Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam trong năm 2019 đã thêm sức nóng khi có thêm một Start-up kỳ lân từ xứ Kim chi là Woowa Brothers gia nhập với ứng dụng BEAMIN.
Năm 2019 đã chứng kiến sự trỗi dậy của thị trường giao đồ ăn trực tuyến với những ứng dụng ngày càng hoàn thiện hơn. Do đó, người dùng cũng dần quen với việc trả tiền mua đồ ăn online hơn.
Tăng trưởng 30%
Bắt đầu từ ngày 14/5, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đã đón nhận thêm một gương mặt mới đó là ứng dụng BEAMIN thuộc sở hữu của start – up Woowa Brothers đến từ Hàn Quốc. Tiến vào thị trường Việt Nam, Woowa Brothers phải đối mặt với những người đi trước như GrabFood, Go-Food. GrabFood, Go-Food đang sở hữu những lợi thế để bứt phá trong cuộc chiến giành thị phần.
Statista, công ty nghiên cứu thị trường của Đức cho rằng, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam có con số hơn trăm triệu USD trong năm 2019, mức tăng trưởng doanh thu theo năm hơn 30%.
Theo khảo sát được thực hiện bởi Kantar TNS vào tháng 1/2019, GrabFood hiện là dịch vụ giao thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 68% số người bình chọn, xếp sau là Now với 19% và Go-Food của Go-Viet với 1%.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam thừa nhận, thách thức cho GrabFood là không hề nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi phải phát huy những thế mạnh về công nghệ của riêng mình, cùng việc am hiểu được khẩu vị và phong cách ăn uống của khách hàng.
“Vũ khí” của Woowa Brothers
Tiến vào Việt Nam, Woowa Brothers có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm đi trước. Về kinh nghiệm, có thể ở Việt Nam đây là một gương mặt hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, Woowa Brothers sở hữu ứng dụng giao đồ ăn dẫn đầu thị trường Hàn Quốc là Baedal Minjok. Baedal Minjok ra mắt vào năm 2010, các đơn đặt đồ ăn hàng tháng của ứng dụng này đã tăng từ khoảng 5 triệu vào đầu năm 2015 lên hơn 20 triệu vào tháng 7 năm 2018, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng từ 3 triệu lên 8 triệu trong cùng kỳ.
Theo Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap, nền tảng giao đồ ăn Beadal Minjok của Woowa Brothers đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần trong nước, mặc dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ tại xứ Kim chi.
Về tài chính, hiện tại công ty này được đánh giá là “anh cả” ngành giao hàng đồ ăn nhanh tại thị trường Hàn Quốc sau khi kêu gọi 320 triệu USD trong năm vừa rồi và thương hiệu này được định giá lên tới 2,6 tỷ USD.
Bài học của nhiều doanh nghiệp đi trước vẫn còn đó, khi không chịu được sự cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam. Đầu năm 2019, Lala đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm vì đã nhìn thấy trước được không thể “đọ sức” với siêu ứng dụng Grab.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan cho biết với một thị trường đi sau như Việt Nam, trong 2 – 3 năm tới, khi các đối thủ lớn xuất hiện, các công ty Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn và không thể chủ động cuộc chơi.
Thị trường sẽ chứng kiến việc thoái vốn của nhiều nhà đầu tư. “Khi doanh nghiệp lớn muốn thống trị thị trường, họ có khuynh hướng mua bán, sáp nhập các công ty Việt Nam vì chi phí tìm kiếm người dùng của người đến sau bao giờ cũng tốn hơn của người đến trước” ông Dũng nhận định.