Sáng 28/12, Tòa án kinh tế, TAND TP HCM, đã chính thức tuyên án vụ kiện giữa Vinasun – Grab. Và buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng.
Theo đó, sáng nay 28/12, Tòa án kinh tế, TAND TP HCM, tiếp tục đưa vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn Grab, sau gần một tháng hòa giải bất thành để tiến hành tuyên án.
Theo HĐXX, việc Vinasun khởi kiện Grab ra tòa vì cho rằng: Trong thời gian qua, Grab đã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ. Và hành vi của Grab gây ra được xác định là hành vi nhân quả, tuy nhiên, cần xem xét những tác động khác liên quan tới thiệt hại của Vinasun. Việc chọn công ty giám định thiệt hại của tòa là hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật.
Cũng theo HĐXX, việc Công ty Quốc Việt hỗ trợ Công ty Cửu Long giám định một số phần, là có cơ sở, không vi phạm pháp luật. Xét tranh chấp Vinasun - Grab là tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng, hành vi có lỗi của Grab đã được chứng minh. Còn về thiệt hại, dựa vào kết quả giám định đều cho thấy có thiệt hại với Vinasun, có nguyên nhân do Grab gây ra.
Có thể bạn quan tâm
21:59, 22/11/2018
18:01, 24/10/2018
13:55, 17/10/2018
06:20, 16/09/2018
Về mối quan hệ nhân quả, dựa vào tài liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab gây ra.
Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, HĐXX nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác. Tuy nhiên, căn cứ xác định từ 14/2/2014 đến nay, Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (taxi) nhưng không chấp hành quy định pháp luật về loại hình kinh doanh này.
Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun đòi Grab bồi thường, buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỉ đồng. Đồng thời, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của Vinasun đòi Grab số tiền hơn 36,3 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Grab phải chịu án phí sơ thẩm với số tiền 112 triệu đồng, Vinasun chịu phí 144 triệu đồng. Grab phải trả cho Vinasun chi phí giám định với số tiền 347 triệu đồng.
Thông qua vụ kiện này, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quản lý hoạt động của Grab theo quy định, sửa đổi đề án 24 cho hợp lý với thực tiễn. Bên cạnh đó, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Tài chính quản lý giá cước, thuế của Grab theo quy định; Kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Grab trong việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp cho người lao động theo quy định.