của người lao động chưa cao, nhưng cũng có phần từ việc quản lý chưa quan tâm đúng mức, kiểm tra giám sát lỏng lẻo. Thông thường, khu vực thi công sẽ có rào chắn ngăn cách việc ra vào công trình, chỉ người có trách nhiệm, có trang thiết bị bảo hộ mới được ra vào khu vực thi công. Khu vực thi công cũng sẽ có bảo vệ, camera an ninh giám sát nghiêm ngặt, hệ thống cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng.
Theo dõi trên video, các cháu bé chạy tung tăng trên các miệng cống, rồi chớp mắt một cái như bị thổ địa kéo chân, một cháu bé rơi thẳng vào lòng đất. Nếu chưa đổ bê tông, mặt sàn các lỗ này phải được bịt che chắn lại, rơi xuống thì khó nhưng việc bước thụt chân gây gẫy chân rất dễ xảy ra.
Thi công làm ẩu, qua loa, giám sát không thực hiện hết chức năng nhiệm vụ, chủ đầu tư phó mặc cho nhà thầu, để bây giờ xảy ra sự việc đau lòng. Thực tế, công tác an toàn cơ bản là tốn kém và không sinh lợi, nhưng bảo vệ được sinh mạng, sức khoẻ con người. Nhiều nhà thầu cố tình bỏ qua việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn nhằm giảm chi phí, nhưng khi phát sinh vụ việc thì chi phí, danh tiếng và quan trọng nhất là tính mạng của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đến ngay khi theo dõi các hình ảnh của các nhân viên cứu hộ thì việc trang phục thiết bị an toàn khi cứu hộ cũng không được thực hiện đầy đủ, có nhiều người gián tiếp ở quanh khu vực lẽ ra chỉ dành riêng cho cứu hộ.
Đây là bài học đắt giá dành cho việc bảo vệ an toàn của các công trình xây dựng. Còn muốn khắc phục hãy bê nguyên quy trình đảm bảo an toàn công trình thi công của người Nhật vào để áp dụng. Hiện nay, các biện pháp, giải pháp của họ nếu được thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc sẽ phòng là chính, ngừa từ xa các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn cho con người.
Có thể bạn quan tâm
09:28, 18/10/2020
10:25, 12/10/2020
05:00, 06/05/2020
06:33, 17/09/2019