Những năm trước, các sai phạm trong khai thác than của Cty 397 như làm vượt ranh giới cấp phép, chưa đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp, san gạt trái quy định… để lại nhiều hệ lụy cho người dân.
Nhưng, thật khó hiểu, Công ty Cổ phần 397 (Cty 397) lại tiếp tục được cấp phép cho khai thác than với cái tên “Khai thác lộ thiên, cải tạo các hồ Nam Tràng Bạch”. Không những tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, mà có dấu hiệu "bắt tay" với chính quyền địa phương trong công tác đền bù để đẩy người dân rơi vào cảnh tay trắng?
Một sự tiếp tay khiến người dân trắng tay?
Với việc thẳng tay đẩy chủ đất thực sự là ông Nguyễn Quốc Hào ra khỏi danh sách đền bù, thay vào đó người được đền bù là người vợ đang trong quá trình ly hôn và xảy ra nhiều tranh chấp với ông Hào, các cơ quan chức năng huyện Đông Triều đã bỏ qua những nguyên tắc có tính pháp lí trong việc bồi thường và giúp Cty 397 chóng vánh thâu tóm mảnh đất. Ngay lập tức Cty 397 triển khai dự án, vô tư san gạt, bốc xúc bất chấp đơn thư kêu cứu, kiến nghị của người dân, bất chấp những qui định của luật pháp.
Cần phải nhắc lại công tác đền bù. Theo luật sư Mai Thị Dung, công ty Luật TNHH Việt Phương, người nghiên cứu kĩ hồ sơ vụ đền bù thì vụ việc có dấu hiệu lợi ích nhóm. Các cán bộ địa phương đã vi phạm pháp luật, tiếp tay cho doanh nghiệp, cho bà Lâm để lập hồ sơ dự án, giao hồ sơ, nhận tiền bồi thường một cách nhanh chóng để lấy đất của ông Hào.
“Hồ sơ pháp lý đều chứng minh và cho thấy các bộ phận, phòng ban, cán bộ phụ trách công việc đất đai, việc bồi thường, hỗ trợ ở các cấp chính quyền địa phương đều biết đất này là có tên của ông Hào, ông Hào và bà Lâm đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục ly hôn và tranh chấp về tài sản nhưng các cơ quan chính quyền địa phương đã cố tình phớt lờ, bỏ qua ông Hào là chủ sử dụng đất, nghiễm nhiên coi bà Lâm làm cá nhân đại diện cho gia đình khi không có giấy ủy quyền đại diện hợp pháp, không có hồ sơ pháp lý chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản là hoàn toàn sai luật”, luật sư Dung phân tích.
Không chỉ thế, theo tìm hiểu của phóng viên cho thấy, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch UBND xã Hoàng Quế có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong việc chứng thực sao y bản chính, cố tình tạo lập hồ sơ đất để thu hồi đất. Vì sao trong lúc ông Hào đang giữ Hồ sơ gốc “hợp đồng chuyển nhượng” và chưa được ông Nguyễn Văn Đệ, thời điểm đó là Phó Chủ tịch xã Hoàng Quế yêu cầu đưa để sao hoàn thiện hồ sơ mà ông Đệ lại có bản sao y chứng thực? Và cũng chính ông Đệ người lập bản chứng nhận nhà, đất, tài sản cho bà Lâm và bỏ trống tên người chồng. Hành vi đó phải chăng có dấu hiệu tiếp tay, cố ý làm trái?
Mặt khác, dự án trên là dự án thương mại, việc thu hồi đất giao cho Cty 397 (chủ đầu tư) khai thác khoáng sản lộ thiên là để thu lợi nhuận cho công ty này, chứ không phải là dự án vì phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà việc đền bù lại không phải là sự thương lượng, thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân?
Có dấu hiệu doanh nghiệp “mượn tay” chính quyền thu hồi, lấy đất của dân với giá rẻ mạt và nhanh chóng để làm thương mại và lí do lấy đất để thực hiện dự án “cải tạo các hồ” chỉ nhằm đánh lạc hướng xã hội, bởi hiện nay hồ Nội Hoàng đang trong xanh thì bị vùi lấp dần còn cái gọi là cải tạo chỉ là một số hố moong được tạo thành từ chính việc khai thác than.
“Nếu có việc thu hồi đất để phục vụ cho dự án của Cty 397 thì phải là có sự đồng thuận giữa chủ đất là ông Hào với chủ đầu tư thỏa thuận về giá và phương án bồi thường, hỗ trợ chứ không phải là chủ đầu tư thông qua chính quyền áp theo giá Nhà nước và lấy quyền lực chính quyền để lấy đất, san ủi đất của ông Hào”, luật sư Mai Dung khẳng định.
Nhưng tất cả điều này, được cơ quan chức năng và chủ đầu tư “phớt lờ”. Và giờ thì toàn bộ số tiền đền bù gần 3 tỷ đồng (nếu có thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân số tiền sẽ lớn hơn nhiều lần) đã “mất hút” theo bà Lâm. Người chủ đất thực sự thì trắng tay!?
Ông Nguyễn Quốc Hào cho rằng, “Dự án khai thác lộ thiên kết hợp cải tạo hồ khu vực tại Nam Tràng Bạch khả năng chưa có phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500. Vì vậy dự án này không đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy định của pháp luật".
“Khi làm việc với Trung tâm quỹ đất thị xã Đông Triều cùng với UBND xã Hoàng Quế, các đơn vị này không cung cấp bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mà chỉ cung cấp bản đồ chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/1000 do Công ty 397 ký và UBND xã Hoàng Quế ký. Bản đồ quy hoạch trên không bảo đảm tính chất pháp lý cho dự án. Vì vậy, không chứng minh được khu đất của tôi thuộc khu vực đất dự án phải thu hồi. Tôi đã nhiều lần yêu cầu họ cung cấp quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhưng họ đều quanh co không cung cấp”, ông Hào bức xúc nói.
Dự án gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một tiêu chí bắt buộc đối với các dự án khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác than. Với “Dự án khai thác lộ thiên, cải tạo các hồ Nam Tràng Bạch”, không biết việc phương án ĐTM của chủ đầu tư này như nào, chỉ biết trong quá trình triển khai đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của người dân.
Theo một số người dân sống quanh khu vực dự án này, mỗi ngày có hàng trăm xe tải vận chuyển than, đất khối lượng lớn hoạt động, ra vào liên tục. Than rơi rải rác đầy đường, bụi than thì phát tán khiến con đường dân cư và nhiều nhà dân “nhuốm” màu đen, không khí vô cùng ô nhiễm. Mùa hè thì bụi dày, mừa mưa thì đen lầy. Một vùng dân cư bất lực sống chung với ô nhiễm trong sự làm ngơ của chính quyền địa phương.
Đừng đánh mất niềm tin từ người dân!
Có thể nói, chủ trương của nhà nước về khuyến khích người dân tận dụng đất hoang, đất nhàn rỗi vào sản xuất đã là động lực khiến nhiều hộ dân đầu tư công của, phát triển trồng cây, chăn nuôi, tạo nguồn sản phẩm cho xã hội, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho gia đình và cho đất nước.
Những năm gần đây, chính sách phát triển nông nghiệp lại một lần nữa được đặc biệt quan tâm mà Quảng Ninh là địa phương đang có rất nhiều nỗ lực về vấn đề này.
Vì vậy cái cách mà huyện Đông Triều đối xử với ông Nguyễn Quốc Hào, người đã mạnh dạn đầu tư tiền của, thời gian, công sức để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn bằng cách đền bù “0 đồng”, đẩy ông Hào vào cảnh trắng tay, xét về mặt pháp lí và đạo lí đều đáng lên án.
Cái cách “dựng” dự án và đền bù còn cho thấy có dấu hiệu tiếp tay, bắt tay giữa chính quyền với doanh nghiệp để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xâm hại môi trường sống của người dân.
Nếu thực trạng này không được giải quyết người dân mất niềm tin, không dám mạnh dạn đầu tư, vì sợ rủi ro khi bị thu hồi và rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc khuyến khích các hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, trên bước đường nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà địa phương đang theo đuổi.
Với những gì nêu trên. Nên chăng UBND tỉnh Quảng Ninh cần thanh tra toàn diện việc đền bù cũng như mục đích thực sự của dự án này, để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân và mục tiêu ngăn chặn lợi ích nhóm nhân danh cái chung để trục lợi!