Tôi úp mặt, ôm đầu suy nghĩ và đau đớn khi chạy qua mắt mình là những dòng tin về vụ việc của kẻ ném cháu bé 5 tuổi xuống sông.
Hình ảnh người cha cõng con gái mang ra sông được camera an ninh ghi lại.
Tôi sẽ có thể nổi nóng nếu ai đó gọi kẻ đó là cha ném con xuống sông. Hắn không xứng đáng với từ “cha” thiêng liêng cao quý, kẻ đó không còn từ nào xứng đáng để gọi tên hay biện hộ. Loài cầm thú hung ác cũng sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu đem chúng ra so sánh với kẻ “mặt người dạ quỷ” này. Hổ dữ còn không còn ăn thịt con, hắn là con ác quỷ cần phải loại khỏi cuộc sống của loài người, trả lại nỗi oan khuất của cháu bé.
Nghi phạm Trần Văn Viên (cha cháu bé bị ném xuống sông) được dẫn giải đến vị trí ném con của mình xuống sông để thực nghiệm hiện trường.
Vùng quê hiền lành Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bỗng chốc trở nên nổi tiếng, buồn thay nổi tiếng về một sự việc hết sức đau buồn. Dòng Trường Giang bỗng như thành dòng “Trường Hận” với nỗi đau dài dằng dặc như “châm kim, xát muối” vào lòng vào bất kể những ai có lương tri.
Nỗi đau này không chỉ giày vò người thân của cháu bé, của mẹ cháu…, mà còn gây nhức nhối đến nghẹn thở, tức ngực cho nhiều người chỉ vì sự ghen tuông ích kỷ của mình. Hắn đã phạm phải tội ác đến trời không dung, đất không tha, người người oán hận. Thương thay cho cháu bé, xót thay cho cháu bé…, người đưa cháu đến với cuộc đời lại cũng là người tàn bạo cướp mạng sống của cháu đi.
Mới 5 tuổi đầu bé bỏng, hồn nhiên, cháu nào có tội gì, có khi còn thấy vui khi thấy cha kiệu lên vai, lên cổ. Cháu nào ngờ kẻ máu lạnh đó vác cháu ra bờ cầu cảng, thẳng cánh quăng xuống sông như quăng đồ vật chứ không phải ruột rà máu mủ của mình. Liệu trước khi chìm xuống dòng nước lạnh, cháu có kịp gọi lên tiếng gọi “cha ơi”, tiếng gọi bản năng của bất cứ đứa trẻ nào khi cảm thấy bị đe dọa cần sự chở che bảo vệ của cha mình.
Căm hận thay cho hành động bạo tàn, chỉ vì ghen tuông ích kỷ đến mù quáng mà xuống tay hại chết con mình của tên ác quỷ. Tôi cứ ước ao có phép màu cho thời gian quay trở lại để cho hắn có cơ hội để làm lại, để sau khi ném cháu xuống sông, tình phụ tử bừng lên trong hắn. Hắn sẽ cuống cuồng lao xuống vớt cháu lên xin lỗi rối rít và sau đó thì yêu thương cháu nhiều hơn, bù đắp cho cháu thật nhiều hơn cho dù có xảy ra bất cứ chuyện gì.
Nhưng không! Hắn quay mặt bước đi như vừa ném xong một gánh nặng, lòng hả hê vì rửa được cơn giận trong lòng. Hắn đã gây ra nỗi đau khủng khiếp cho người mang nặng đẻ đau sinh ra cháu bé. Một hành động hèn hạ đáng khinh bỉ. Nếu không đủ tài lực để lo cuộc sống của vợ con được bằng chúng bạn, thì có thể hy sinh nhiều, yêu thương nhiều hơn để bù đắp cho vợ con. Còn nếu ích kỷ muốn hưởng thụ một mình thì đừng có con nữa. Ngoài xã hội, còn biết bao nhiêu người chữa Đông, chạy Tây, cầu cúng khắp nơi xin trời thương đoái cho mụn con mà không được, họ càng thấy xót xa cho cháu bé vắn số.
Nhiều người nói con gái là người tình kiếp trước của cha, con gái tình cảm quấn quýt với cha, nũng nịu, hờn giận cả vòi vĩnh nữa cũng hết sức đáng yêu. Con gái thường được cha chiều chuộng nâng niu, cưng như trứng mỏng chứ không nghiêm khắc như với con trai. Tôi đã thấy nhiều ánh mắt ghen tỵ của những người không có con gái khi thấy con gái nũng nịu ngồi lòng vê râu, nghịch tóc cha mình.
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Phải chăng Nguyễn Du nói hộ cho nhiều người khi họ thấy cảnh này.
Mặt trái của sự phát triển kinh tế là sự chênh lệch, phân hóa giàu nghèo. Sự khoe mẽ của số ít người giàu sang đã tạo ra tâm lý ích kỷ, sở hữu, tâm lý trả đũa, thỏa mãn cảm giác cá nhân, tiếp tay cho sự hình thành tâm lý, nhận thức lệch lạc.
Lứa tuổi của hắn rời quê kiếm ăn, thất bại rồi quay về đi biển, với tuổi này cơ hội vẫn còn nguyên cho hắn nếu thực sự tu chí và quyết tâm. Nhưng không hắn chọn cách rơi tự do vào địa ngục A tì ngàn kiếp không thể đầu thai, cùng ngàn lời nguyền rủa, phỉ báng của người đời, sự căm hận tột cùng của những người hắn liên quan.
Chỉ có điều, khó có cách nào bảo vệ được trẻ em, những đối tượng ưu tiên số một được bảo vệ trong xã hội, khi các em chưa có đủ sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm để tự bảo vệ mình. Nhất là khi người xuống tay với các em chính là kẻ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục các em. Đó là câu hỏi ngập tràn nỗi đau, là sự nhức nhối của ai đó còn sống với trong lồng ngực là một trái tim còn biết yêu thương đồng loại.
Xin đừng ai nhắc đến người sinh ra cháu dù bất cứ lý do gì. Nỗi đau với chị ấy đã là quá lớn, để chị ấy được yên cũng là bồ tát. Thương, hờn, trách giận…, bới móc,… xin hãy cho người phụ nữ ấy được yên.
Thắp nén hương lòng cầu mong cho cháu bé sớm siêu thoát. A Di Đà Phật!
Có thể bạn quan tâm
02:18, 23/01/2022
15:04, 29/12/2021
13:03, 04/12/2021