Hôm nay 22/10, phiên tòa xét xử vụ “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab” tiếp tục phần tranh luận và chuyển sang phần xét hỏi của HĐXX.
Các bên đều giữ nguyên quan điểm.
Tại các phiên xử trước đó, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Cụ thể, phía Vinasun vẫn đưa ra các luận điểm cho rằng Đề án 24 quy định Grab chỉ là công ty phần mềm, cung cấp dịch vụ kết nối phần mềm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải kinh doanh xe hợp đồng. Và sản phẩm đầu ra là dịch vụ vận tải hành khách bằng bằng hợp đồng – một thị trường khác hoàn toàn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Bởi lẽ, không hành khách nào lại đi ký kết hợp đồng thuê xe ô tô để đi những quãng ngắn trong nội đô, với tổng cước phí chỉ vài chục ngàn đồng.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, Grab đã nhắm tới thị trường vận tải taxi, chứ không phải là thị trường vận tải hợp đồng, cụ thể:
Thứ nhất, Grab vô hiệu hoá đơn vị vận tải, để làm việc trực tiếp với các tài xế trên tất cả các công đoạn của quá trình kinh doanh vận tải taxi, từ tuyển mộ, đặt ra tiêu chuẩn xe, nhận lệnh đặt xe của khách hàng, điều xe, thu tiền, xuất hoá đơn, thưởng phạt, phân chia doanh thu với tài xế.
Thông qua các chương trình thưởng, Grab thu hút rất nhiều người đầu tư xe chạy Grab, dẫn đến tình trạng bùng nổ xe hợp đồng tại Tp.HCM. Grab còn bỏ tiền thưởng cho người môi giới giới thiệu người đầu tư xe tham gia chạy Grab.
Không có hợp đồng, không có căn cứ pháp luật nào, nhưng Grab trực tiếp chuyển tiền, phân chia doanh thu với các tài xế. Điều này làm biến dị mô hình kinh doanh theo đề án 24, làm rối loạn công tác hạch toán, kế toán, tạo kẽ hở trốn thuế.
Bên cạnh đó, Grab còn dựng các hợp tác xã “giấy” để chế biến doanh thu. Dẫn chứng cụ thể: “Qua kiểm tra, Cục thuế Hà nội đã phát hiện nhiều hợp tác xã thành lập năm 2016 nhưng đã có tên nhận doanh thu của Grab từ năm 2015”.
Thứ hai, Grab không cung cấp phần mềm kết nối xe hợp đồng mà cung cấp phần mềm gọi xe taxi cho khách hàng. Các thao tác trên phần mềm chỉ là đặt xe taxi. Trên phần mềm không có bất kể hợp đồng vận tải điện tử nào theo quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải cũng không can thiệp được vào bất cứ công đoạn nào của quá trình giao kết giao dịch vận tải của phần mềm Grab.
Chính vì vậy, mới có sự trùng lắp giữa dịch vụ vận tải hợp đồng và dịch vụ vận tải taxi, Grab mới xâm nhập được vào thị trường vận tải taxi, giành giật khách hàng của các công ty vận tải taxi, trong đó có Vinasun.
Mối quan hệ nhân quả… “Quýt làm – Cam chịu”.
Theo đại diện Vinasun, bên cạnh việc xâm nhập trái phép vào thị trường vận tải taxi, Grab còn dùng nguồn lực tài chính để khuyến mại, trợ giá cho các chuyến xe. Nhờ vậy, các tài xế Grab mới thực hiện được các cuốc xe giá rẻ. Nếu không có các khoản thưởng của Grab, nếu không có các chương trình khuyến mại cước phí của Grab, các khách hàng của Vinasun đã không ồ ạt dịch chuyển sang sử dụng Grab. Cụ thể, trong giờ cao điểm, khách hàng lựa chọn đi taxi thay vì đi Grab.
Bên cạnh đó, đại diện Vinasun cũng nhấn mạnh rằng, lợi thế giá rẻ của Grab, Uber còn dựa trên lợi thế doanh nghiệp này trốn thuế. Trong 3 năm, thực hiện hàng chục triệu cuốc xe, nhưng Grab chỉ đóng thuế 9,5 tỷ đồng, còn Vinasun đóng xấp xỉ 1200 tỷ đồng là con số khập khiễng, hành vi kinh doanh trái luật của Grab là quan hệ nhân quả nhưng bên thiệt hại lại thuộc về các hãng taxi truyền thống và Vinasun là kiểu “Quýt làm – Cam chịu” là khó có thể chấp nhận được – đại diện Vinasun cho biết.
Grab khuyên Vinasun nên… nhìn lại?
Phản hồi lại phía bên nguyên đơn, phía Grab vẫn khẳng định mình không hoạt động vận tải, không vi phạm đề án 24 như cáo buộc mà Vinasun đã đưa ra và dẫn tới phiên xét xử trong thời gian vừa qua.
Cũng tại phiên tòa hôm nay, ông Jerry Lim, đại diện Grab cho rằng :Vinasun nên tự nhìn lại lý do khách hàng rời bỏ Vinasun là vì chất lượng dịch vụ thay vì kiện Grab – đối thủ cạnh tranh của Vinasun ra tòa.
Grab cho rằng Vinasun đang lợi dụng hệ thống tư pháp nhằm giành thế chiến thắng trên thị trường. Grab cũng đưa ra lý lẽ và cho rằng Vinasun kiện Grab vi phạm đề án 24 nhưng bản thân Vinasun cũng không có hợp đồng điện tử, không có hợp đồng giấy, vi phạm đề án 24,vi phạm về khuyến mãi, phớt lờ cảnh báo của bộ tài chính…
Cũng theo ông Jerry Lim, Grab luôn cố gắng làm tốt nhất và hiệu quả nhất để phục vụ hơn 96 triệu người Việt Nam, đã tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho người Việt Nam, tạo ra tiêu chuẩn sống tốt hơn, kiên định với sứ mệnh của Grab tại Việt Nam để tồn tại.
Cũng theo đại diện Grab, Vinasun nên nhìn lại bản thân mình, nhìn Grab và các công ty công nghệ khác để đóng góp được nhiều hơn" - Đại diện Grab nói.
Tại tòa, đại diện Vinasun cho rằng: theo luật thuế của nước CHXH CN Việt Nam thì thuế thu nhập doanh nghiệp được đóng trên lợi nhuận doanh nghiệp, nhưng trong năm 2014 đến năm 2017, Grab báo lỗ hơn 1.700 tỉ. Vậy việc Grab nói Grab sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp gấp 3 lần thì cần phải xem lại. Về cáo buộc vi phạm pháp luật mà Grab đưa ra, Vinasun khẳng định “tất cả những chương trình khuyến mãi của Vinasun đều được đăng ký ở Bộ công thương, Sở công thương và hoàn toàn đúng pháp luật. Vinasun tuân thủ đề án 24, Nghị định 86, các cuốc xe thuê đi công tác, đi xa đều có hợp đồng giấy”.
Đại diện Vinasun cho biết Vinasun đã sử dụng phần mềm như Grab từ 2015. Vinasun App cũng tương tự như phần mềm của Grab: biết trước giá cước, thông tin tài xế, thời gian đến đón, có SMS thông báo số lái xe, số điện thoại lái xe, thời gian đến đón…
Bên cạnh đó, phía Vinasun vẫn tuân thủ đầy đủ đề án 24, không đánh tráo khái niệm như Grab. Vinasun thừa nhận đã thay đổi môi trường kinh doanh từ tác động của Grab và Uber.
Đáng chú ý, đại điện Vinasun chia sẻ rằng: "4 năm trước chúng tôi dự đầy đủ các cuộc hội thảo của Uber. Tất cả luận điểm của bên bị đơn hôm nay cũng giống như Uber công bố về công nghệ 4.0; học thuyết kinh tế chia sẻ. Uber giành giật thị phần, thị trường, thu thập thông tin khách hàng và buôn bán với nhau. Đại diện Vinasun dẫn chứng: "Tại thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber đã bắt tay mua bán với nhau, với giá 2,5 tỉ đô. Uber đã tuyên bố như vậy. 3 năm sau Grab có tương tự như vậy hay không hay chỉ những người lái xe thiệt hại vì đã đầu tư xe cộ…"
Bên cạnh đó, Phía Vinasun tiếp tục khẳng định nếu đơn vị khác hoạt động với giá rẻ mà dựa trên cơ sở đúng pháp luật thì Vinasun hoàn toàn ủng hộ nhưng Vinasun không cổ súy giá rẻ mà gian lận –đeại diện Vinasun nói.
(Còn tiếp). Chiều mai 23/10, phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc