Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại sự việc một nữ hành khách gay gắt chửi bới một nữ nhân viên ở quầy check-in của Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành khách Lê Thị Hiền gây rối tại sân bay Sơn Nhất. Ảnh cắt từ clip.
Theo đó, trong quá trình kiểm tra hành lý tại quầy, giữa vị khách này và nữ nhân viên đứng quầy xảy ra mâu thuẫn liên quan tới hành lý xách tay bị quá cân. Ngay sau đó, danh tính của vị khách “khó chiều” trên đã được xác định. Người hành khách này có tên là Lê Thị Hiền, cán bộ đội Cảnh sát giao thông – trật tự phản ứng nhanh, Công an quận Đống Đa.
Như thông tin đã đưa, hành khách Lê Thị Hiền đến sân bay để làm thủ tục lên chuyến bay VN248 lộ trình TP Hồ Chí Minh – Hà Nội. Sau khi gửi 4 kiện hành lý tiêu chuẩn miễn cước, bà này tiếp tục yêu cầu nhân viên làm thủ tục gửi thêm một vali. Vì không được đồng ý lên đã lớn tiếng chửi bới, dùng những lời lẽ mang tính cay nghiệt xúc phạm nữ nhân viên làm thủ tục. Hành vi của người này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự khu vực sân bay.
Có thể bạn quan tâm
03:41, 05/04/2019
11:05, 04/04/2019
Thật ra, thái độ hách dịch, vô văn hóa của các “quan bà” không thiếu trong đời sống xã hội hiện nay. Đâu đó ở cơ quan này, cơ quan nọ, địa phương này địa phương kia vẫn tồn tại những kiểu người như thế.
Không biết đó là do bản tính hay áp lực của môi trường công việc, nhưng nó đang tồn tại ngày một phổ biến như là “gia vị” của cuộc sống, như sự biến thể mới của bốn đức tính mà người phụ nữ Việt Nam luôn mang trong mình từ xưa là “công-dung-ngôn-hạnh”.
Còn nhớ hồi tháng 7/2017, khi bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đi ăn trưa, bà này ngang nhiên đỗ xe ô tô sai quy định. Tuy nhiên, khi một vài người dân phản đối, bà này còn ngang nhiên tranh cãi, thậm chí là gọi cả lãnh đạo phường ra trông xe để mình đi ăn.
Hay như vụ việc nữ tiến sĩ, Trưởng Phòng TN&MT thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) Đàm Thị Hệ xưng hô mày – tao, thể hiện sự coi thường người dân khiến dân tình xôn xao hồi cuối tháng 3/2019, mọi người cũng vô cùng ngán ngẩm..v..v.
Cán bộ, đặc biệt là những nữ cán bộ, đáng lẽ phải là những người hiểu biết nhất, hành xử chuẩn mực nhất, nhất là khi họ sống làm việc trong môi trường nhà nước – môi trường mà bấy lâu nay người đời vẫn thường hay gọi các vị cán bộ là “công bộc của dân”. Vậy nhưng khi nhìn vào những trường hợp trên, thật khó để có thể chấp nhận.
Dĩ nhiên, trong trường hợp của nữa đại úy này, dư luận càng khó thứ tha. Vì với tư cách là một chiến sĩ công an, làm việc trong môi trường kỷ luật, kỷ cương, đáng lẽ bà Lê Thị Hiền phải hiểu và ý thức được hành vi mà mình thực hiện. Ấy vậy nhưng nhìn vào những gì bà Hiền thể hiện, người ta không khỏi ngao ngán, bức xúc.
Cơ sự này có lẽ viên đại úy cũng chẳng thể trách được dư luận khi nhiều người đặt sự hoài nghi: Ngay tại sân bay, khi không mang sắc phục, bà Hiền còn hành động hống hách như vậy. Liệu rằng, khi tiếp xúc với dân, khi thi hành công vụ, không biết sự hách dịch của bà Hiền còn thể hiện đến mức nào?
Bi hài ở chỗ, sự việc đã được đồn công an Tân Sơn Nhất xác nhận đã ra quyết định xử phạt 200.000 đồng với hành vi gây rối. Và cái con số 200.000 đồng cũng không phải là lần đầu người ta áp dụng. Vì thế, nó gợi lên cho biết bao người dân một nụ cười “nhếch mép”. Cái “nhếch mép” này có thể hiểu là sự coi thường luật của một số người vì mức phạt không đủ răn đe, nhưng đáng nói ở chỗ nó là sự chua chát, sự đắng lòng của người dân trước sự bất lực của pháp luật.
Liên quan đến con số 200.000 đồng này, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội Phạm Thị Minh Hiền từng nhìn nhận “đó thực sự là một câu chuyện bi hài”. Và “Bi hài ở chỗ nó như cái nhếch mép vào cái gọi là sự ngay thẳng của cơ quan công quyền, sức mạnh công lý”.
Thiết nghĩ, những trường hợp như bà Lê Thị Hiền, phía đơn vị cần có biện pháp xử lý quyết liệt, nghiêm khắc. Nếu không có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, sẽ rất khó để những sự ngông ngạo, hách dịch được đẩy lùi.
Pháp luật để duy trì trật tự, ổn định xã hội, nó do con người làm ra, quá trình vận hành không phù hợp với thực tiễn thì phải tiến hành thay đổi ngay. Sự thay đổi một hành vi xã hội đôi khi nó chỉ đến từ một văn bản, thông tư… ngay tức thời, chứ không cần đợi đến kỳ họp Quốc hội này, kỳ họp Quốc hội kia để ra nghị quyết.
Xin đừng làm luật theo kiểu chạy sau thực tiễn mãi vậy!