Liên quan đến vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi ở nước ngoài vì chứa chất cấm, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy chuẩn về mức giới hạn Ethylene Oxide trong thực phẩm.
Sáng 12/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vụ mì ăn liền Hảo Hảo nhiễm Ethylene Oxide bị thu hồi tại một số nước Châu Âu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế căn cứ quy định tại Điều 62 Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Đồng thời, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương rà soát, cập nhật, thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.
Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra sau khi xem xét báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide và bị thu hồi tại một số nước châu Âu.
Trước đó, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra phản ánh của báo chí việc sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có chất cấm, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/9/2021.
Ethylene Oxide (EO), hay còn gọi là oxiran và epoxit là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử C2H4O, trong đó nguyên tử O liên kết với cả hai nguyên tử C nên khá linh động, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Sau khi tiếp xúc với thực phẩm, EO dễ dàng tạo thành một số chất chuyển hóa với sự có mặt của các phân tử H2O, ion Clorua và Bromua như Ethylene Glycol, 2-Chloroethanol (2-CE) và 2- Bromoetanol tương ứng. Các sản phẩm chuyển hóa này vẫn được gọi chung là EO khi định lượng.
EO được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella). EO khi gặp các vi sinh vật sẽ xảy ra quá trình Alkyl hóa ADN và ARN, làm bất hoạt vi sinh vật nên EO trở thành thuốc khử trùng phổ rộng. Tuy nhiên, EO làm biến đổi vật chất di truyền ADN và ARN, tức là biến đổi gen, nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia hay vùng lãnh thổ có quy định liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm và ngưỡng quy định của các quốc gia này cũng rất khác nhau. Tại EU, mức giới hạn của EO được tính là tổng của các sản phẩm chuyển hóa, bao gồm cả 2-CE, trong khi tại một số quốc gia khác như Mỹ, Canada lại có mức giới hạn riêng đối với EO và 2-CE.
Có thể bạn quan tâm
18:17, 04/09/2021
22:14, 31/08/2021
14:23, 29/08/2021